Ngày 26/10, VOA Tiếng Việt bình luận “Trí thức, doanh nhân: “Phe cầm quân” cần cải cách, lắng nghe, trọng dụng giới kỹ trị”.
VOA dẫn lời 3 nhà trí thức và một doanh nhân, rằng, họ không lo ngại khi 9 sỹ quan cấp tướng, tá, của công an và quân đội nắm những chức vụ cao nhất của Việt Nam, và chiếm đa số trong Bộ Chính trị, mặc dù vậy, họ muốn thấy các nhà lãnh đạo đó cải cách, lắng nghe, và trọng dụng các nhà kỹ trị.
VOA cho biết, các lãnh đạo xuất thân từ tướng tá công an và quân đội trong Bộ Chính trị hiện nay, gồm: Đại tướng Công an Tô Lâm – Tổng Bí thư; Đại tướng Quân đội Lương Cường – Chủ tịch nước; Trung tướng Công an Phạm Minh Chính – Thủ tướng; cùng với 6 sỹ quan cấp tướng, tá công an, quân đội, chiếm thế đa số trên tổng số 15 ủy viên trong Bộ Chính trị.
Theo quan sát của VOA, nhiều người tỏ ý lo ngại trên mạng xã hội, về sự trỗi dậy, nắm quyền thống lĩnh của phe các lực lượng vũ trang, còn được gọi một cách không chính thức là “phe cầm quân”, có thể làm cho Việt Nam suy giảm mức độ cởi mở, và các động thái trấn áp các quyền tự do sẽ gia tăng.
VOA dẫn lời Phó Giáo sư, Tiến sĩ Võ Đại Lược, cựu Viện trưởng Viện Kinh tế và Chính trị Thế giới, nói rằng, ông không lo ngại, vì sự thay đổi về bộ máy lãnh đạo Việt Nam, cần được đặt trong bối cảnh đất nước hội nhập quốc tế, và có các điều kiện phát triển thuận lợi như hiện nay, với các đối tác chiến lược toàn diện bao gồm cả Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, một số nước châu Âu…
VOA dẫn nhận xét của Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, cựu Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế Trung ương, cho rằng, Tổng Bí thư Tô Lâm và Chủ tịch nước Lương Cường, dù xuất thân là tướng công an, quân đội, nhưng thông qua những biểu hiện gần đây, cho thấy, đang “mang lại hy vọng” về “cải cách”.
VOA cũng dẫn lời doanh nhân Trần Quốc Quân, nói rằng, ông mong sẽ thấy có “một bước đột phá, đổi mới trong chính sách lãnh đạo”, sau khi theo dõi những phát biểu của ông Tô Lâm, cả ở trong nước lẫn khi công du nước ngoài.
Nhưng vì Việt Nam vẫn trong cơ chế một đảng cầm quyền, ông Quân cho rằng, “không kỳ vọng quá nhiều”, phải chờ xem các việc làm của giới lãnh đạo xuất thân từ công an, quân đội ra sao.
Ông Quân đề cao nhà nước dân chủ, với sự tham chính của các nhà kỹ trị, điều mà nhiều nhà quan sát cho là đang thiếu vắng trong đội ngũ lãnh đạo cao nhất của Việt Nam hiện nay. Ông Quân nói:
“Cuối cùng, đi đến xã hội văn minh phải là xã hội dân chủ, kỹ trị. Ở Việt Nam, cần nhất hiện nay là đổi mới, không chỉ là lãnh đạo về kinh tế mà về chính trị rất là cần thiết.”
VOA dẫn ý kiến của ông Đặng Tâm Chánh, cựu Tổng Biên tập báo Sài Gòn Tiếp Thị, nêu một ví dụ về nhược điểm của việc có ít nhà kỹ trị trong bộ máy. Đó là, Quốc hội trước đây xây dựng những “luật ống”, chỉ gồm các quy định khung, khi thực thi, công chức, cán bộ hướng dẫn rất nhiều, dẫn đến sự lạm quyền. Vì vậy, để hạn chế “luật ống”, họ đưa ra các luật pháp mà giờ đây bị xem là quá chi tiết, trói buộc.
Tiến sĩ Lê Đăng Doanh đưa ra lời khuyên:
“Trước khi ban hành các quyết định về chính sách, hãy tham khảo ý kiến các doanh nghiệp, các chuyên gia trong nước và ngoài nước, để biết cần thay đổi như thế nào. Hiện nay, tình hình thay đổi nhanh chóng, kinh tế số, trí tuệ nhân tạo AI, tình hình quốc tế khó dự đoán… Trước đây, các lãnh đạo đã lập ra các ban tham vấn và nghiên cứu rồi, bây giờ điều này càng cần thiết.”
“Nếu các nhà lãnh đạo ra quyết định mà không tham khảo các chuyên gia, không khảo sát thực tế, điều tra một cách khoa học, có hệ thống, thì có thể có tác động hết sức nghiêm trọng.”
Thu Phương – thoibao.de