Trong thời gian qua, các nước Đông Nam Á đã gấp rút tăng cường trang bị vũ khí. Theo Viện nghiên cứu hòa bình quốc tế ở Stockholm (SIPRI), chi phí quân sự trong năm 2015 ở khu vực này tăng trung bình 5%. Nếu xét trong giai đoạn 10 năm từ 2006 tới 2015 thì chi phí quân sự trong vùng đã tăng lên tới bình quân là 57%.
Nếu xét về con số tuyệt đối tính bằng USD theo tỉ giá của năm 2014 thì chi phí quân sự của Việt Nam, Indonesia và Campuchia giữa 2005 và 2015 đã tăng lên gấp đôi. Trong thời gian từ 2011 tới 2016, Việt Nam đứng thứ 8 trong 10 nước nhập khẩu vũ khí nhiều nhất thế giới với 4,1 tỉ USD, tăng gần 7 lần so với giai đoạn từ 2006 tới 2011.
Các nhà quan sát cho rằng việc các nước Đông Nam Á tăng cường mua sắm vũ khí là nhằm đối phó với việc Trung Quốc hung hăng đòi hỏi chủ quyền tới 90% của Biển Đông rộng 3,5 triệu km vuông và các nước này ngày càng hoài nghi việc Mỹ sẽ can dự nếu xảy ra xung đột. Việc mua vũ khí không chỉ nhằm hiện đại hóa những vũ khí cũ để giữ nguyên hiện trạng, mà tất cả các nước Đông Nam Á tăng cường mua sắm vũ khí đều mua vũ khí liên quan tới hải quân và không quân, không phải nhằm đạt được ưu thế trong vũ khí thông thường, mà nhằm hạn chế sự tự do di chuyển và hoạt động chiến lược của đối phương.
Trong năm 2015, Việt Nam chi 4,5 tỉ USD cho lực lượng vũ trang, như vậy xét theo con số tuyệt đối là tăng 200 % kể từ năm 2005. Ngân sách quốc phòng 2015 chiếm 2,3% GDP, tăng rõ rệt so với 1,8% năm 2005. Tới giữa thập kỷ đầu tiên của thế kỷ 21, Việt Nam trước hết chỉ có thiết bị quân sự cũ từ thời Liên Xô. Nhưng Việt Nam đã thay đổi chính sách mua sắm vũ khí, kể từ khi căng thẳng với Trung Quốc liên tục gia tăng ở Biển Đông trong 10 năm qua. Năm 2007, ĐCS Việt Nam đã ra Nghị quyết phát triển „Chiến lược biển quốc gia 2020“ và năm 2009 công bố một Sách trắng quốc phòng mới, trong đó nhấn mạnh cải thiện việc bảo vệ toàn vẹn lãnh hải của đất nước trước mối đe dọa từ bên ngoài và những biện pháp trang bị vũ trang cần thiết. Từ đó, lực lượng quân đội Việt Nam được nhanh chóng tăng cường vũ khí.
Lục quân Việt Nam được mua 20 hệ thống tên lửa EXTRA di động của Israel, được chuyên môn hóa vào việc bảo vệ hải cảng và các thiết bị bờ biển. Theo báo chí, nhiều hệ thống tên lửa này được triển khai ở các đảo thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Theo các nhà quan sát, những hệ thống tên lửa này rất chính xác có thể bắn tới tất cả những đảo nhân tạo của Trung Quốc được trang bị hải cảng, sân bay và căn cứ quân sự. Nhưng Chính phủ Việt Nam bác bỏ việc triển khai tên lửa tại quần đảo Trường Sa. Tuy nhiên, họ cũng mua ba hệ thống tên lửa đất đối không di động loại „Pechora-2T“.
Nhưng hải quân và không quân được hưởng lợi hơn nhiều so với lục quân trong chính sách mua sắm vũ khí mới. Năm 2013, không quân Việt Nam đặt mua 12 máy bay chiến đấu mới Su-30MK2 của Nga và ba máy bay vận tải C-295 của Tây Ban Nha. Trước đó, năm 2010, họ đã đặt mua 20 máy bay chiến đấu Nga Su-30MK3 có động cơ từ Canada. Bên cạnh đó, Hà Nội còn mua bốn hệ thống VERA-E-Radar của Cộng hòa Séc có khả năng theo dõi cả những mục tiêu có khả năng „tàng hình“.
