Ngày 20/11, Blog Hoàng Trường trên VOA Tiếng Việt có bài bình luận: “Lương Cường và Tô Lâm, hai cách tiếp cận ngược chiều về Donald Trump?”.
Theo đó, tác giả cho hay, tại hội nghị APEC ở Lima, Peru, ngày 14/11, Chủ tịch nước Việt Nam, Lương Cường, nhận xét rằng chính sách bảo hộ và chiến tranh thương mại sẽ chỉ dẫn đến suy thoái, xung đột và nghèo đói. Mặc dù không nhắc đích danh, bài phát biểu này, theo hãng tin quốc tế, được xem như lời phê phán chính sách, đường lối thương mại mà tổng thống tân cử Hoa Kỳ, Donald Trump, nhiều lần khẳng định trong chiến dịch tranh cử.
Ông Lương Cường cảnh báo rằng bảo hộ mậu dịch sẽ cướp đi cơ hội việc làm của hàng triệu lao động, và cản trở phát triển kinh tế toàn cầu, đồng thời kêu gọi các quốc gia lớn tuân thủ luật pháp quốc tế. Điều này khiến giới quan sát đặt câu hỏi: Liệu ông Lương Cường đang bảo vệ lợi ích Việt Nam, hay gián tiếp nói thay lập trường của Trung Quốc, quốc gia cũng chịu áp lực, và chịu áp lực lớn nhất, từ chính sách cứng rắn của ông Trump?
Tác giả cũng cho hay, ở chiều ngược lại, vào tháng 9/2024, một công ty con của Tập đoàn phát triển bất động sản Kinh Bắc City (KBC) đã ký biên bản ghi nhớ hợp tác với Trump Organization, để phát triển dự án sân golf và khách sạn cao cấp trị giá 1,5 tỷ đô la tại tỉnh Hưng Yên, quê nhà của ông Tô Lâm.
Tác giả trích dẫn hãng tin RFI, nhận định rằng, dự án này không chỉ mang ý nghĩa kinh tế mà còn là một bước đi khôn ngoan của Hà Nội, khi có thể “thuyết phục tập đoàn Trump cam kết đầu tư, nhất là khi mà nó mang lại cho phe phái quyền lực nhất của Việt Nam, sức ảnh hưởng trong chính quyền tương lai của Mỹ”.
Theo tác giả, việc ông Tô Lâm nhường ghế Chủ tịch nước cho ông Lương Cường vẫn chưa đảm bảo sự ổn định lâu dài trong “Tứ trụ”. Có ý kiến cho rằng, sự khác biệt này không chỉ phản ánh mâu thuẫn chiến lược, mà còn cả cạnh tranh nội bộ.
Trong khi, phát biểu của ông Lương Cường tại APEC dường như trùng khớp với lập trường của Bắc Kinh, khi nhấn mạnh việc không để “chủ nghĩa dân tộc làm méo mó chính sách”. Động thái hợp tác với Trump Organization từ phía Hưng Yên – quê nhà Tô Lâm, lại được nhìn nhận như là một quan điểm “tách rời tương quan” táo bạo, tạo nên cách tiếp cận của một nhà hoạt động thực tiễn, chứ không phải “dân cạo giấy, chính trị suông” bước ra từ các loại văn phòng.
Tác giả cho biết, vụ ký kết giữa Tập Đoàn Phát triển Hưng Yên và Trump Organization, nhìn dưới nhãn quan kinh tế và nếu cho rằng có ảnh hưởng hậu trường của Tô Lâm, không chỉ thể hiện nỗ lực của họ Tô trong việc bảo đảm ổn định kinh tế, mà còn phản ánh tầm nhìn thực tiễn của một nhà lãnh đạo nhạy bén trước thực tế. Việt Nam hiện là nước có thặng dư thương mại với Mỹ lớn thứ 3 trên thế giới, chỉ sau Trung Quốc và Mexico. Vì vậy Tô Lâm phải ưu tiên trọng tâm cho mối quan hệ song phương để giảm thiểu rủi ro.
Trái lại, lập trường cứng rắn của Lương Cường dường như chỉ là lý thuyết suông, hoặc tệ hơn, nghiêng về lập trường của Bắc Kinh hơn là lợi ích của Việt Nam. Điều này làm dấy lên lo ngại: Liệu Lương Cường đang bảo vệ lợi ích quốc gia, hay vô hình chung đang làm lợi cho một thế lực khác trên các diễn đàn quốc tế?
Tác giả đưa ra kết luận, đã đến lúc Việt Nam cần phối hợp chặt chẽ hơn trong chính sách đối ngoại, để tránh bị đánh giá là thiếu nhất quán trong điều hướng. Trong bối cảnh quốc tế đầy biến động, mọi tuyên bố, dù là phát biểu tại APEC hay dự án hợp tác kinh tế, đều cần tính toán kỹ lưỡng, để tránh bị khai thác bởi sự thiếu đồng thuận nội bộ, làm ảnh hưởng đến lợi ích đất nước. Nếu không, Việt Nam có nguy cơ đánh mất lợi thế chiến lược, thay vì tận dụng cơ hội để nâng cao vị thế quốc gia.
Minh Vũ – thoibao.de