Nỗi xấu hổ của ngành tư pháp Việt Nam

Vụ án giữa hoa hậu Trương Hồ Phương Nga, Nguyễn Đức Thuỳ Dung (bạn của Nga) và Cao Toàn Mỹ ngày càng lộ ra nhiều điểm ly kỳ. Diễn biến mới nhất, Lữ Minh Nghĩa, người sống chung với Nguyễn Đức Thuỳ Dung 4 năm, đã phản cung, khẳng định Nga – Mỹ có quan hệ tình cảm, mọi lời khai trước đây tại cơ quan điều tra đều theo kịch bản của Nguyễn Mai Phương. 

5 lá thư viết trên nilon gửi ra ngoài trại giam và cán bộ trại giam là người chuyển thư.

Sáng nay, Lữ Minh Nghĩa đã nộp bằng chứng thông cung là 5 lá thư viết trên nilon gửi ra ngoài trại giam và cán bộ trại giam là người chuyển thư. Theo Lữ Minh Nghĩa, Nguyễn Mai Phương còn giữ một số thư.

Hiện đã có các dấu hiệu không thể rõ ràng hơn về hành vi nguỵ tạo chứng cứ, thông cung, mớm cung, nhằm vu khống Trương Hồ Phương Nga. Toà án nhân dân TP.HCM đã triệu tập Nguyễn Mai Phương. Tuy nhiên, cần thiết phải triệu tập thêm điều tra viên – người đã ghi lời khai giống hệt giữa Cao Toàn Mỹ và Trương Hồ Phương Nga, có lợi cho Cao Toàn Mỹ. Giám thị trại giam – người chuyển thư cũng phải bị triệu tập. Thậm chí, còn phải làm rõ có hay không sự cấu kết giữa Cao Toàn Mỹ và nữ kiểm sát viên – đại diện cho cơ quan kiểm sát giữ quyền công tố tại toà, với dấu hiệu “nhắc bài” cho Cao Toàn Mỹ ngay tại toà án.

Đến giờ, đây không còn đơn thuần là một vụ án tình – tiền, hay vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản như cáo buộc của Viện Kiểm sát Nhân dân TP.HCM. Đây là một vụ án điển hình cho thực trạng tồi tàn của ngành tư pháp VN, khiến người dân không còn tin vào cơ quan điều tra và ngày càng mất niềm tin vào công lý.

Tôi im lặng vì sợ cơ quan điều tra huỷ hết chứng cứ…

Bị cáo không tin tưởng viện kiểm sát…

Những câu nói như thế chẳng khác nào cái tát vào mặt ngành tư pháp. Thật xấu hổ và nhục nhã.

Không biết bao nhiêu vụ việc người dân đã kêu bị ép cung, bị ép ký vào biên bản lời khai, không biết bao nhiêu tiếng kêu oan khuất của người dân rơi vào vô vọng, không biết bao nhiêu án oan đã xảy ra, không biết bao nhiêu tự do đã bị cướp mất và những người vô tội lâm vào cảnh tù đày… Thử hỏi, bây giờ còn bao nhiêu người dân đặt niềm tin vững chắc vào các cơ quan thực thi pháp luật ở đất nước này?

Tiền, tất nhiên rất quan trọng. Nhưng liệu những đồng tiền bẩn thỉu, những đồng tiền có được từ việc cướp đi quyền được sống bình thường, những đồng tiền có được từ hành vi có thể coi là tội ác, thì những đồng tiền ấy có thể giúp họ sống một cuộc đời như một con người được không? Khi có tiền bằng việc chà đạp mầm thiện và gieo trồng cái ác, thì chính những con người ấy, dù đang đang có trong tay quyền lực, cũng bị cầm tù bởi lương tâm của một con người. Trừ trường hợp, họ không còn là một con người…

Tôi hi vọng, những đắng cay ấy sẽ không là kết cục của vụ án mà tôi nói bên trên. Bởi, nếu đến như vậy mà người ta vẫn bất chấp, thì còn gì? Xã hội này chẳng còn gì nếu như niềm tin sụp đổ.

Bạch Hoàn 

QUẢNG CÁO