Ngày 22/11, RFA Tiếng Việt đăng bài bình luận: “Vụ bê bối của cận vệ Lương Cường và vấn nạn quấy rối tình dục ở Việt Nam”.
Theo đó, RFA cho biết, tháng 4/2018, phong trào hashtag #MeToo lan đến Việt Nam, từ câu chuyện của phóng viên báo Tuổi Trẻ tố bị một cán bộ của báo này hiếp dâm. Sau đó, là câu chuyện trong giới giải trí của vũ công Phạm Lịch, Lê Hoàng Nga My, người mẫu Kim Phượng tố cáo tình trạng bị gạ tình, bị quấy rối tình dục, thậm chí bị hiếp dâm.
Nhưng rồi phong trào chìm xuống nhanh chóng bởi nhiều trở ngại về mặt luật pháp và thành kiến xã hội. Nhưng nạn quấy rối tình dục thì ở lại.
Tháng 3/2023, công ty truyền thông NOI chia sẻ bài viết dựa trên những khảo sát về sắc đẹp, hôn nhân, quấy rối tình dục, công việc… được chính phụ nữ Việt Nam kể ra. Kết quả cho thấy, gần 90% phụ nữ được khảo sát cho biết họ từng gặp tình trạng quấy rối tình dục, thậm chí khi còn rất nhỏ.
RFA nhấn mạnh, có hơn 60% số nạn nhân không tìm kiếm sự giúp đỡ, vì không hiểu rõ đó là hành vi quấy rối, không biết phải phản ứng thế nào, và không hiểu được chuyện gì đã xảy ra với mình. Cũng có những nạn nhân tìm kiếm sự giúp đỡ, nhưng chỉ 20% hài lòng với sự hỗ trợ mà họ nhận được.
RFA dẫn lời một nạn nhân, chia sẻ: “Tôi không đủ tin tưởng để chia sẻ với người khác. Tôi lo lắng về những gì họ sẽ nói, và tôi không muốn ai biết chuyện đó, kể cả người thân. Nếu tôi chia sẻ về điều đó, mọi người cũng sẽ có xu hướng trách móc tôi. Và điều đó càng khiến tôi cảm thấy dễ bị tổn thương hơn”.
RFA dẫn một phân tích của Tiến sĩ tâm lý Phạm Quỳnh Hương. Theo bà, người phụ nữ sẽ bị áp lực xã hội và gia đình rất lớn, khi nói ra chuyện bị lạm dụng tình dục cho người thân biết, hay chia sẻ trên phương tiện truyền thông. Có trường hợp gia đình tan vỡ vì người chồng không chịu nổi áp lực từ dư luận; cô gái trẻ không thể lấy chồng, vì người yêu của cô không đủ can đảm bảo vệ cô khỏi những lời đàm tiếu…
RFA nêu vấn đề, vụ việc liên quan đến cận vệ của ông Lương Cường, nguyên thủ quốc gia Việt Nam, bị bắt khi đi bang giao ở nước ngoài dưới cáo buộc quấy rối tình dục, khiến nhiều người đặt câu hỏi về sự dính líu của người có quyền ở Việt Nam trong vấn nạn quấy rối tình dục.
Chỉ người có quyền mới có thể chính trị hóa quấy rối tình dục nhằm mục đích bịt miệng nạn nhân.
RFA nhắc lại câu chuyện nổi tiếng của nhà thơ Dạ Thảo Phương. Cách nay 2 năm, bà đăng trên Facebook rằng bà từng bị Phó Tổng Biên tập báo Văn Nghệ Lương Ngọc An nhiều lần quấy rối tình dục, trong quãng thời gian từ năm 1999 đến năm 2000, bất chấp những phản đối quyết liệt của bà. Sau đó bà cùng với sự làm chứng của nhiều người, đã tố cáo với lãnh đạo Báo Văn Nghệ nhưng lời tố cáo đã không được giải quyết thỏa đáng.
RFA cho rằng, ngoài yếu tố nhân quyền không được coi trọng, khía cạnh luật pháp không nghiêm cũng bị coi là yếu tố quan trọng, khiến tình trạng lạm dụng tình dục không thể xóa bỏ tại Việt Nam.
Ngoài chuyện người lớn bị quấy rối tình dục, lạm dụng tình dục mà không thể lên tiếng, trẻ em lại là đối tượng bị xâm hại tình dục không ít ở Việt Nam.
RFA kết luận, pháp luật Việt Nam hiện chưa xem lời khai của người bị xâm hại tình dục, đặc biệt của trẻ em là chứng cứ buộc tội mà cần phải có chứng cứ cụ thể, nên để xử lý được đối tượng phạm tội sẽ vô cùng khó khăn.
Người bị xâm hại tình dục ở Việt Nam chưa ý thức được việc phải kêu cứu ngay khi bị lạm dụng, bị quấy rối, do điều này không được dạy từ môi trường học đường từ bé như ở các nước phương tây. Hơn nữa, tại Việt Nam vẫn còn nhiều gia đình cảm thấy ngượng ngùng khi nhắc đến vấn đề giáo dục giới tính.
Quang Minh – thoibao.de