Vai trò của thể chế và con người trong sự phát triển đất nước

Ngày 19/10, Luật sư – Facebooker Vũ Đức Khanh có bài bình luận trên trang cá nhân của mình, với tựa đề “Sự nghèo khó và phát triển: Vai trò của thể chế và con người”.

Theo tác giả, sau Đệ nhị Thế chiến, 3 quốc gia trên thế giới bị chia cắt bởi những lý do chính trị và tư tưởng, là Việt Nam, Hàn Quốc, và Đức. Trong đó, Việt Nam và Đức đã được thống nhất, nhưng số phận của từng quốc gia lại khác biệt. Đông Đức tan rã và sáp nhập với Tây Đức giàu có, trong khi Bắc Hàn vẫn mắc kẹt trong nghèo đói, thua xa Nam Hàn về mọi mặt.

Tác giả đặt vấn đề, tại sao cùng một dân tộc, cùng một nền văn hóa, nhưng khi bị chia cắt bởi 2 hệ thống chính trị khác nhau, một bên phát triển thịnh vượng, còn bên kia thì tụt hậu. Trường hợp của Việt Nam, tuy thống nhất thành công, nhưng sau chiến thắng của phe Cộng sản, đất nước vẫn phải đối mặt với nghèo khó trong thời gian dài.

Vậy lý do thực sự là gì? Thể chế hay con người, hay một yếu tố nào khác?

Con người sinh ra thể chế, hay thể chế sinh ra con người? Nhìn vào lịch sử, chúng ta thấy rằng, con người là yếu tố quyết định đầu tiên.

Tác giả dẫn chứng, sự khác biệt rõ rệt giữa Bắc và Nam Hàn là minh chứng sống động cho ảnh hưởng của thể chế lên sự phát triển.

Bắc Hàn, dưới sự kiểm soát nghiêm ngặt của Đảng Lao động và gia đình Kim Jong Un, không có sự cạnh tranh tự do, không có động lực cá nhân để cải thiện đời sống, và nguồn lực kinh tế bị kiểm soát bởi nhà nước.

Trong khi đó, Nam Hàn chọn con đường phát triển khác hẳn. Sau khi áp dụng mô hình kinh tế thị trường, Chính phủ Nam Hàn đã khuyến khích đổi mới và hợp tác quốc tế, mở cửa cho đầu tư nước ngoài, và thúc đẩy giáo dục, nghiên cứu khoa học. Sự kết hợp này đã giúp Nam Hàn vươn lên, trở thành một trong những nền kinh tế phát triển nhất thế giới.

Tác giả cũng nhắc đến trường hợp tương tự là Đông và Tây Đức. Khi Tây Đức chọn con đường tư bản chủ nghĩa và gia nhập cộng đồng châu Âu, họ nhanh chóng hưởng lợi từ sự phục hồi kinh tế sau chiến tranh. Trong khi đó, Đông Đức bị kìm kẹp bởi nền kinh tế kế hoạch hóa, với sự kiểm soát chặt chẽ từ Liên Xô. Cuối cùng, Đông Đức không thể cạnh tranh với Tây Đức về kinh tế, dẫn đến sự sụp đổ của chế độ và đi đến quá trình thống nhất.

Tác giả nhắc lại, Việt Nam cũng là một quốc gia bị chia cắt bởi ý thức hệ. Tuy nhiên, trong nhiều thập niên sau chiến tranh, Việt Nam vẫn là một trong những quốc gia nghèo nhất thế giới. Nguyên nhân chính là do nền kinh tế tập trung, kế hoạch hóa, và sự kiểm soát chặt chẽ của nhà nước đối với mọi hoạt động kinh tế.

Chỉ đến khi Chính phủ bắt đầu thực hiện chính sách Đổi Mới, vào cuối thập niên 1980, nền kinh tế mới dần khởi sắc. Nhưng dù đã có những tiến bộ đáng kể, Việt Nam vẫn còn một khoảng cách rất xa, so với các nước phát triển, chủ yếu do thể chế chính trị vẫn còn những giới hạn nhất định đối với tự do cá nhân và quyền sở hữu tài sản.

Theo tác giả, từ những ví dụ trên, có thể thấy rằng, thể chế là một yếu tố then chốt, trong việc định hình sự phát triển của một quốc gia. Nhưng con người cũng đóng vai trò không kém phần quan trọng. Chính con người đã tạo ra thể chế, và chính họ là những người có thể thay đổi thể chế khi cần thiết.

Tác giả kết luận, sự phát triển của một quốc gia phụ thuộc vào sự kết hợp giữa thể chế và con người. Thể chế tốt có thể thúc đẩy sự phát triển, nhưng nếu không có những con người có tư duy mở và khát khao đổi mới, thì mọi thể chế đều có nguy cơ trở thành cản trở. Con người và thể chế là hai mặt của một đồng xu, luôn tương tác và ảnh hưởng lẫn nhau.

 

Quang Minh – thoibao.de