Nguyên nhân Tô Lâm đưa ra cảnh cáo đối với Vương Đình Huệ

Ngày 22/11, RFA Tiếng Việt đăng bài bình luận của Gió Bấc: “Vì sao Tô Lâm cảnh cáo Vương Đình Huệ?”.

Theo đó, tác giả cho hay, Bộ Chính Trị, Ban Bí Thư triều đại Tô Tổng đã phá rào ra quyết định chưa có tiền lệ, kỷ luật cảnh cáo cựu thành viên Tứ trụ Vương Đình Huệ.

Quyết định này cũng phá vỡ chủ trương của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, là ưu ái cho các đồng chí nhúng chàm được từ chức theo nguyện vọng. Vương Đình Huệ, Nguyễn Xuân Phúc và Võ Văn Thưởng từng được hưởng đặc ân này. Huệ sai phạm cụ thể như thế nào? Mức cảnh cáo có thỏa đáng chưa? Đã cho thôi giữ chức về hưu, giờ kỷ luật có vi phạm nguyên tắc “nhất sự bất tái cứu”?

Tác giả cho rằng, điều người ta bất ngờ là Tổng Bí thư Tô Lâm đã phá rào, đạp đổ bức tường vô hình nhưng kiên cố xưa nay, luôn bảo vệ các Tứ trụ an toàn tuyệt đối. Việc kỷ luật cảnh cáo cựu Ủy viên Bộ Chính trị, cựu Chủ tịch Quốc hội và treo nợ với cựu Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng vì đang điều trị bệnh, xưa nay chưa từng có. Phải chăng đây là biểu hiện “đốt lò” trong kỷ nguyên mới của Tô Tổng?

Tuy nhiên, việc kỷ luật Vương Đình Huệ vẫn còn đó những khuất tất, bất thường. Như thông lệ trước nay, các sai phạm của đương sự là cán bộ cấp cao vẫn được nêu chung chung, mơ hồ.

Tác giả nhắc lại, ngày 25/4, dưới triều đại của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa 13 đã xem xét cho thôi giữ các chức vụ, nghỉ công tác đối với Vương Đình Huệ.

Lần này, sau vài tháng, Bộ Chính trị và Ban Bí Thư kỷ luật cảnh cáo Vương Đình Huệ, với nội dung sai phạm khác lần trước là có thêm đoạn “đã vi phạm quy định của Đảng, Nhà nước trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao, trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực”, và không có cụm từ “chịu trách nhiệm người đứng đầu theo các quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước”.

Theo tác giả Gió Bấc, Tô Tổng cũng đã đánh người dưới ngựa, dẫm lên chủ trương chống tham nhũng nhân văn, nhân ái, một phát kiến của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Tuy nhiên, do thông báo không dám gọi tên, không nêu cụ thể hành vi Vương Đình Huệ vi phạm quy định pháp luật là gì, có nhận hối lộ không, bao nhiêu tiền trong số hàng ngàn tỉ đồng sai phạm của công ty Thuận An, gắn liền với việc cho ông Huệ về hưu, nên người ta vẫn băn khoăn liệu kỷ luật như vậy có phải là “đưa cao đánh khẽ”, cho tội phạm hạ cánh an toàn.

Vẫn theo tác giả, Tô Tổng vốn là người thực tiễn, bận rộn trăm công nghìn việc, chắc chắn không rảnh rang họp hành xử lý những việc vô nghĩa. Chắc chắn việc xử lý lần này phải có hậu ý liên quan đến cuộc đua nhân sự trong Đại hội 14 sắp đến.

Tác giả lưu ý, bối cảnh vừa qua, phát biểu đâm hông tân Tổng thống Trump về chính sách thương chiến của Chủ tịch nước Lương Cường, tại hội nghị thượng đỉnh APEC, cho thấy họ Lương đã nghiêng cây tre về phía Trung Quốc.

Dư luận cũng cho rằng Vương Đình Huệ vốn đứng đầu nhóm Nghệ An có số Ủy viên Trung ương đông đảo nhất. Vương Đình Huệ mất ghế, vai trò quan trọng của phe Nghệ An vào tay Phan Đình Trạc.

Sau khi về hưu, Vương Đình Huệ vẫn năng nổ cùng nguyên Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh, nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, các nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, Nguyễn Thị Kim Ngân tham dự các sự kiện lễ lạc của quốc gia, như trong lễ viếng lăng Hồ Chí Minh ngày 28/9.

Tác giả nhận xét, ý chí Vương Đình Huệ, vai vế Phan Đình Trạc cho thấy phe Nghệ An vẫn còn là thế lực đáng gờm. Trong hàng tứ trụ hiện nay, ngoài Trần Thanh Mẫn không có lực lượng hậu thuẫn khả dĩ, 3 trụ còn lại đều có lực lượng riêng.

Tác giả kết luận, cuộc chiến giành suất đặc biệt trụ hạng trong nhiệm kỳ Đại hội 14 giữa tam đầu chế Tô Lâm, Phạm Minh Chính, Lương Cường đang tiềm ẩn nhiều rủi ro. Muốn giữ ngôi vương, Tô Lâm phải tận dụng vũ khí đốt lò. Việc cảnh cáo Vương Đình Huệ không chỉ nhằm trấn áp thế lực Nghệ An.

 

Ý Nhi – thoibao.de