Nhưng hải quân là được mua nhiều vũ khí nhất trong những năm qua, trong đó có sáu tàu ngầm Nga lớp „Kilo“, được trang bị tên lửa chống hạm loại SS-N-27, tên lửa hành trình loại SS-N-30 và ngư lôi chống tàu ngầm. Chiếc tàu ngầm cuối cùng loại này đã được Nga bàn giao tháng 1/2017. Bên cạnh đó, hải quân còn được mua thêm 10 tàu hộ tống mới của Nga được trang bị tên lửa có điều khiển loại Tarantul Molniya. Ngoài ra, Hà Nội đã mua bốn tàu khu trục mới, hai từ Nga và hai từ Hà Lan. Hai tàu khu trục Nga loại „Gepard -3“ dự kiến được bàn giao cho Việt Nam năm 2017 và cũng được trang bị tên lửa loại „SS-N-30“. Hai tàu khu trục Hà Lan loại „SIGMA – 90“ vẫn chưa rõ thời hạn hoàn thành. Hai tàu khu trục Hà Lan sẽ được trang bị 40 tên lửa MICA của Pháp, 25 tên lửa chống hạm MM-40-3-Exocet của Pháp cũng như hệ thống Radar và Pháo Super-Rapid 76 mm của Ý. Việt Nam đã đặt mua 400 tên lửa chống hạm loại SS-N-25 để trang bị cho các tàu khu trục của Nga. Ngoài ra, Hà Nội cũng tuyên bố sẽ phát triển công nghiệp vũ khí trước hết cho lĩnh vực hải quân, dựa vào việc chuyển giao công nghệ và bí quyết của các doanh nghiệp Nga.
Ngoài ra, năm 2013, Việt Nam cũng tiếp quản ba tàu tuần tiễu cũ của Hàn Quốc và năm 2015, Nhật Bản cũng bàn giao sáu tàu tuần duyên cho Việt Nam theo „Thỏa thuận hợp tác quốc phòng“ hai nước ký năm 2011. Năm 2014, Việt Nam tuyên bố sẽ mua 32 tàu tuần duyên mới trong những năm tới với tổng giá trị lên tới 547 triệu USD. Sau khi Mỹ dỡ bỏ cấm vận tháng 5/2016, Hà Nội đang tập trung mua vũ khí của Mỹ. Các nhà quan sát cho rằng trong tương lai Việt Nam có thể máy bay P-3C-Orion của Mỹ đặc biệt thích hợp cho việc giám sát biển và phòng chống tàu ngầm được loại ra từ kho vũ khí của Mỹ. Thêm vào đó, Chính phủ Việt Nam cũng thương lượng với các tập đoàn vũ khí châu Âu về việc mua máy bay chiến đấu, máy bay cho hải quân và máy bay không người lái. Giá trị việc đặt mua tàu ngầm và máy bay chiến đấu năm qua lên tới gần 3 tỉ USD, tương đương ngân sách quốc phòng của năm 2014. Riêng ngân sách hải quân đã tăng hơn gấp đôi trong 8 năm qua. Các nhà quan sát cũng lưu ý tới việc một số loại vũ khí được mua nhanh chóng và chuyển gấp về Việt Nam. Chiếc tàu ngầm cuối cùng trong sáu chiếc được đặt mua ở Nga năm 2009 đã được bàn giao đầu năm 2017. Hai chiếc máy bay cuối cùng trong phi đội máy bay chiến đấu mới Su-30MK đã được bàn giao tháng 2/2016, tức là chưa đầy ba năm sau khi đặt mua. Qua đó, Việt Nam đã tăng gấp đôi phi đội máy bay chiến đấu.
Việc mua vũ khí ồ ạt trong những năm qua đã làm cho Việt Nam trong vòng một thập kỷ đã có khả năng răn đe nhất định, vì trong trường hợp xảy ra chiến sự, đối thủ sẽ phải mạo hiểm khi thâm nhập lãnh hải mà Việt Nam tuyên bố chủ quyền, bởi vì họ phải tính tới những hệ thống tên lửa cơ động, tàu ngầm và máy bay chiến đấu được trang bị tên lửa chống hạm hiện đại sẽ buộc họ phải trả một giá rất đắt.
Văn Long – Thoibao.de (Tổng hợp theo báo chí Đức)