Theo truyền thống của người Việt Nam, Tết Nguyên Đán là dịp sum họp gia đình và nghỉ ngơi sau một năm lao động vất vả. Người lao động, đặc biệt là giới công nhân cũng có mong muốn như vậy.
Được biết, Tết Nguyên Đán Giáp Thìn sắp tới, do tình hình kinh tế khó khăn khiến rất nhiều công nhân xa quê phải ở lại thành phố, chứ không thể về nhà ăn Tết như những năm trước.
Báo Tuổi Trẻ ngày 24/1 có bản tin với tựa đề “Vì sao công nhân từ chối nhận quà Tết?”
Bản tin đã khiến nhiều người ngạc nhiên, và đặt câu hỏi, tại sao, trong lúc kinh tế khó khăn, vậy mà có quà Tết cho không nhưng công nhân cũng không chịu nhận?
Báo Tuổi trẻ cho biết:
“Khi hay tin được nhận phần tiền hỗ trợ Tết từ Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, người lao động có hoàn cảnh khó khăn rất mừng. Tuy nhiên, để nhận được khoản hỗ trợ này, người lao động phải thực hiện một số thủ tục rất khó khăn.
Lãnh đạo không ít doanh nghiệp cho rằng, hình thức hỗ trợ quá nhiêu khê, nên đã thẳng thừng từ chối nhận. Mà nhìn chung, họ chỉ muốn nhận tiền thưởng bằng tiền mặt.”
Người Việt có câu, “của cho không bằng cách cho”, với hàm ý, cả người cho và người nhận đều không chỉ chú ý đến giá trị vật chất của món quà, mà quan trọng hơn là tấm lòng của người cho, thể hiện qua thái độ cho quà.
Qua tìm hiểu, một số công nhân và lãnh đạo doanh nghiệp cho biết:
Ông Phan Văn Anh, phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, cho biết, Công đoàn Việt Nam đã có gói hỗ trợ 500 tỉ đồng, với giá trị 500.000 đồng/người, chuyển vào tài khoản cá nhân của các đoàn viên công đoàn, người lao động có hoàn cảnh khó khăn. Ngoài ra, còn có voucher trị giá 300.000 đồng/người tặng thêm cho công nhân khó khăn.
Tuy nhiên, báo Tuổi Trẻ cho biết, những năm trước đây, tiền hỗ trợ cho công nhân khó khăn được chuyển thẳng vào tài khoản đã có sẵn của công nhân. Nay, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam yêu cầu, công nhân phải mở tài khoản mới của Công ty Tài chính HD Saison, do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam “bắt tay”, đứng ra làm trung gian giới thiệu, hợp tác.
Kèm theo điều kiện bắt buộc, công nhân phải dùng 300.000 đồng đó để mua hàng hóa trên sàn thương mại điện tử Shopee và Tiki. Nhưng, theo báo Tuổi Trẻ, “sàn thương mại ấy đâu có bán thịt, trứng để ăn trong mấy ngày Tết?”
Vẫn theo báo Tuổi Trẻ, sau khi mua hàng, giao dịch xong, người lao động có thể hủy thẻ. Còn trường hợp xài hơn số tiền được hỗ trợ 300.000 đồng, nếu người lao động rút tiền mặt thì bị tính lãi.
Trên mạng xã hội lập tức dậy sóng trước một chủ trương rất khó hiểu, được cho là, cố ý “ăn không từ thứ gì của công nhân” của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam. Công luận đặt câu hỏi, tiền hỗ trợ cho công nhân khó khăn trong dịp Tết là tiền của ngân sách nhà nước chi cho công nhân trong dịp Tết, Tổng Liên đoàn Lao động chỉ có nhiệm vụ phân phối theo quy định. Tại sao phải lòng vòng, đem quyền lợi của công nhân cho các tổ chức tín dụng, các mạng thương mại điện tử “xâu xé”?
Chưa hết, trên mạng xã hội, có người còn phát hiện ra trò cố ý “lừa đảo”, khiến công nhân không dám nhận tiền. Đó là:
“Nhưng cái hậu này mới ngán nè: Sau khi xài hết 300k thì dư nợ mỗi tài khoản của công nhân tại Công ty tài chính HD đã có sẵn 5 triệu đồng! Ai ham hố mà xài lố vô là lãi mẹ đẻ lãi con, đổ nợ như chơi. Chưa kể, thông tin cá nhân của họ bị Công ty tài chính thu thập được.”
Dư luận thấy rằng, rõ ràng, Tổng Liên đoàn Lao động cho công nhân được 300 ngàn đồng, nhưng họ lại giăng sẵn cho công nhân một cái “bẫy nợ”. Nếu lỡ sa chân vô “bẫy nợ” kiểu này thì căng lắm. Nên đa số các công nhân không dám nhận “quà” cho nó lành.
Cựu nhà báo Linh Hoàng của báo Tuổi Trẻ, viết trên trang Facebook cá nhân một status, với tiêu đề “Lạy các ông, đừng “bẫy nợ” công nhân bằng quà Tết”. Tác giả cho biết:
“Tin từ Tuổi Trẻ, Chủ tịch Hội đồng Quản trị một Công ty tại Sóc Trăng (đề nghị không nêu tên) nói, ông rất cảm kích việc Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam hỗ trợ 300.000 đồng cho mỗi công nhân khó khăn để sắm Tết.”
“Điều tôi lo lắng nhất là, công nhân được hỗ trợ, sau khi mua hàng, tài khoản kích hoạt có dư nợ đến 5 triệu đồng. Người lao động mà thấy trong tài khoản có tiền là xài, không tính đến sau này sẽ phải trả lãi.”
“Hậu quả sẽ rất phiền phức, một khi công nhân vướng vào, ảnh hưởng đến hiệu suất làm việc, nên sau khi tham khảo ý kiến công đoàn, nên chúng tôi từ chối nhận hỗ trợ tiền cho gần 500 công nhân của công ty.”
Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam là một trong các hội đoàn hoạt động bằng tiền ngân sách. Lâu nay, dư luận vẫn cho rằng, hầu hết các tổ chức hội đoàn của nhà nước là các tổ chức hữu danh vô thực, sinh ra để đục khoét nhà nước và trở thành một gánh nặng cho xã hội. Nay người ta mới phát hiện, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam còn hành thêm nghề mới, đó là đi lừa công nhân nghèo (!?).
Đảng Cộng sản Việt Nam luôn khẳng định, họ đại diện cho giai cấp công nhân và nhân dân lao động. Do đó, công luận đặt câu hỏi, Đảng có biết rằng, cánh tay nối dài của họ đang dùng tiền thuế của nhân dân, để đi lừa giai cấp mà các ông nhân danh đại diện hay không?./.
Trà My – Thoibao.de
24.1.2024