1000 quan chức cấp cao của Đảng sẽ bị kiểm tra tài sản từ 23/5

Bộ Chính trị đã ban hành quy định về kiểm tra, giám sát việc kê khai tài sản đối với đối tượng là cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý. Có khoảng 1.000 cán bộ thuộc diện này.

Trao đổi với báo chí, Phó chủ nhiệm UB Kiểm tra TƯ Lê Thị Thủy cho biết, quy định này được Bộ Chính trị ban hành ngày 23/5 vừa qua.

Với các đối tượng khác, giao cho tỉnh ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc căn cứ vào quy định này để quy định với đối tượng thuộc diện cấp ủy mình quản lý bảo đảm việc kiểm tra, giám sát kê khai tài sản hiệu quả.

3 trường hợp kiểm tra, giám sát

Bà Lê Thị Thủy cho biết:

Kê khai tài sản là một trong các giải pháp phòng ngừa tham nhũng, nhưng được đánh giá chưa hiệu quả. Có nhiều nguyên nhân, trong đó có việc đã kiểm tra, giám sát nhưng chưa đầy đủ, chưa thành hệ thống bài bản.

Trong quy định của Bộ Chính trị đã quy định rõ, chủ thể kiểm tra đối với đối tượng này là Bộ Chính trị, Ban Bí thư và UB Kiểm tra TƯ. Còn chủ thể giám sát là Bộ Chính trị, Ban Bí thư, UB Kiểm tra TƯ và các chi bộ mà các cán bộ đó đang sinh hoạt.

Ở cấp dưới cũng có quy định tương tự như vậy.

Vậy khi nào sẽ tiến hành kiểm tra, giám sát?

Thứ nhất, từ nay trở đi sẽ có lộ trình kế hoạch xem việc kiểm tra, giám sát như nào. Khi cơ quan tổ chức có thẩm quyền yêu cầu cần phải kiểm tra, giám sát tài sản của cán bộ này vì lý do nào đó thì UB Kiểm tra TƯ sẽ tiến hành làm.

Đối tượng thuộc thẩm quyền quản lý của Bộ Chính trị, Ban Bí thư thì giao cho UB Kiểm tra TƯ làm.

Thứ hai, khi có kiến nghị, phản ánh, đơn thư tố cáo có việc kê khai tài sản không trung thực.

Thứ ba, khi có dấu hiệu vi pham quy định của Đảng, Nhà nước về kê khai tài sản.

Nếu thuộc trong 3 trường hợp ấy sẽ tiến hành kiểm tra, giám sát.

Việc kiểm tra kê khai tài sản khi bổ nhiệm sẽ như thế nào?

Quy trình kiểm tra khi bổ nhiệm đã có từ lâu, tất cả các khâu đã được cơ quan tổ chức làm. Trong bảng báo cáo luôn có dòng kê khai tài sản trung thực đầy đủ. Nay vẫn tiếp tục quy trình làm bình thường, không phải vì có quy định này mà việc đó thay đổi đi.

Quy định này chỉ điều chỉnh khi có 3 yếu tố như đã nói ở trên. Chẳng hạn, nếu báo chí phản ánh thì thuộc trường hợp là khi có phản ánh, kiến nghị, đơn thư tố cáo.

 

Công khai kết quả

Vậy có bao nhiêu đối tượng là cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý chịu sự điều chỉnh của văn bản này?

Hiện nay con số chính xác thì ở Ban Tổ chức TƯ, nhưng cũng có khoảng 1.000 cán bộ thuộc diện quản lý.

Về đối tượng khi làm quy trình để bước vào diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý thì cơ quan làm tổ chức cán bộ sẽ làm việc này. 

Ví dụ mỗi lần bầu Chủ tịch QH khóa mới thì trên bàn của các đại biểu đều có bản kê khai tài sản của người được bầu để đại biểu xem xét. Nếu thấy có vấn đề gì, biểu hiện kê khai không đầy đủ, trung thực thì lập tức sẽ có đề nghị cơ quan có thẩm quyền kiểm tra xác minh.

Sau kiểm tra phát hiện có việc kê khai tài sản không trung thực thì việc xử lý như thế nào?

