Trong tháng 3 và tháng 4, ông Nguyễn Phú Trọng gần như không còn tham gia chính sự, lúc đó, khả năng Vương Đình Huệ sẽ là người kế nhiệm rất cao. Nếu không hạ Vương Đình Huệ ngay, thì sẽ không còn cơ hội, nên Tô Lâm đã ra tay. Sân sau của ông Huệ – Tập đoàn Thuận An bị cho lên thớt, và từ đó, lôi Vương Đình Huệ xuống ghế.
Kết quả, ngày 26/4 ông Huệ từ chức, xem như chính thức giã từ cuộc chơi, nhường toàn bộ quyền “thừa kế ngai vàng” lại cho Tô Lâm.
Đến đây, những tưởng, Tô Lâm sẽ tha cho Vương Đình Huệ, tuy nhiên, ông lại không làm thế. Ông tiếp tục cho truy tận gốc rễ những dây mơ rễ má liên quan đến Tập đoàn Thuận An và Vương Đình Huệ. Vì thế, theo sau ông Huệ là đến lượt Đặng Quốc Khánh – Bộ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường. Ông Khánh người Hà Tĩnh và là mắt xích quan trọng trong nhóm lợi ích của ông Vương Đình Huệ. Sự dính líu giữa Đặng Quốc Khánh và Vương Đình Huệ cho thấy, ông Huệ âm thầm cấu kết hai nhóm Nghệ An và Hà Tĩnh – 2 nhóm có lực lượng đông nhất trong Trung ương Đảng.
Sau 7 tháng ông Huệ ngã ngựa, Tô Lâm lại lôi ông ra kỷ luật. Và ông Huệ là người đầu tiên thuộc hàng “Tứ trụ” bị kỷ luật.
Vì sao như vậy? Vì sao ông Huệ đã ngã ngựa, nhưng Tô Lâm vẫn vung tay “đánh bồi”? Đây có phải là kế sách “diệt cỏ tận gốc” hay không?
Từ khi về hưu, ông Huệ có vẻ an phận, không ra mặt giật dây các thế lực chính trị khác trên vũ đài chính trị, như Trương Tấn Sang và Nguyễn Tấn Dũng. Tuy nhiên, với các mối quan hệ rộng lớn của ông Huệ, thì việc âm thầm giật dây, để nhóm Nghệ An và Hà Tĩnh bắt tay nhau, cùng chiến với nhóm Hưng Yên, thì lúc đó, Tô Lâm rất khó chống đỡ. Có lẽ vì thế mà Tô Lâm quyết “đánh bồi” trước, cho ông cựu Chủ tịch Quốc hội hết đường “trả thù” chăng?
Thực tế, kỷ luật Vương Đình Huệ là quyết định của Bộ Chính trị, chứ không phải một mình Tô Lâm. Bề ngoài, có vẻ như Tô Lâm vô can. Tuy nhiên, để ra được quyết định này thì chắc chắn phải có sự thúc đẩy của Tổng Bí thư. Bởi, để kỷ luật ông Huệ thì phải có lý do xác đáng, phải trình lên hồ sơ đen của ông, mà chỉ có Tô Lâm và đàn em của ông mới làm được điều này.
Chắc chắn, ông Tô Lâm không lạ gì tính cách và bản chất của ông Vương Đình Huệ. Ông Huệ là người rất giỏi quan sát, biết ngồi nơi an toàn giật dây, để những người khác phải hy sinh thay cho mình.
Còn nhớ, khi ông Trọng cần người để hỗ trợ ông chống lại ông Nguyễn Tấn Dũng, ông Trọng đã kết nạp cả ông Huệ và ông Nguyễn Bá Thanh vào phe mình. Tuy nhiên, ông Huệ giỏi trốn tránh và đã giật dây ông Trọng, đưa ông Nguyễn Bá Thanh ra tuyến đầu. Kết quả, ông Thanh gục ngã, và ông Huệ hưởng hết sự ưu ái của ông Trọng. Nếu không triệt tận gốc Vương Đình Huệ, thì Tô Lâm không thể yên tâm.
Là Tướng Công an, ông Tô Lâm luôn bộc lộ bản chất quân phiệt, ông luôn lựa chọn “thà bắt lầm còn hơn bỏ sót”. Có lẽ, bản chất thâm hiểm khó lường của ông Huệ cũng làm cho ông Tô Lâm không an tâm, dù ông Vương Đình Huệ đã ngã ngựa.
Người đáng bị kỷ luật nhất trong số các “Tứ trụ” về hưu, là ông Nguyễn Xuân Phúc, chứ không phải ông Vương Đình Huệ. Ông Phúc dính đến rất nhiều vụ đại án, như Việt Á, chuyến bay giải cứu, Trương Mỹ Lan, vụ Đại Ninh của đại gia Nguyễn Cao Trí… Ấy vậy mà, cho đến nay, ông Tô Lâm vẫn chưa đưa ông Bảy Phúc lên “đoạn đầu đài”, mà lại bất ngờ gọi tên Vương Đình Huệ. Có lẽ, trong các “Tứ trụ” về hưu, Bảy Phúc không nguy hiểm bằng Vương Đình Huệ.
Ông Huệ là người đầu tiên trong “Tứ trụ” bị kỷ luật, không có gì đảm bảo rằng, ông sẽ miễn nhiễm với pháp luật. Đây là thời của Tô Lâm, “luật là Tô, Tô là luật”. Nếu kỷ luật cảnh cáo vẫn chưa an tâm, rất có thể, Tô Lâm sẽ mạnh tay hơn.
Càng thâm hiểm, khi mất đi quyền lực thì càng có nguy cơ gặp nguy hiểm. Lúc này, ông Huệ đang gặp nguy hiểm thực sự.
Thái Hà – Thoibao.de