Kinh doanh bằng tuyên giáo, Vinfast vẫn mãi là lò đốt đô la!

Ngày 4/10, tờ báo Người Quan Sát có bài viết với tiêu đề: ‘Cần câu cơm’ giúp xe điện VinFast được lòng khách Việt, chốt hạ gần 16.000 chiếc chỉ trong 2 tháng. Bài báo cho biết, “Ưu thế vượt trội đã giúp công ty của tỷ phú Phạm Nhật Vượng nhanh chóng ký kết nhiều hợp đồng lớn với khách hàng chiến lược, từ đó khẳng định vị thế dẫn đầu thị trường xe điện trong nước”. Tính ra trung bình mỗi tháng Vinfast bán ra 8000 xe điện. Con số này nhiều hay ít, thật hay hư cấu? Cần phải phân tích kỹ.

Ngày 10/10, báo Tuổi Trẻ có bài viết “Thị trường ô tô Việt Nam ‘bùng nổ’, 36.585 xe bán ra trong một tháng”. Bài báo cho biết, trong tháng 9, người tiêu dùng đã xuống tiền mua 36.585 xe, trong đó Toyota dẫn đầu doanh số tiêu thụ xe là 6.986 chiếc, Mitsubishi (5.385 xe), Kia (4.015 xe), Ford (3.967 xe), Honda (3.607 xe) và Mazda (3.583 xe)…

Như vậy tính lượng xe bán ra trong vòng 1 tháng, Vinfast của ông Phạm Nhật Vượng bán vượt số lượng của Toyota. Trong khi đó thị trường xe xăng vẫn chiếm tỷ trọng rất lớn, thị trường xe điện ở Việt Nam hiện nay đang chiếm tỷ lệ rất khiêm tốn. Như vậy, có thể hiểu con số 2 tháng Vinfast đã bán được 16.000 chiếc kia là con số có tính chất tuyên truyền hơn là con số thật.

Những năm gần đây, thị trường ô tô điện không phát triển như dự đoán, nguyên nhân là ô tô điện cũng ô nhiễm môi trường nghiêm trọng chứ không “xanh” như người ta vẫn tưởng. Việc xe điện hết hạn sử dụng thải ra môi trường lượng hóa chất trong pin rất độc hại. Đây là điều mà các nhà quảng cáo xe điện không bao giờ nhắc đến.

Kế đến là hạ tầng cấp năng lượng cho ô tô điện không như xe xăng, đồng thời thời gian sạc đầy pin lâu hơn thời gian đổ đầy bình xăng rất nhiều. Chính vì thế, xe điện chưa thể soán ngôi xe xăng thì nó đã có dấu hiệu bão hòa.

Thị trường xe điện vì thế rất chật chội. Ngay cả thị trường trong nước, xe Trung Quốc cũng đang chen vào với giá thành rẻ đang cạnh tranh khốc liệt với xe điện Vinfast. Đáng nói là “lòng yêu nước” của người dân Việt Nam cũng đang cạn dần, họ có thể bỏ tiền ra mua chiếc xe điện đầu tiên của Vinfast để thể hiện “lòng tự hào”, nhưng chiếc xe tiếp theo khó mà trung thành với thương hiệu này. Nguyên nhân là chất lượng và hậu mãi của nó đang là câu hỏi to tướng.

Như vậy con số bán ra của Vinfast đấy không phản ánh đúng nhu cầu thị trường xe điện Việt Nam. Ông Phạm Nhật Vượng đã dự đoán sai xu hướng tương lai của thị trường xe điện. Cho nên dù có ra sức bơm cho báo chí ca tụng thì cũng rất khó để Vinfast có thể trụ vững được trên thị trường. Trụ vững trên thị trường Việt Nam còn khó chứ nói gì đến trụ vững ở thị trường nước ngoài.

Theo báo cáo của công ty Vinfast, từ tháng 4 đến tháng 6/2024, công ty lỗ ròng 773,5 triệu USD, tăng 27% so với quý 1/2024 và tăng 40% so với cùng kỳ năm 2023. Công ty vẫn đốt tiền ngày một tăng chứ vẫn chưa thấy thời điểm hoàn vốn.

Muốn đứng vững trên thị trường, trước hết Vinfast phải làm chủ được công nghệ. Tất cả các hãng ô tô trên thế giới đang có chỗ đứng trên thị trường đều là những doanh nghiệp làm chủ công nghệ. Họ có thể cần những nhà sản xuất phụ trợ cung cấp phụ tùng, nhưng công nghệ lõi có giá trị gia tăng cao phải nằm trong tay họ. Còn Vinfast có làm được điều đó không?

Ngày 7/10, tờ báo Soha có bài viết “Ô tô có khoảng 30.000 chi tiết, Việt Nam đã làm được bao nhiêu phần?”. Bài báo này cho biết rằng, Việt Nam chỉ sản xuất được những phụ tùng có lượng công nghệ không cao hoặc có kích thước lớn, cần sử dụng nhiều nhân công, như sản phẩm nhựa, bộ dây điện, ghế ngồi…

Từ bức tranh ngành công nghiệp ô tô Việt Nam như thế thì làm sao Vinfast có thể làm chủ công nghệ lõi của chiếc Vinfast được?

Muốn đứng vững trên thị trường, không thể chỉ đi mua về rồi ráp, làm như thế thì mãi không thể có chỗ đứng trên thị trường. Mà nếu chưa đứng được thì Vinfast chỉ có thể đốt tiền chứ khó mà hốt tiền như các hãng khác được.

Trần Chương-Thoibao.de