Ngày 22/10, Đại tướng Lương Cường vừa được Quốc hội bầu làm Chủ tịch nước thay cho ông Tô Lâm. Ngay hôm sau 23/10, truyền thông nhà nước đưa tin, chùa Phổ Quang – ngôi chùa hơn 800 năm tuổi, được công nhận di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia, ở tỉnh Phú Thọ, đã xảy ra cháy lớn, với tổng giá trị vật chất thiệt hại ước chừng khoảng 25 tỷ đồng.
Được biết, Phú Thọ cũng là quê quán của tân Chủ tịch nước Lương Cường. Do đó, trên mạng xã hội đã rộ lên nhiều bình phẩm nói rằng, đây là “điềm gở”, báo trước sự chẳng lành đối với ông Cường, trên cương vị Chủ tịch nước!
Đại tướng Lương Cường là một nhân vật được cho là có mối quan hệ khá chặt chẽ với Trung Quốc. Theo một số nhận định, với sự giúp sức của Ban lãnh đạo Bắc Kinh, tới đây, Trung Nam Hải sẽ tiếp tục dùng mọi cách, mọi thủ đoạn để đưa ông Cường lên chức Tổng Bí thư tại Đại hội 14 vào đầu năm 2026.
Khi đó, ông Lương Cường – một đệ tử thân thiết của cố Tổng Bí thư Trọng – sẽ đưa nền chính trị Việt Nam quay trở lại thời kỳ của ông Trọng trước đây, thời kỳ mà một số ý kiến cho rằng, lệ thuộc hoàn toàn vào Trung Quốc. Đây là điều hết sức nguy hiểm, đồng thời, cũng là tín hiệu báo trước, công cuộc cải cách đưa đất nước bước vào “kỷ nguyên mới”, của Tổng Bí thư Tô Lâm rất khó thành công.
Có những ý kiến cho rằng, cơ cấu “Tam trụ” với chỉ 3 nhân vật lãnh đạo hàng đầu, khi 2 chức danh Chủ tịch nước và Tổng Bí thư được nhất thể hoá, do một người nắm giữ, có nhiều ưu điểm hơn cơ cấu Tứ Trụ. Và họ đặt câu hỏi, tại sao giới lãnh đạo Việt Nam không áp dụng cơ cấu Tam Trụ?
Trung Quốc đã “nhất thể hóa” 2 chức danh Tổng Bí thư và Chủ tịch nước, bắt đầu từ thời Giang Trạch Dân năm 1993 cho đến nay.
Ở Việt Nam, vào năm 2018, sau khi Chủ tịch nước Trần Đại Quang qua đời, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã thay ông Quang, kiêm nhiệm đồng thời cả 2 chức danh Tổng Bí thư và Chủ tịch nước. Khi đó, nội bộ Đảng dường như không có ý kiến phản đối.
Như vậy, việc Ban lãnh đạo Đảng Cộng sản Việt Nam không áp dụng mô hình “nhất thể hóa”, sáp nhập 2 chức danh Tổng Bí thư và Chủ tịch nước, phải chăng có gì đó không ổn?
Có những ý kiến cho rằng, từ khi Trung Quốc áp dụng “nhất thể hóa” hai chức danh Tổng Bí thư và Chủ tịch nước, thì nội bộ Đảng Cộng sản Trung Quốc ổn định và thống nhất hơn, như đã thấy.
Còn ở Việt Nam, lấy lý do, mô hình nhất thể hóa không đảm bảo sự cân bằng quyền lực trong nội bộ của Đảng, để bác bỏ mô hình Tam Trụ, nhưng lý do thật sự, không thể “nhất thể hoá”, là do sự cạnh tranh, giành giật quyền lực gay gắt trong nội bộ của Đảng.
Các cá nhân và phe nhóm đã đặt quyền lợi của họ lên trên sự ổn định chính trị cần thiết, để phục vụ công cuộc “cải cách”, nhằm phát triển kinh tế đất nước.
Trước thời điểm Quốc hội Việt Nam bầu chọn tân Chủ tịch nước, Đảng Cộng sản Trung Quốc đã chủ động mời Đại tướng – Thường trực Ban Bí thư Lương Cường tới yết kiến ông Tập ở Bắc Kinh, một cách“khuất tất”, úp úp, mở mở. Đây được cho là một cách nắn gân, để ép Tổng Bí thư Tô Lâm phải lùi bước.
Việc Tổng Bí thư Tô Lâm nhường lại ghế Chủ tịch nước cho ông Lương Cường, cho thấy, một lần nữa, bàn tay “lông lá” của Trung Nam Hải lại tiếp tục can thiệp vào việc sắp xếp nhân sự cấp cao của Việt Nam.
Đây sẽ là một bước đệm, được coi là tạm thời, nhưng rất cần thiết, để tạo điều kiện cho ông Lương Cường trở thành một trường hợp “ngoại lệ”, trong cơ cấu nhân sự “chủ chốt” của Đại hội 14 sẽ diễn ra vào đầu năm 2026. Đồng thời, đây cũng là tiền đề cần thiết cho bước tiếp theo, trong Đại hội 14, Chủ tịch nước Lương Cường có thể sẽ được bầu giữ chức Tổng Bí thư.
Chúng ta hãy chờ xem!
Trà My – Thoibao.de