Hội luận với đảng viên ĐCSVN đang sinh sống tại nước ngoài quanh thông tin về ông Nguyễn Phú Trọng có nghỉ giữa nhiệm kỳ ? (Phần 3)

Thoibao.de tiếp tục trở lại cuộc hội luận cùng ông Nguyễn Doãn Đôn, một cựu quân nhân đã có 40 năm tuổi đảng. Hai phần trước nội dung trao đổi chung quanh vấn đề Hội nghị Trung ương 5 và ông Đinh La Thăng uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh. Chúng tôi xin tiếp tục trao đổi cùng ông Nguyễn Doãn Đôn về vấn đề thời sự nóng bỏng này.

Thưa ông Nguyễn Doãn Đôn, phần trước ông có nhắc đến hình thức kỷ luật và cảnh cáo ông Đinh La Thăng, chỉ vài giờ sau cuộc phỏng vấn đó. Báo chí Việt Nam đã đưa tin ông Thăng bị cắt chức và cảnh cáo. Ông cho biết lý do nào mà ông đưa ra trường hợp như vậy khi việc chưa xảy ra.

Thưa anh Khoa và ban biên tập thoibao.de cũng như các bạn đọc. Thực ra cái này nhìn trên cơ sở những gì đã diễn ra thì ai cũng hình dung được mức độ sẽ là vậy. Nếu chỉ là khiển trách thì không xứng với những công sức mà báo chí và Đảng đã bỏ ra để nhắm vào ông Đinh La Thăng. Như anh và các bạn đã thấy, báo chí gần như công khai kết tội ông Thăng, sử dụng phỏng vấn những cán bộ cao cấp về hưu như ông tướng Thước và ông Nguyễn Đình Hương. Một chiến dịch được triển khai rầm rộ như thế , thì kết quả không thể nào quá kém được. Nên trong các mức độ kỷ luật đó, không phải riêng tôi mà đa phần nhiều người đều cho rằng việc cảnh cáo và cắt chức ông Đinh La Thăng là điều phù hợp với thực tế diễn ra. Tôi nói thêm là có thể có sự thoả thuận trước đó giữa những người kỷ luật ông Thăng và ông Thăng. Thoả thuận thì anh biết đấy, không phải cứ bạn bè hay đồng chí với nhau mới thoả thuận được với nhau, mà còn có những hoàn cảnh khác.

Từ đại hội 12 đến nay, dư luận có những tin đồn ông Nguyễn Phú Trọng sẽ làm Tổng bí thư tới giữa nhiệm kỳ. Sau đó sẽ nhường cho người khác, như ông Chủ tịch nước Trần Đại Quang. Ông nghĩ sao về tin đồn này.?

Thưa anh, nhưng anh đã nói, đó là tin đồn. Phải công nhận rằng trong vài năm gần lại đây, tin đồn về chuyện nhân sự cấp cao của Đảng đều gần như chính xác. Nhưng dù sao tin đồn thì vẫn là tin đồn, ngay cả khi nó chính xác đến tuyệt đối nó vẫn là tin đồn. Về mặt luật pháp thì tin đồn không có giá trị, nhưng về mặt truyền thông thì những người làm báo như chúng ta phải quan tâm đến tin đồn là chuyện phải làm. Vì mục đích của chúng ta là phục vụ bạn đọc. 

Thứ nhất tôi nghĩ nếu có việc như tin đồn, nghĩa là có thoả thuận như thế thì ông Trọng thoả thuận với ai.? Những người mà ông thoả thuận hiện nay ở đâu mà không đứng ra để cùng ông Trọng thực hiện thoả thuận đó.? Chẳng lẽ có thoả thuận đó, nhưng ông Trọng đã không thực hiện. Điều này tôi nghĩ khó, vì ông Trọng là người lớn tuổi nhất trong Đảng hiện nay, lại giữ chức vụ cao nhất trong Đảng, ông Trọng mà nói lại không giữ lời thì liệu còn xứng đáng mà ngồi cái ghế đấy không.?

