Tiếp theo Kỳ 1 “Chống lãng phí: Có chống được không?” của nhà báo kỳ cựu Nguyễn Thông, ngày 4/11, báo Tiếng Dân đăng tiếp Kỳ 2 của loạt bài báo này.
Cũng như Kỳ 1, thoibao.de giới thiệu bài viết Kỳ 2 này đến quý khán thính giả, nội dung như sau:
Đọc toàn bài “Chống lãng phí” của ông Tô Lâm, rà kính soi từng câu từng chữ, tôi không thấy ông ấy đề cập tới những thứ lãng phí đang diễn ra công khai, hằng ngày, những lãng phí đã được luật hóa bằng nghị định này, chỉ thị nọ của Đảng, nhà nước.
Đặc biệt, bài viết đứng tên ông Tô Lâm, hoàn toàn không đả động gì tới bệnh hình thức mãn tính, gây cực kỳ lãng phí, đã thành thứ tệ nạn kinh khủng hết thuốc chữa ở xứ này; cũng không chỉ ra sự duy trì quá nhiều tổ chức hội đoàn, ban bệ, cánh tay phải tay trái, cánh dài cánh ngắn, rất vô tích sự, ngốn ngân sách từ tiền thuế của dân.
Tới hôm 26/10, phát biểu tại Quốc hội với tư cách Đại biểu, Tổng Bí thư Tô Lâm trăn trở: “Lãng phí xảy ra nhiều lắm. Tại sao mình lại vướng mình, làm khó mình đến vậy? Quy định làm sao mà để cuối cùng mình không thực hiện được? Nhà nước còn không làm được thì sao doanh nghiệp làm được?“. Ông hàng xóm nhà tôi đọc xong cười bảo: Vẫn chung chung.
Lâu nay, người đời thường ngại đụng chạm, ngại ý kiến ý cò về phát ngôn của lãnh tụ, cấp cao, tránh voi chẳng xấu mặt nào… Với quan niệm đó là vùng cấm, nói ra cũng chả giải quyết được gì, có khi không phải đầu lại phải tai, nát đám cỏ gà, rước vạ vào thân. Nhưng tôi thì khác. Nói được những điều có ích cho số đông dân chúng, cho cộng đồng chịu nhiều thiệt thòi, thì cứ nói. Trung ngôn nghịch nhĩ. Thiệt mình chịu.
Sự góp ý không nhằm vào cá nhân, vụ “chống lãng phí” này chẳng hạn, bởi ông Tô Lâm phát ngôn không vì cá nhân ông, nhưng đó là sự đại diện, thay mặt cho bộ máy lãnh đạo do ông ấy đứng đầu. Ổng chống, tại sao mình không ủng hộ, không chống? Tôi tuyệt đối ủng hộ ông ấy chống lãng phí, bởi đó là thứ tệ nạn bản thân tôi rất ghét.
Từ thượng cổ tới giờ, chẳng có bộ máy nào toàn diện, tuyệt hảo, không sai. Vậy thì, nếu ta có ý thức xây dựng, mong muốn cuộc sống và xã hội tốt hơn, thì nói ra với ý thức xây dựng, là điều tốt, tích cực. Vấn đề ở chỗ, bộ máy cầm quyền có biết lắng nghe những điều “trung ngôn nghịch nhĩ” hay không.
Tôi sực nhớ câu thơ của cụ Lê Đạt (nhóm Nhân văn Giai phẩm): “Anh muốn Đảng gọi anh đến nơi/ Hội ý về cuộc sống/ Điều động anh vào bộ tâm hồn quần chúng/ Giúp Trung ương xây dựng những con người”. Tôi chẳng bằng móng tay út cụ Đạt, nhưng học cụ, dù biết cụ từng bị lên bờ xuống ruộng.
Trong vệt bài này, tôi chỉ nhấn đến nội dung “lãng phí”, “chống lãng phí”, chỉ ra những khiếm khuyết, góp thêm vào chủ đề ông Tô Lâm đã nêu trong bài huấn thị/ chỉ đạo đang được tung hô, ca ngợi.
*****
Trước đó, ngày 3/11, trong Kỳ 1 của loạt bài “Chống lãng phí: Có chống được không?”, tác giả Nguyễn Thông đã đề cập đến mong muốn Tổng Bí thư Tô Lâm nói được, làm được. Dù giữa lời nói với việc làm luôn có khoảng cách, thậm chí tường thành vô hình không vượt qua được.
Tác giả đánh giá, kể từ khi ngồi ghế Tổng Bí thư, ông Tô Lâm có những phát ngôn rất “đổi mới”, xé rào, tích cực, phá vỡ vùng cấm, được hầu hết dư luận xã hội, dân chúng đồng tình, đánh giá cao.
Ông Tô Lâm đã dũng cảm, thẳng thắn hơn nhiều, so với ông Nguyễn Văn Linh ở thập niên 1980 – 1990. Ông Linh chỉ dám “Nói và làm”, mon men những điều vụn vặt, chứ không bao giờ dám đụng chạm tới thể chế, bộ máy thượng tầng, đến những thứ được coi là cấm kỵ có thể liên quan tới sự tồn vong của chế độ.
Ông Lâm lại càng hơn hẳn người tiền nhiệm chỉ biết ngụp lặn trong mớ lý luận bùng nhùng, tự mãn.
Thu Phương – thoibao.de