Ngày 23/11, RFA Tiếng Việt đăng bài bình luận: “Cuộc cải cách “từ bên trên” khởi xướng bởi Tô Lâm” của Doãn An Nhiên.
Tác giả cho biết, “Kỷ nguyên mới” là “chủ trương, định hướng mới, có tầm chiến lược phát triển đất nước…”, là “tư tưởng của Tổng Bí thư Tô Lâm đã được Hội nghị lần thứ 10 Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa 13 thống nhất khẳng định”, và “cần được đưa vào Văn kiện Đại hội 14…”. Tân Tổng bí thư Tô Lâm là người khởi xướng cuộc cải cách để bước vào “kỷ nguyên mới”, và Đảng Cộng sản Việt Nam đang chuẩn bị xúc tiến cải cách thể chế “từ bên trên”.
Cả thực tế và nguyên lý đều chỉ ra hầu hết các chế độ tập quyền toàn trị bởi độc Đảng Cộng sản có thay đổi “bất thường”, như sụp đổ hay cải tổ lớn, thường diễn ra “từ bên trên”, đỉnh tháp quyền lực, trong đó người đứng đầu đảng có vai trò đặc biệt quan trọng.
Từ những điều nêu trên, tác giả bài viết đặt các vấn đề, một là, cải cách “từ bên trên” đã rất cấp thiết nhưng bị trì hoãn? Hai là, những thách thức và triển vọng cuộc cải cách lần này thế nào? Ba là, tân Tổng bí thư Tô Lâm thích hợp thế nào với cải cách? Bốn là, Liệu cuộc cải cách này có bền vững?
Tác giả cho rằng, cải cách thể chế “từ bên trên” đã rất cấp thiết từ thực tế sau 30 năm tiến hành Đổi mới, nhưng đã bị trì hoãn bởi tư duy giáo điều chủ nghĩa xã hội và sự lo ngại “Loạn mười hai sứ quân”, huỷ hoại sự thống nhất của Đảng.
Sau gần 40 năm, từ 1986 đến nay, đường lối Đổi mới của Đảng với phương châm “từ dưới lên”, cấp cơ sở và về kinh tế, nhưng khi sự suy thoái lớn dần, nguy cơ khủng hoảng ngày càng lớn, bởi những mâu thuẫn chủ yếu giữa “hạ tầng cơ sở” và “thượng tầng kiến trúc” ngày càng trầm trọng… Tuy nhiên, cải cách “từ bên trên” đã được “ấp ủ” từ lâu, nhưng sẽ vô cùng thách thức, kiểu như “ta đánh ta”, đòi hỏi điều kiện cần và đủ, trong đó có việc nắm bắt thời cơ.
Tác giả nhắc lại bối cảnh cấp thiết cần phải có cải cách sau 30 năm đổi mới, nhưng đã bị trì hoãn bởi lý do, ông Nguyễn Phú Trọng đã sử dụng “trường hợp đặc biệt”, vì quá tuổi theo quy định để tiếp tục nắm chức Tổng bí thư trong nhiệm kỳ thứ 2 từ năm 2016 đến năm 2021, trong cái gọi là cuộc cạnh tranh “sóng gió”, trong nội bộ Đảng với ông Nguyễn Tấn Dũng – khi đó là Thủ tướng Chính phủ. Cạnh tranh quyền lực có thể đã tạo “khe cửa hẹp” cho sự cởi mở đối với xã hội.
Tác giả cho hay, mới đây, ngày 3/11, 7 tổ chức xã hội dân sự trong nước, và 32 cá nhân đồng ký thư kiến nghị, gửi Tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam, Quốc hội, Chủ tịch nước và Thủ tướng, trong đó kêu gọi xây dựng một lộ trình Đổi Mới lần thứ 2, về chính trị sau Cải cách kinh tế năm 1986.
Các nhân sĩ trí thức trong kiến nghị thư cũng đồng thời kêu gọi Chính phủ tôn trọng cam kết về quyền con người, rà soát và sửa đổi các quy định vi hiến và vi phạm cam kết quốc tế, cũng như cải cách hệ thống bầu cử để bảo đảm tính công bằng và minh bạch.
Như thường lệ, những thư kiến nghị với chủ đề như vậy sẽ không được phản hồi. Có thể lần này có những lý do riêng để không “hồi đáp”. Tuy nhiên, điều chính yếu là từ bản chất của chế độ, theo đó chế độ toàn trị Đảng, Nhà nước luôn quản lý, kiểm soát “dân chủ” nghiêm ngặt từ cơ sở, “từ sớm từ xa” ngăn cản các quyền tự do cơ bản, được hiến định nhưng không áp dụng thực tế theo quy định của Đảng.
Tác giả đưa ra kết luận khái quát, là dưới chế độ toàn trị bởi Đảng Cộng sản mọi cải cách từ nhỏ đến lớn phải diễn ra “từ bên trên”, “bên trong”, và quá trình dân chủ hoá ở Việt Nam là con đường dài đầy cam go ở phía trước. Tuy nhiên, tác giả lạc quan cho rằng, liệu lần cải cách lần này có là một bước tiến nhanh hơn trên con đường này?
Thu Phương – thoibao.de