Ngày 17/10, VOA Tiếng Việt loan tin “Việt Nam ước tính cần chi 7,2 tỷ USD để xây tuyến đường sắt mới nối với Trung Quốc”.
VOA dẫn nguồn từ truyền thông nhà nước cho hay, Việt Nam ước tính chi phí xây dựng tuyến đường sắt mới, nối với tỉnh Vân Nam của Trung Quốc, là 179 nghìn tỷ đồng (7,2 tỷ đô la).
Tuyến đường sắt dài 427 km, sẽ chạy từ tỉnh biên giới Lào Cai qua thủ đô Hà Nội và thành phố cảng Hải Phòng, đến thành phố Hạ Long.
VOA cho biết, Việt Nam đang tìm cách nâng cấp hệ thống đường sắt cũ kỹ của mình, bao gồm các kế hoạch xây dựng tuyến đường sắt cao tốc chạy dọc theo chiều dài đất nước, và các tuyến nối với Trung Quốc, đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam.
VOA dẫn bản tin của Thông Tấn Xã Việt Nam, theo đó, Tổng cục Đường sắt Việt Nam đã trình kế hoạch xây dựng tuyến đường sắt Lào Cai – Hạ Long lên Bộ Giao thông Vận tải, để Bộ xem xét và phê duyệt.
Dự kiến tuyến đường sắt này sẽ được khởi công xây dựng vào năm 2030, bản tin cho hay, và nói thêm rằng, nhu cầu vận chuyển dọc theo tuyến đường sắt này ước tính đạt 8,3 triệu lượt hành khách, và 17,5 triệu tấn hàng hóa mỗi năm, vào năm 2050.
Theo VOA, Việt Nam đã tiếp cận Trung Quốc để có được công nghệ và nguồn tài chính, cho kế hoạch phát triển đường sắt nối liền 2 nước, vốn đã được kết nối bằng hệ thống đường cao tốc và 2 tuyến đường sắt cũ kỹ và cần nâng cấp ở bên phía Việt Nam.
Hai nước đã nhiều lần bày tỏ quan tâm đến việc thúc đẩy các tuyến đường sắt, và các chuyến thăm lẫn nhau gần đây của giới lãnh đạo 2 nước, thường bao gồm việc ký kết các thỏa thuận về hợp tác đường sắt.
Trước đó, ngày 7/10, BBC Tiếng Việt bình luận “Đường sắt Việt Nam nối với Trung Quốc: Lợi hại thế nào và liệu có khả thi?”
BBC cho rằng, các tuyến đường sắt liền mạch được coi là rất quan trọng cho chuỗi cung ứng, khi ngày càng nhiều nhà sản xuất Trung Quốc chuyển hướng một số hoạt động xuất khẩu sang Việt Nam, trong bối cảnh căng thẳng thương mại giữa Trung Quốc và Mỹ.
BBC cho biết, tuyến đường sắt cũ kỹ Hà Nội – Lào Cai có khổ 1.000 mm, được xây dựng từ thời Pháp thuộc, khi kết nối vào đường sắt cỡ 1.435 mm của Trung Quốc thì phải đổi tàu.
BBC dẫn ý kiến của một chuyên gia đường sắt từ Việt Nam, nói rằng, việc kết nối đường sắt giữa 2 quốc gia chỉ là vấn đề thời gian, bởi việc này xuất phát từ nhu cầu, lợi ích của 2 phía.
“Việc đường sắt 2 nước khác nhau về khổ đường đã hạn chế rất lớn năng lực vận tải bằng đường sắt qua cửa khẩu Lào Cai, phía Trung Quốc đã rất nhiều lần đề nghị phía Việt Nam đầu tư tuyến mới này.”
Vị chuyên gia đánh giá:
“Điểm dễ thấy nhất, là Việt Nam có cơ hội lớn để tận dụng nguồn vốn từ phía Trung Quốc… Nhưng đánh giá và quản trị các rủi ro khả dĩ khi vay nguồn vốn từ Trung Quốc, để phát triển cơ sở hạ tầng, đang là thử thách lớn cho Việt Nam.”
Ông cho rằng, “Việt Nam mong muốn Trung Quốc trao đổi và chuyển giao công nghệ đường sắt”, “nhưng đây chắc chắn chưa bao giờ là vấn đề dễ dàng”.
BBC dẫn ý kiến của Tiến sĩ, Kỹ sư Đặng Đình Cung, từ Pháp, cho rằng:
“Việt Nam có lợi vì mạng đường sắt được kết nối với mạng của Trung Quốc và khuếch trương kết nối với mạng của tất cả các nước từ Thái Bình Dương đến Đại Tây Dương… Đó là một bước nhảy vọt ngoạn mục về hậu cần.”
Bên cạnh đó, BBC cũng dẫn đánh giá của Phó Giáo sư Dragan Pavlićević, từ Đại học Giao thông Tây An – Liverpool (Trung Quốc), cho rằng:
“Chúng ta phải chờ xem điều khoản của thỏa thuận này – dự án sẽ chính xác có hình dạng ra sao, cấu trúc thế nào, và sau đó là hiệu quả kinh tế.”
Minh Vũ – thoibao.de