Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường “cấp tốc” sang thăm Việt Nam nhằm mục đích gì?

Khác với người tiền nhiệm là ông Nguyễn Phú Trọng, ông Tô Lâm được cho là một chính khách thực dụng, ít quan tâm đến vấn đề lý luận. Sau khi chính thức được bầu làm Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam, đã có nhiều biểu hiện cho thấy, cựu Bộ trưởng Công an sẽ xóa bỏ các di sản của ông Trọng, để tạo ra các dấu ấn riêng của mình.

Đặc biệt, trong quan hệ đối ngoại, theo một số nhận định, Việt Nam sẽ ngả sang Hoa Kỳ và phương Tây nhiều hơn, đồng thời dần rời xa Trung Quốc. Đây là lý do khiến Bắc Kinh rất không hài lòng.

Tuy nhiên, cũng  theo một số nhận định, khác với Tổng Bí thư Tô Lâm, đằng sau các chủ trương của Thủ tướng Phạm Minh Chính cho thấy, dường như, đang cố tình làm lợi cho Trung Quốc. Đặc biệt, Chính phủ Việt Nam dự định để một công ty của Trung Quốc thi công hệ thống cáp quang ngầm dưới biển. Điều này đã gây lo ngại lớn, vì liên quan đến vấn đề an ninh quốc gia.

Mới đây, truyền thông nhà nước đưa tin, Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường sẽ đến thăm Việt Nam, từ ngày 12 đến 14/10. Ông Lý Cường được đánh giá là một tay chân “thân cận” của Tập Cận Bình.

Điều đó có liên quan gì đến các đánh giá, sau vụ Trung Quốc tấn công tàu cá của Việt Nam trên Biển Đông, có phải Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường đến Việt Nam để hóa giải vấn đề?

Thủ tướng Chính vốn được cho là thân Bắc Kinh, từ khi ông trở thành Bí thư Tỉnh uỷ Quảng Ninh. Bước tiến đó đã đưa ông trở thành Trưởng ban Tổ chức Trung ương.

Sau Đại hội Đảng 13, ông Chính vượt qua cả Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, để trở thành Thủ tướng, trước sự ngạc nhiên của giới quan sát quốc tế. Một số ý kiến cho rằng, việc ông Chính thành công ngồi vào ghế Thủ tướng, có bàn tay sắp đặt từ Trung Nam Hải.

Mặc dù truyền thông của nhà nước nói rằng, chuyến thăm của ông Lý Cường được thực hiện theo lời mời của Thủ tướng Chính, trong chuyến thăm Bắc Kinh vào tháng 6/2023, nhưng có một số diễn biến bất thường trước chuyến thăm này, đáng chú ý như sau:

Thứ nhất, quan hệ Việt Trung đã xấu đi rõ rệt và nhanh chóng. Trên Biển Đông, lực lượng chấp pháp của Trung Quốc nhiều lần ngang nhiên tấn công tàu cá, đánh bị thương nhiều ngư dân Việt Nam. Và phản ứng quyết liệt của Bộ Ngoại giao Việt Nam, được đánh giá là hiếm thấy.

Thứ hai, đây là thời gian mà chính trường Việt Nam sẽ có các biến động về nhân sự cấp cao. Theo kế hoạch, ngày 21/10, Quốc hội sẽ bắt đầu kỳ hop, trong đó dự kiến bầu Chủ tịch nước mới, thay cho ông Tô Lâm. Đồng thời, việc chuẩn bị nhân sự “chủ chốt”, cũng như chuẩn bị văn kiện Đại hội Đảng 14, đang ở giai đoạn then chốt.

Do vậy, một trong những nội dung trọng tâm nhất, mà Thủ tướng Lý Cường có lẽ không thể bỏ qua, đó là, việc phải nhanh chóng “hàn gắn” mối bất đồng giữa ông Tô Lâm và ông Tập Cận Bình. Hơn nữa, ông Tô Lâm vừa hoàn thành chuyến công du Hoa Kỳ, gặp gỡ với Tổng thống Joe Biden; đồng thời, Việt Nam vừa nâng cấp quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện với Cộng hòa Pháp – một thành viên của Liên minh châu Âu và thành viên của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc.

Điều đó gián tiếp cho thấy, có lẽ Bắc Kinh cần nhanh chóng phục hồi mối quan hệ bình thường, cũng như tăng cường sự ảnh hưởng của Trung Quốc với Việt Nam, dưới thời Tổng Bí thư Tô Lâm.

Có suy đoán cho rằng, chiến thuật tạo sức ép lên ông Tô Lâm, thông qua việc sử dụng các cá nhân và phe cánh thân Trung Quốc trong nội bộ Đảng Cộng sản Việt Nam, dường như đã thất bại.

Một vấn đề khác, mới đây, Ban lãnh đạo Đảng Cộng sản Việt Nam đã thống nhất chủ trương, về việc xây dựng dự án đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam. Và  sau đó Thủ tướng Phạm Minh Chính đặt quyết tâm cao, khẳng định “chỉ bàn làm, không bàn lùi”. Từ đó, có suy đoán cho rằng, dự án đường sắt tốc độ cao này sẽ là một trong những nội dung trọng tâm, trong cuộc hội đàm giữa Thủ tướng Phạm Minh Chính và Thủ tướng Lý Cường.

 

Trà My – Thoibao.de