Như anh nói, tin đồn gần đây trong dư luận có độ chính xác khá cao. Vấn đề ông Trọng thoả thuận về giữa nhiệm kỳ là có thể có. Nhưng vì lý do nào đó, ông Trọng chưa an tâm về chăng.?

Vâng, đó là cái thứ hai cái tôi muốn nói tiếp. Nếu trong trường hợp có thoả thuận như thế, nhưng vì tình hình thực tế ông Trọng cần thấy mình phải ở lại hết nhiệm kỳ, thì ông Trọng có thể ở lại. Chúng ta đều biết ông Trọng ở lại nhiệm kỳ thứ hai khi đã quá tuổi quy định. Vì thế điều lệ, quy định của Đảng trước đại hội 12 đã được sửa đổi để phù hợp với việc ông ở lại. Như Trung ương 13,14 khoá 11 đưa ra '' một trường hợp đặc biệt quá tuổi ở lại vị trí tổng bí thư''. Cái này chưa có trong tiền lệ, nên anh thấy điều lệ và quy định của Đảng còn sửa đổi được huống chi là thoả thuận. Chỉ cần số đông trong Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đồng ý sửa đổi là sửa đổi được cả điều lệ , đừng nói gì đến thoả thuận. Không những là sửa đổi để phù hợp cho việc quá tuổi được ở lại, mà cả việc ra nghị quyết để người khác không được ở lại cũng có thể làm được. Ví dụ như nghị quyết 244 của trung ương ngày 9 tháng 6 năm 2014 do chính ông Nguyễn Phú Trọng ký về quy chế bầu cử tổng bí thư, bộ chính trị khoá 12.

http://moj.gov.vn/qt/cacchuyenmuc/daihoidaibieu/Pages/van-ban-cua-dang-cap-tren.aspx?ItemID=15

Xin lỗi anh, tôi phải hỏi một câu. Như anh nói thì đảng CSVN rất dân chủ trong nội bộ, chỉ cần đám đông quyết định là có thể sửa đổi được quy định và ra những nghị quyết trái với các quy định trước đó. Vậy trong trường hợp ở đại hội 12, Trung ương giới thiệu 4 người ra ứng cử Tổng bí thư và Bộ Chính trị giới thiệu một người là ông Nguyễn Phú Trọng. Vậy tại sao ông Trọng không phải do Trung ương giới thiệu mà lại do số ít giới thiệu là Bộ Chính trị. Rồi 4 người kia vì sao bỗng nhiên rút hết để mình ông Trọng là ứng cử viên duy nhất cho chức Tổng bí thư.? Trong trường hợp này có phải số ít đã áp đảo số đông hơn trong Đảng.?

Ngoài việc đám đông quyết định thì còn có việc cấp cao nhất quyết định, tính sáng tạo của Đảng ta ưu việt hơn các chế độ khác là vậy. Trong bối cảnh phức tạp của quốc tế và đất nước, chúng ta không thể xơ cứng. Cần phải uyển chuyển, linh hoạt trong mọi vấn đề. Việc bầu cử Tổng bí thư ở Đại hội 12 thì nghị quyết 244 do Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ký ban hành nói rõ về việc xin rút và bỏ phiếu xem xét cho rút hay không cho rút ứng cử rồi. Mọi người có thể tham khảo nghị quyết đó. Bộ Chính trị là nơi lãnh đạo cao cấp nhất của Đảng, đương nhiên phải có quyền đề nghị ứng cử viên. Còn Trung ương, Đại hội là đám đông cũng có quyền đưa ra ứng cử viên. Còn xét duyệt thế nào thì đã có nghị quyết 244, cứ theo đó mà làm thôi.

Vậy theo anh có tin đồn hay không có tin đồn thì ông Nguyễn Phú Trọng vẫn ở lại đến hết nhiệm kỳ.?