Toàn bộ việc kê khai tài sản không trung thực được xử lý theo quy định của Đảng, Nhà nước và trong văn bản 181 (Quy định xử lý kỷ luật đảng viên vi phạm của Ban chấp hành TƯ) đang sửa có điều khoản quy định nếu kê khai tài sản không trung thực, không đầy đủ, không kịp thời sẽ xử lý theo điểm nào, khoản nào.

Còn quy định của Nhà nước, tới đây sửa luật phòng chống tham nhũng cũng sẽ nói rõ, đồng thời Chính phủ sẽ sửa nghị định về kỷ luật cán bộ liên quan đến việc này.

Sau khi làm xong, UB Kiểm tra TƯ sẽ có thông cáo và công khai đầy đủ đến các cơ quan báo chí và nhân dân.

Diện kê khai rất rộng, vậy hàng năm khi xây dựng kế hoạch ta có đặt ra chỉ tiêu như kiểm tra bao nhiêu phần trăm không?

Sau khi có quy định của Bộ Chính trị, Ban Bí thư thì lập tức UB Kiểm tra TƯ sẽ có văn bản hướng dẫn việc xây dựng kế hoạch, việc thực hiện yêu cầu của cơ quan tổ chức có thẩm quyền, việc xử lý đơn thư kiến nghị phản ánh như thế nào…

Sẽ có một hướng dẫn cụ thể, trên cơ sở đó hàng năm xây dựng kế hoạch để tiến hành kiểm tra, giám sát bao nhiêu cuộc và như nào.

Việc bao nhiêu cuộc trong 1 năm không phải vấn đề quan trọng. Vấn đề là ta thấy được rằng có các trường hợp dấu hiệu vi phạm, trường hợp có đơn thư phản ánh việc kê khai không trung thực thì được kiểm tra xem xét ngay, kịp thời.

Quy định là giao cho cấp tỉnh kiểm tra các đối tượng thuộc diện mình quản lý, nhưng lâu nay việc phát hiện trong nội bộ yếu. Vậy UB Kiểm tra TƯ có giám sát ngược lại không?

Sau khi có quy định của Bộ Chính trị, các tỉnh sẽ có quy định giao nhiệm vụ cho UB Kiểm tra các tỉnh làm nhiệm vụ này. UB Kiểm tra TƯ hàng năm vẫn kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát thi hành kỷ luật đối với cấp ủy, ban thường vụ và ủy ban cấp dưới.

vietnamnet.vn

(Tiêu đề do BBT Thoibao.de đặt)

Trả lời câu hỏi UB Kiểm tra TƯ có vào cuộc kiểm tra thông tin báo chí đăng tải về phố biệt thự của quan chức Lào Cai gần đây không, bà Lê Thị Thủy cho biết, khi có thông tin, dư luận phản ánh thì phải làm, vấn đề là đối tượng thuộc diện ai quản lý.
“Khi đã xác định xong, nếu đối tượng thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý thì chắc chắn UB Kiểm tra TƯ sẽ vào cuộc. Còn thuộc diện Ban thường vụ quản lý thì Ban thường vụ sẽ chỉ đạo làm”, bà Thủy nói.

Người đàng hoàng không ngại chuyện kiểm tra, giám sát tài sản (28.5.2017)

Những người tham nhũng không chờ đợi việc kiểm tra, giám sát tài sản nhưng người trong sạch, đàng hoàng thì không ngại ngần và rất mong làm mạnh việc này.

Trước quy định của Bộ Chính trị về kiểm tra, giám sát việc kê khai tài sản đối với khoảng 1.000 cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý, nhiều ý kiến chia sẻ sự ủng hộ và mong đợi việc này sẽ được thực hiện nghiêm túc, hiệu quả.

ĐB Trương Trọng Nghĩa (TP.HCM)

