Ngày 25/11, BBC Tiếng Việt cho hay “Trung ương Đảng họp bất thường, xử lý hàng loạt nhân vật cấp cao”.
Theo đó, sáng 25/11, Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam đã triệu tập Hội nghị bất thường, với nội dung bao gồm việc kỷ luật cán bộ đảng viên cấp cao. Hội nghị chỉ diễn ra trong nửa ngày.
BBC dẫn thông cáo do Văn phòng Trung ương Đảng ban hành, cho biết, tại Hội nghị, Trung ương Đảng đã đồng ý để cựu Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường và Bí thư Đảng ủy Khối các cơ quan Trung ương Nguyễn Văn Thể – cựu Bộ trưởng Giao thông Vận tải, thôi ủy viên Trung ương Đảng khóa 13.
Ban Chấp hành Trung ương cũng đã quyết định khai trừ Đảng các ông:
Phạm Văn Vọng – cựu Ủy viên Trung ương Đảng, cựu Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc, cựu Chủ tịch Hội đồng Nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc;
Ngô Đức Vượng, cựu Ủy viên Trung ương Đảng, cựu Bí thư Tỉnh ủy Phú Thọ;
Nguyễn Doãn Khánh, cựu Ủy viên Trung ương Đảng, cựu Bí thư Tỉnh ủy Phú Thọ.
BBC cũng dẫn phát biểu khai mạc Hội nghị của Tổng Bí thư Tô Lâm, nhấn mạnh về việc tinh gọn bộ máy để hoạt động hiệu quả, nhất là cấp Trung ương. Việc này đã được Tổng Bí thư Tô Lâm nhắc đi nhắc lại liên tục trong các cuộc họp gần đây.
Thực tế, bộ máy cồng kềnh – bao gồm Đảng, chính quyền, đoàn thể – là điều ai cũng thấy, và Tổng Bí thư Tô Lâm không phải lãnh đạo đầu tiên nêu vấn đề này. Đã có nhiều lãnh đạo Đảng và Chính phủ hô hào tinh giản bộ máy, cải cách thể chế, nhưng kết quả lại thay đổi được gì.
Theo BBC, vấn đề tinh gọn này đã không được thực hiện một cách quyết liệt dưới thời Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, người đã tái lập các ban Đảng để phục vụ cho mục tiêu chính trị của mình. Thời của Tổng Bí thư Tô Lâm, có thể sẽ có nhiều bước đi ngược lại thời kỳ của ông Trọng.
Trở lại việc kỷ luật một loạt lãnh đạo nêu trên, BBC cho biết, đến nay, Trung ương Đảng khóa 13 (2021 – 2026) đã có 28 người bị “cho thôi”, trong đó có 7 ủy viên Bộ Chính trị.
Bộ Chính trị đã quyết định giới thiệu Quốc hội khóa 15 phê chuẩn chức danh Bộ trưởng Tài chính, Bộ trưởng Giao thông Vận tải; bầu ủy viên Ủy ban Thường vụ, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội.
Dự kiến, Bộ trưởng Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng sẽ chuyển sang làm Bộ trưởng Tài chính.
Vị trí Bộ trưởng Giao thông mà ông Thắng để lại, sẽ do một bí thư tỉnh ủy đảm nhận.
Vẫn theo BBC, dưới thời Tổng Trọng, dù mắc khuyết điểm, nhưng các “Tứ trụ” vẫn được cho “đường lui”, cho “hạ cánh an toàn”, bằng việc chủ động nhận trách nhiệm và xin thôi chức.
Tuy nhiên, dưới thời Tổng Bí thư Tô Lâm, mọi chuyện dường như đã đổi khác.
Cựu Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã trở thành nhân vật đầu tiên trong “Tứ trụ” bị kỷ luật, sau khi đã rời cương vị.
BBC đánh giá, dù các hình thức kỷ luật cơ bản cũng chỉ mang tính hình thức, nhưng người bị kỷ luật cũng bị tổn hại về danh tiếng, chứ không êm đềm “rút lui trong danh dự”, như chủ trương trước đây của ông Trọng.
Ông Phúc bị nhắc tên, khi cựu Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng khai, trong vụ án tại Công ty Sài Gòn Đại Ninh, ông Dũng đã nhận chỉ đạo của “cấp trên”, về việc quan tâm, giúp đỡ ông Nguyễn Cao Trí.
BBC chỉ ra, thời điểm đầu năm 2021, ông Mai Tiến Dũng là Bộ trưởng trong Chính phủ của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.
BBC dẫn lại phân tích của Tiến sĩ Nguyễn Khắc Giang, về khả năng xử lý hình sự một trong các “Tứ trụ”. Ông Giang cho rằng:
“Rõ ràng, chống tham nhũng là để bảo vệ tính chính danh của hệ thống chính trị Việt Nam, nhưng nếu đưa ra những quyết định xử phạt rất nặng, đối với “Tứ trụ” chẳng hạn, thì sẽ làm ảnh hưởng rất nhiều đến niềm tin của người dân đối với hệ thống.”
Vì vậy, dự kiến, nếu những sai phạm, khuyết điểm của các nhân vật trong “Tứ trụ” nghiêm trọng, Đảng cũng sẽ chỉ dừng lại ở mức khiển trách, cảnh cáo – hoặc nặng tay hơn là cách chức, chứ không đến mức khai trừ, khởi tố hình sự.
Thu Phương – thoibao.de