Tôi nghĩ là vậy, ông Trọng đang có kế hoạch xây dựng Đảng, chống suy thoái, chống qua liêu. Thường thì không nói ra, nhưng khi soạn văn kiện cho từng Đại hội thì người ta đã đưa những hoạch đinh, đường lối của Đại hội đó vào văn kiện. Như thế thì người phụ trách chỉ đạo và triển khai đường lối đại hội năm đó đương nhiên sẽ ở lại để thực thi, khó có chuyện thay đổi người lắm.

Vậy ông Trọng là người đưa ý mình vào tổ soạn thảo văn kiện, rồi ông ra nghị quyết 244 và ông là người đứng đầu Bộ Chính trị đã đề cử ông làm Tống bí thư khi quá tuổi. Như thế việc ông Trọng ở lại để triển khai văn kiện, nghị quyết của Đại hội, Trung ương khoá 12 là đương nhiên. Thậm chí có thể không những là hết nhiệm kỳ này, mà còn làm cả nhiệm kỳ thứ ba nữa cũng được.?

Như tôi đã nói, Đảng ta sáng tạo và chủ động trong mọi tình thế. Việc gì có lợi, cho dân, cho nước chắc chắn sẽ được ưu tiên. Trước đây đồng chí Đỗ Mười làm bí thư lúc 77 tuổi, Chủ tịch Hồ Chí Minh làm Chủ tịch nước đến khi mất là lúc Bác 79 tuổi, Tổng bí thư Lê Duẩn làm tổng bí thư đảng 25 năm tức 5 nhiệm kỳ cho đến lúc ông mất lúc gần 80. Đây là những lãnh đạo kiệt xuất trong những thời kỳ đầy khó khăn nhất của đảng ta. Việc Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng ở lại hết nhiệm kỳ hoặc có làm thêm nhiệm kỳ thứ ba đi nữa đều có thể được. 

Về cá nhân tôi , là một đảng viên, tôi nghĩ thế này. Cái chúng ta cần là đường lối mới thể hiện trong nghị quyết và văn kiện để đổi mới hoặc phát triển đất nước. Còn nếu đường lối chúng ta như hiện nay, thì việc mong mỏi người mới lên thì đâu có thay đổi gì, khi Đảng vẫn chủ trương duy trì đường lối ấy. Không có kế sách, không có đổi mới, văn kiện 5 năm mới làm lại một lần cơ bản là từ những văn kiện cũ như thế này thì 80 tuổi hay 90 tuổi làm tổng bí thư cũng thế mà thôi.

Những văn kiện bây giờ là do ông Nguyễn Phú Trọng chỉ đạo soạn. Nếu ông cứ soạn văn kiện theo tư duy của ông và rồi ông đứng ra là người thực hiện đường lối do ông soạn. Thì đương nhiên thực trạng sẽ như anh nói. Phải chăng đảng CSVN không cần đổi mới.?

Cái này tôi phải nói thực lòng, không có ai nghĩ ra được cái gì để mà làm đổi mới. Giờ bế tắc về lý luận, đành cứ mang những lý luận cũ ra mà nhào nặn thành văn kiện cho Đại hội thôi. Đấy là chưa nói có ít người đủ trình độ, lý luận và thực tiễn để soạn ra những đường lối mới trong văn kiện thì lại không dám làm hoặc không được làm. Tôi cũng đau lòng lắm, những gì Đảng ta làm tốt tôi cũng đã trả lời với anh là tốt, còn những gì chưa được cũng nên nói ra, đó là tinh thần  thẳng thắn nhìn vào sự thật của đảng viên mà nghị quyết Trung ương 4 khoá 11 đã nêu.

Cám ơn ông Nguyễn Doãn Đôn về cuộc trao đổi này. Rất mong thoibao.de còn có nhiều dịp được trao đổi với ông về thời sự đất nước. Một lần nữa thay mặt ban biên tập thoibao.de , cám ơn ông  rất nhiều.

Trung Khoa – Thoibao.de