Chuyện dùng bằng giả của ông Vương Tấn Việt, giờ đã có kết quả rõ ràng. Tuy nhiên, khi vụ án bằng giả này chưa được phanh phui, thì hình ảnh những vị giáo sư “đáng kính” của trường Đại học Luật Hà Nội quỳ gối trước học trò Vương Tấn Việt, đã tràn ngập mạng xã hội. Đây là điều mà truyền thống giáo dục xưa nay chưa bao giờ xảy ra. Ở thời phong kiến, dù học trò có là hoàng thân quốc thích, thì vẫn phải “tôn sư trọng đạo”, thầy ra thầy, trò ra trò.
Ngay từ khi vụ án bằng giả chưa có kết luận, thì nhân cách của Vương Tấn Việt đã bị xã hội lên án mạnh mẽ. Đặc biệt là sự phản đối đối với những bài giảng của ông, trước các con nhang đệ tử trước đây. Ông đã sớm bộc lộ là một kẻ tham lam vật chất, dùng đạo pháp để trục lợi bản thân. Ngoài ra, Vương Tấn Việt còn là một kẻ có tư duy phản quốc, khi ông tuyên bố, anh hùng dân tộc Lý Thường Kiệt là “hỗn” vì dám đem quân sang đánh Trung Quốc, phòng họa xâm lăng từ xa.
Với tư cách đạo đức như vậy, Vương Tấn Việt có đáng để các vị giáo sư trường Đại học Luật Hà Nội phải quỳ gối hay không? Với nhận thức phản quốc, ông có xứng để người Việt tôn trọng hay không?
Cho dù ông Việt có thân phận cao quý cỡ nào, thì thầy không thể quỳ gối trước trò. Có thể nói, những hình ảnh các ông thầy lại đi quỳ gối trước học trò ấy, không những là nỗi nhục của họ, mà còn là nỗi nhục của nền giáo dục Việt Nam.
Một nền giáo dục đào tạo ra những kẻ làm thầy mà không biết tự trọng, không phân biệt được trắng đen phải trái, không tôn trọng bản thân. Ở phía đối diện, kẻ đứng nhận “lễ” kia, lại là một tên lưu manh, mượn đạo tạo đời, là một học trò nhưng lại xem mình là bề trên của các ông thầy, là một công dân Việt Nam lại đi phỉ báng anh hùng dân tộc. Nỗi nhục cho các vị giáo sư kia là một, thì nỗi nhục cho nền giáo dục nước nhà là gấp trăm, gấp vạn lần.
Đây không chỉ là chuyện của cá nhân ông thầy tu giả mạo và thành phần nhà giáo thiếu lòng tự trọng. Đây còn thể hiện hình ảnh của nền giáo dục nước nhà, do Đảng Cộng sản Việt Nam quản lý. Các “trí thức” kia dường như đã bị một kẻ lưu manh thao túng, kiểm soát tư tưởng, bị nô lệ hoá.
Nền giáo dục Xã hội Chủ nghĩa hiện nay là nền giáo dục công cụ, không thực hiện nghĩa vụ đào tạo ra những con người tự do, mà chỉ tạo ra những kẻ nô lệ. Đấy chẳng phải là nền giáo dục đang quỳ gối trước một tập đoàn chính trị lưu manh hay sao?
Những hình ảnh về các nhà giáo đi quỳ gối trước học trò, sẽ là một vết nhơ khó gột rửa của nền giáo dục Việt Nam. Một vết nhơ mà có lẽ, tiền cộng sản không có, hậu cộng sản cũng không. Nó chỉ là sản phẩm của Cộng sản.
Một nền giáo dục nô bộc đang làm thối nát xã hội. Một hệ thống giáo dục háo danh, hám tiền, sẵn sàng bán rẻ danh dự, bán rẻ lương tâm, để tạo ra những tấm bằng giả, bằng kém chất lượng, để bán cho những kẻ lưu manh hám danh.
Vụ việc mua bằng của Vương Tấn Việt cho thấy, phải chăng, thời này, đồng tiền, danh vọng hão huyền có thể làm lu mờ tất cả? Bất cứ ai, chỉ cần bỏ tiền ra thì có thể mua được những tấm bằng, từ bậc thấp đến bậc cao? Và cứ có tấm bằng, dù là giả trong tay, thì có thể huyênh hoang khắp nơi hay không?
Đương thời, Thủ tướng Phạm Văn Đồng từng thốt ra những lời đạo lý. Năm 1981, ông từng nói “Phải xây dựng trường ra trường, lớp ra lớp, thầy ra thầy, trò ra trò, dạy ra dạy, học ra học”.
Ấy vậy mà, hằng năm, nhan nhản chuyện các trường lạm thu, trấn lột học sinh, rồi thầy đánh thầy, trò đánh trò, trò đánh thầy và thầy đánh trò vv… Nay, còn nghiêm trọng hơn, khi thầy lại đi quỳ gối trước trò, như một nô bộc trước ông chủ.
Giáo dục Việt Nam đã nát đến thế, còn có nước nào trên thế giới này nát hơn nữa không?
Hoàng Phúc – Thoibao.de