Các thương hiệu lớn trả mặt bằng vì giá quá cao

Ngày 17/9, RFA Tiếng Việt loan tin “Sau Starbucks, đến McDonald’s trả mặt bằng thuê ở thành phố Hồ Chí Minh”.

Theo đó, chuỗi thức ăn nhanh nổi tiếng của Mỹ là McDonald’s, vừa thông báo đóng cửa cửa hàng đầu tiên của mình ở Việt Nam, sau 10 năm, bắt đầu vào ngày 19/9, nhưng cho biết, các cửa hàng khác của hãng trên toàn quốc vẫn tiếp tục hoạt động.

RFA cho biết, việc McDonald’s rời bỏ cửa hàng lớn tại trung tâm Sài Gòn, xảy ra chỉ chưa đầy một tháng, sau khi thương  hiệu cà phê nổi tiếng của Mỹ là Starbucks cũng quyết định ngừng hoạt động tại cửa hàng lớn của hãng, cũng ở trung tâm Sài Gòn, có tên Starbucks Reserve Hàn Thuyên.

Theo RFA, cửa hàng McDonald’s Bến Thành thông báo ngừng hoạt động vào 2 giờ sáng ngày 19/9, và không nêu lý do. Đây là cửa hàng được khai trương vào tháng 5/2014, 3 tháng sau khi McDonald’s vào Việt Nam. Hiện hãng đồ ăn này có 36 cửa hàng ở Việt Nam, thấp hơn nhiều so với con số mục tiêu đưa ra là 100 cửa hàng trên toàn quốc.

Trước đó, hôm 26/8, vẫn theo RFA, Starbuck Hàn Thuyên cũng gửi lời tạm biệt tới khách hàng, sau 7 năm gắn bó. Đây là cửa hàng cà phê cao cấp đầu tiên và duy nhất của Starbucks ở Sài Gòn, khai trương vào năm 2017. Hãng không thông báo lý do cụ thể việc đóng cửa, chỉ cho biết, quyết định được đưa ra sau khi cân nhắc kỹ lưỡng nhiều yếu tố.

RFA cũng cho biết, truyền thông trong nước phỏng vấn một số chuyên gia trong nước, và cho rằng, yếu tố giá thuê mặt bằng quá cao cũng có thể là một trong những lý do, khiến các hãng lớn rời bỏ các mặt bằng đẹp ở thành phố đông dân nhất cả nước.

Giá thuê mặt bằng ở cửa hàng của Starbucks được ước tính khoảng 30.000 đô la một tháng, trong khi, giá thuê mặt bằng của McDonald’s được ước tính từ 14.000 đến 15.000 đô la một tháng.

Truyền thông Nhà nước cũng cho biết, nhiều nhãn hàng đang ồ ạt trả lại mặt bằng ở Sài Gòn, từ giữa năm 2023 và hiện vẫn chưa dừng lại. Một số chuyên gia và doanh nghiệp cho báo chí trong nước biết, lý do là kinh doanh không hiệu quả, kinh tế khó khăn.

Quả thực, dạo quanh khu vực trung tâm Sài Gòn, có thể thấy, rất nhiều mặt bằng bỏ trống, treo biển cho thuê, hoặc bán, từ vài năm nay. Điều này đã dần trở thành phổ biến ở khắp Việt Nam, không chỉ nhà mặt tiền, mà ngay tại các chợ truyền thống cũng có thể thấy rất nhiều sạp hàng đóng cửa, ngừng kinh doanh. Tình trạng này xảy ra do nền kinh tế ngày càng èo uột, tuột dốc, sức mua giảm mạnh, kinh doanh thua lỗ, nhưng giá thuê mặt bằng không giảm.

Ngày 29/8, báo Vnbusiness dẫn lời bà Patricia Marques – Tổng Giám đốc Starbucks Việt Nam, từng phải thốt lên rằng, giá thuê mặt bằng trên cả thế giới đều giảm, chỉ có ở Việt Nam là không, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 vẫn đang ảnh hưởng đến sức khỏe doanh nghiệp.

Vnbusiness cũng cho hay, việc giá mặt bằng tăng quá nhanh đầu năm 2024, đã khiến nhiều thương hiệu lớn cũng phải rời đi. Như trường hợp của Highlands Coffee đã trả mặt bằng tại góc phố Nguyễn Du và Pasteur; YEN Sushi đóng cửa chi nhánh số 8, Đồng Khởi…

Thương hiệu F&B có tiếng cũng trả mặt bằng thuê trên đường Nguyễn Huệ (quận 1) khi chủ nhà tăng giá thêm 12%. Thương hiệu khác ở khu vực đường Thái Văn Lung cho biết, cũng sẽ trả lại vì không gồng nổi mức giá thuê gần 680 triệu đồng mỗi tháng.

Chưa kể, hàng loạt mặt bằng vị trí “kim cương” ở Đồng Khởi, Nguyễn Huệ, Lê Lợi, Hai Bà Trưng, Ngô Đức Kế…. cũng rơi vào tình trạng bỏ trống cả năm, vì khó kiếm khách chịu được mức giá vài trăm đến cả tỷ đồng/tháng.

Theo VnExpress, nhiều chủ nhà có tâm lý thà để mặt bằng trống chứ không giảm giá, vì họ không bị áp lực về thu nhập, khả năng tài chính của họ đủ để chịu đựng việc mặt bằng bỏ trống. Họ tin rằng, giữ giá thuê ổn định giúp bảo đảm giá trị tài sản của họ.

 

Xuân Hưng – thoibao.de