Bất động sản đắt đỏ: Người cần mua nhà khó tiếp cận

Ngày 25/11, RFA Tiếng Việt đăng bài bình luận: “Lương Chủ tịch nước bao lâu thì mua được nhà Hà Nội?” của blogger Nguyễn Nhơn.

Theo đó, tác giả dẫn lời Ông Đỗ Văn Thạch – CEO Dova Land, Hà Nội, khẳng định, giá bất động sản hiện nay là một thử thách lớn đối với những người có nhu cầu thực sự. Với mức thu nhập trung bình 30 triệu đồng/tháng, việc mua được một căn hộ tại Hà Nội gần như là điều không thể, nếu không có sự hỗ trợ từ các nguồn tài chính khác, hoặc phải chấp nhận sống xa trung tâm thành phố”.

Tác giả cho biết, theo thang bảng lương các chức vụ lãnh đạo, lương của các chức danh Chủ tịch nước và Tổng Bí thư là 30 và 42 triệu đồng/tháng. Lương của Chủ tịch Quốc hội và Thủ tướng thấp hơn một chút, 29 và 25 triệu đồng. Lương của chức danh bộ trưởng có hai mức nhưng xấp xỉ 24 triệu đồng.

Mức lương này là lương đã tăng sau ngày 1/7, còn trước đó thì thấp hơn khoảng bảy triệu đồng.

Nghĩa là theo CEO bất động sản Đỗ Văn Thạch, tất cả các lãnh đạo từ bộ trưởng trở lên đến Chủ tịch nước, Tổng Bí thư… đều không thể mua được lấy một căn hộ chung cư tại Hà Nội nếu không có các nguồn tài chính khác.

Tác giả châm biếm, một gợi ý cho các nguồn tài chính khác là bán chổi đót, chạy xe ôm thâu đêm, làm men nấu rượu, làm giá đỗ… như ông Phạm Sỹ Quý, nguyên Giám đốc sở Tài nguyên Môi trường tỉnh Yên Bái; Phó Ban Nội chính tỉnh ủy Đắc Lắc Nguyễn Sỹ Kỷ; hay là làm vườn, lao động đến thối cả móng tay như ông Trần Văn Truyền, nguyên Tổng Thanh tra Chính phủ.

Tác giả nhắc lại, cách đây 3 năm, vào tháng 8/2021, trong giai đoạn Sài Gòn sắp bị Covid vây khốn, cựu Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cùng cán bộ địa phương đến thị sát nhà dân ở phường 5, quận 8. Những cán bộ ấy sửng sốt vô cùng, vì bà con sống san sát đến nỗi cảm tưởng người nhà này thò khuỷu tay ra là đụng phải người nhà khác. Trong điều kiện đó không thể cách ly hay giãn cách đúng yêu cầu chống dịch.

Tác giả cho biết thêm, chẳng nói đâu cho xa tít quận 8 vốn mang tiếng là quận nghèo, ngay giữa trung tâm thành phố quận 1, quận 3, chỉ cách những con đường to rộng rực sáng ánh đèn chỉ vài mét, cũng chi chít chằng chịt những con hẻm trong khu dân cư lâu năm nhưng cực kỳ tối tăm dơ bẩn. Gọi là nhà cũng được mà gọi là lều cũng chẳng sai.

Trong khi đó, ở Hà Nội, trong những con phố cổ chưa được quy hoạch, tình trạng còn thê thảm hơn. Báo chí Việt Nam từng đăng rất nhiều bài viết, phóng sự các loại về những gia đình sinh sống gần cả đời ngay trên nóc của nhà vệ sinh công cộng, hay một “căn nhà” ba mét vuông nằm trên lối đi vào khu tập thể, chủ nhà muốn vào nhà phải bắc thang trèo lên qua một cái lỗ ở sàn.

Những con hẻm sâu thẳm, ngoắt ngoéo, tối mù mịt mọc đầy rêu, quanh năm không hề có ánh mặt trời, mỗi cái nhà giống như một cái lỗ móc vào hai bên hẻm. Chúng được sinh ra khi người ta đem chia biệt thự to đẹp của một gia đình tư sản cho 5 đến 6 hộ cán bộ cùng ở, vào thời kỳ đầu của cách mạng, rồi những gia đình ấy cứ thế đông người lên, chia tách thành những hộ riêng rẽ. Họ thống nhất dành một lối hẹp chỉ vừa đủ một người đi làm lối đi chung, còn “nhà” ai tự cơi nới lấy, lên gác, chia bịt đủ cách.

Qua hàng chục năm, đất mặt tiền phố cổ nhờ buôn bán sầm uất mà biến thành đất vàng, mới có cái giá trên trời. Nhưng những con người sống như đàn chuột phía bên trong, thì vẫn ngày ngày chui rúc trong cảnh tối tăm như thế.

Để kết luận, tác giả đặt vấn đề, cùng là những người làm thuê lương thấp, lương cỡ bộ trưởng, Chủ tịch nước, mà nếu sống bằng đồng lương đó, thì cả đời vẫn không thể mua được một căn hộ Hà Nội, nhưng người thì biệt phủ, biệt thự căn hộ penhouse rải khắp từ Nam chí Bắc, chưa kể nước ngoài, người thì suốt đời chui rúc những cái ổ chuột thành thị. Khác biệt đó là vì đâu?

Vì làm lãnh đạo thì phải biết sống thanh liêm và biết làm kinh tế hộ gia đình thật giỏi.

 

Quang Minh – thoibao.de