Việt Nam tiếp tục bắt giữ người bất đồng chính kiến

Ngày 20/11, RFA Tiếng Việt loan tin “Cựu giảng viên môn Chủ nghĩa Xã hội khoa học bị bắt với cáo buộc “lợi dụng các quyền tự do”.

Theo đó, cơ quan Cảnh sát Điều tra của Công an tỉnh Bình Dương, ngày 20/11, đã bắt giữ nguyên Thượng tá Bùi Tiến Lợi, cựu Chủ nhiệm bộ môn Chủ nghĩa Xã hội khoa học của Trường Đại học Sĩ quan Công binh (thuộc Bộ Quốc phòng), với cáo buộc “lợi dụng quyền tự do dân chủ”, theo Điều 331 của Bộ luật Hình sự.

RFA dẫn báo mạng Pháp luật online, cho biết, lực lượng công an đã di lý ông Lợi từ quê nhà ở Thái Bình, vào nơi sinh sống ở Thủ Dầu Một, để khởi tố. Ông bị cho là đã sử dụng Facebook để “đăng tải thông tin trái chiều, xấu, độc có nội dung xuyên tạc đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước gây bức xúc trong dư luận xã hội.”

RFA cho biết, báo điện tử Đảng Cộng sản cuối tháng 7/2020, đưa tin ông Lợi bị Ủy ban Kiểm tra Trung ương Đảng quyết định giữ nguyên hình thức kỷ luật khai trừ khỏi Đảng, vì đã có những bài viết, phát ngôn trên mạng xã hội trái với quan điểm, đường lối của Đảng và Nhà nước,… xúc phạm tới danh dự, uy tín cá nhân của một số lãnh đạo.

Bài báo này cho rằng, sai phạm nghiêm trọng nhất, là trong một video đăng tải trên trang cá nhân có mặc quân phục, ông nói: “Ai đó nói rằng, Biển Đông là của Việt Nam, Trường Sa là của Việt Nam, thì đó là những tuyên truyền trái với luật pháp quốc tế, không đúng với Công ước về Luật Biển năm 1982”.

Bài báo này cũng cho rằng, hành vi của ông Lợi là “biểu hiện của sự suy thoái nghiêm trọng về tư tưởng chính trị, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”,“tạo cơ hội để thế lực thù địch lợi dụng”.

Theo RFA, trong khi đó, mạng báo Công Thương cho biết, ông Bùi Tiến Lợi – người vừa bị Công an tỉnh Bình Dương bắt giữ, từng bị tờ báo này phản ánh, vì cho rằng, đã đăng tải 8 bài viết có tên hoặc hình ảnh của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, trong thời gian từ ngày 17/7 đến 23/7 (trước và sau khi ông Trọng qua đời), với những lời lẽ bị cho là “hỗn xược và các nội dung mang tính quy chụp, xúc phạm, thô tục và coi thường kỷ cương phép nước”.

Phóng viên RFA tìm thấy trang Facebook Tien Loi, với 6.700 người theo dõi, phù hợp với thông tin mà báo Công Thương đăng tải.

Các bài viết gần đây, trang Facebook này chia sẻ nhiều video, hình ảnh, và thông tin về sư Minh Tuệ, một người tu theo 13 hạnh Đầu đà, và bày tỏ sự ngưỡng mộ đối với nhà sư. Đồng thời, trang Facebook này cũng đăng tải những phát ngôn của bà Nguyễn Phương Hằng liên quan đến vị sư độc lập này, đề nghị điều tra về những cáo buộc của bà Hằng đối với nhà sư, và bày tỏ sự phản đối đối với hành vi lợi dụng sư Minh Tuệ để “thực hiện âm mưu xấu”.

Trong một bài đăng ngày 7/11, về Cách mạng Tháng 10 Nga, trang Facebook này viết:

“Học thuyết Mác – Lênin đã sụp đổ ngay trên chính nơi nó đã sinh ra. Điều đó đặt ra cho giới nghiên cứu chính trị những gợi ý thực tiễn mới. Nếu lý luận không gắn với thực tiễn và không được thực tiễn nuôi dưỡng, thì lý luận ấy chỉ để dành, vừa vô ích lại có hại”.

“Khi gọi một cái gì đó là CHỦ NGHĨA, thì nó phải thoả mãn 2 yếu tố, một là tính khoa học, hai là tính hiện thực của học thuyết ấy. Đó là điều căn bản cần thống nhất. Không thể bằng cách này hay cách khác kéo dài quá khứ trong hư vô. Làm như vậy là có tội”.

Và bài viết này kết luận “không thể để cái bóng của cuộc Cách mạng ấy làm chậm bước tiến của dân tộc. Bằng không thì mọi sự hoài niệm đều là sáo rỗng”.

Trong một bài viết hồi tháng 9, ông này cho rằng, bản thân là người “phản biện gay gắt, trực tiếp, toàn diện” đối với ông Nguyễn Phú Trọng lúc sinh thời, nhưng chính ông cũng là “người để tang ông (Trọng) nghiêm túc, bài bản”.

 

Quang Minh – thoibao.de