ĐB Trương Trọng Nghĩa (TP.HCM) cho rằng trong kiểm soát tài sản, việc đề cập đến trách nhiệm người đứng đầu là hết sức quan trọng. Vì vậy việc rà soát lại tài sản của cán bộ cao cấp là đúng đắn.
“Như cử tri, nhân dân và chính trong cán bộ, đảng viên đã nói nhiều lần là cứ làm từ trên xuống thì xã hội sẽ chuyển biến tích cực ngay”, ĐB Nghĩa nhấn mạnh.
Ông cho rằng để chống tham nhũng, phải kiểm kê, kiểm tra tài sản, làm chặt chẽ từ trên xuống.
“Bây giờ anh có 1-2 cái nhà, vợ anh có tài sản 500 tỷ, con anh có tài sản 300 tỷ, tất cả những cái này từ đâu ra? Trước hết phải kiểm tra vợ con đi, chưa kể nhiều người tham nhũng tẩu tán cho những người khác”, ông dẫn chứng và cho rằng cứ làm nghiêm túc sẽ có chuyển biến, trước hết phải làm trong nội bộ.
Nhưng trong nội bộ Đảng thì phải hết sức chặt chẽ, không nể nang gì cả, anh nào hợp pháp, anh nào không hợp pháp phải rõ ràng.
Theo ĐB Trương Trọng Nghĩa, lần này nhân dân và cử tri thấy sự kiên quyết của Đảng và chờ đợi nhiều. Tất nhiên, việc kiểm tra giám sát tài sản thì những người tham nhũng không chờ đợi nhưng người trong sạch, đàng hoàng thì không ngại ngần và rất mong làm mạnh.
Thực hiện nghiêm túc
GS Trần Ngọc Đường, nguyên Phó chủ nhiệm VPQH đánh giá cao quyết định của Bộ Chính trị, vì việc kê khai tài sản thực hiện nhiều năm rồi nhưng kết quả chưa tốt. Kê khai đúng hay sai không ai biết, kê khai xong lại cất trong cơ quan có thẩm quyền.
GS Trần Ngọc Đường, nguyên Phó chủ nhiệm VPQH 
“Bây giờ kiểm tra để phát hiện cái đúng, cái sai của việc kê khai là rất tốt. Có thể nói chủ trương này thể hiện tinh thần quyết tâm đấu tranh chống tham nhũng của Đảng và Nhà nước”, ông Đường nhấn mạnh.

Theo GS Đường, chủ trương kiểm soát tài sản cán bộ lãnh đạo đã có lâu rồi nhưng làm chưa tốt thì giờ phải làm tốt hơn bằng việc kiểm tra, thanh tra, kiểm soát việc kê khai đó.

Nói về con số khoảng 1.000 cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý phải chịu sự kiểm tra, giám sát kê khai tài sản, ông Đường cho rằng đây là đối tượng quan trọng nhất.

Bởi tham nhũng, tiêu cực thường xảy ra đối với những cán bộ có chức, có quyền. Mà đội ngũ cán bộ có chức, có quyền lại thuộc thẩm quyền quản lý của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, là những người hoạch định chính sách pháp luật của quốc gia, người giữ vai trò rất quan trọng.

“Việc kiểm tra, giám sát để xem sự trung thực trong việc kê khai tài sản với đối tượng này như thế nào, tôi cho là việc làm rất tốt, rất đúng. Trước mắt cần kiểm soát đối tượng này”, ông nói.

Nguyên Phó chủ nhiệm VPQH chia sẻ mong muốn chủ trương này phải thực hiện nghiêm túc. Bởi vì có chủ trương đúng rồi nhưng thực hiện kiểm tra, kiểm soát sơ sài, không đi sâu phân tích đánh giá và tìm kiếm các nguồn thông tin khác từ phía nhân dân để kiểm chứng thì không hiệu quả.

Ủng hộ và sẵn sàng chấp hành

Là đối tượng bị tác động trực tiếp từ quy định này, Phó chủ nhiệm UB Pháp luật Trần Thị Dung chia sẻ, bà hoàn toàn ủng hộ. Bà cho rằng tài sản của những cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý phải được công khai. Còn công khai đến mức độ nào phải đảm bảo đúng theo quy định.

Khi công khai, người có tài sản được công khai cũng rất thoải mái, thấy tài sản của mình có nguồn gốc chính đáng, hợp pháp thì không có vấn đề gì cả. Mọi thứ công khai, minh bạch và người dân được biết, người dân chia sẻ, hiểu được cán bộ của mình.

“Tôi hoàn toàn ủng hộ chủ trương mới này và không có gì băn khoăn. Là người thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý, tôi đồng tình với việc này và sẵn sàng chấp hành, mong muốn chủ trương này được thực hiện đúng đắn”, Phó chủ nhiệm UB Pháp luật nói.

Thu Hằng – Thúy Hạnh/Vietnamnet.vn