Link Video: https://youtu.be/Sp6zkjVrGPM
TP. HCM đã thực sự “bung”, “toang” trước COVID-19 như cách ông Chủ tịch Hà Nội từng nói.
Ngay cả Bộ Y tế vốn có lịch sử công bố các con số nhiễm và tử vong rất xa với sự thật, cũng đã phải thay đổi trong các bản tin gần đây khi thêm cụm từ “Được ghi nhận trong hệ thống” vào sau các con số.
Được ghi nhận trong hệ thống tức người nhiễm thì được đưa vào bệnh viện, người chết cũng là chết trong bệnh viện, được xác định nguyên nhân do COVID-19.
Nhưng, các bác sĩ đang trực tiếp điều trị đều cho biết con số nhiễm và tử vong không kịp ghi nhận trong hệ thống, hoặc không được ghi nhận trong hệ thống như nhiễm và tự điều trị tại nhà, tử vong tại nhà, thậm chí con số tử vong thực tế trong các bệnh viện cũng đều cách rất xa con số “trong hệ thống”.
Bao nhiêu người chết? Không ai có thể nói chính xác
Nguyên nhân của việc này một phần do hệ thống y tế tại hai điểm sôi là TP. HCM và Bình Dương… đã quá tải mọi mặt. Số người bệnh không được đưa vào bệnh viện là không thống kê được.
Nó giống với cao điểm dịch ở Mỹ, Ấn… các nước đã trải qua kinh nghiệm “toang” trước Việt Nam. Trong bối cảnh y tế quá tải, mọi con số chỉ là hình thức. Chỉ có thể chờ đến hết dịch rồi cẩn thận thống kê lại theo cách thức điều tra dân số. Thậm chí có như thế thì chúng ta cũng có thể vĩnh viễn không bao giờ biết chính xác số người đã tử vong vì COVID, vì không có các con số cập nhật kịp thời dân cư trong mọi thời điểm.
Lâu nay, các bác sĩ, những người làm dịch vụ trong bệnh viện, tại các cơ sở mai táng được lưu ý không đăng các hình ảnh nhạy cảm lên mạng xã hội. Ví dụ hình ảnh người bệnh nằm la liệt trong sân bệnh viện dưới trời mưa, nhiều người phải chui mình vào chiếc túi nilon để không bị ướt.
Nhưng bất chấp, vẫn có một số người không chịu nổi việc bị dán băng keo. Hoặc những nhóm thiện nguyện, họ đăng thẳng thừng. Nhờ thế dư luận mới nhìn thấy cảnh hàng chục chiếc quan tài xếp lớp quanh một khu nhà quàn gần bệnh viện. Cảnh xác người nằm trong những góc nhà nhỏ hẹp, tối tăm, mất vệ sinh nghiêm trọng tại những khu hẻm hóc ngoắt ngoéo ở quận 1, quận 4, quận 8, Tân Bình, Tân Phú…
Ngày 13/8, tức sau khi cách ly xã hội đã hai tháng rưỡi, TP. HCM phát hiện hai ổ dịch mới. Một tại đường Yersin, phường Cầu Ông Lãnh, quận 1. Chỗ này còn gọi là khu Chợ Gà, Chợ Gạo. Một tại đường Nguyễn Biểu, phường 1, quận 5.
Vì sao Sài Gòn lây quá nhiều?
Chợ Gà, Chợ Gạo-cái tên đủ nói lên đây là khu dân cư mật độ cực cao, nói sầm uất tức là quá nhẹ. Trên diện tích 0,23 km2 của phường Cầu Ông Lãnh có gần 18.000 người sinh sống, mật độ đạt hơn 77.000 người/km2, cao gấp gần bốn lần nơi có mật độ dân số cao nhất thế giới là Ma Cao ( 22.000 người/km2).
Cùng với các phường Cô Giang, Cô Bắc, Bùi Viện… đất ở đây phải so với giá kim cương, chứ vàng thì không nhằm nhò.
Nằm ở trái tim thành phố, là một trong những trung tâm buôn bán hàng rau củ quả và hàng tươi sống, cuộc sống của hầu hết người dân khu này diễn ra ở ngoài đường. Họ buôn bán gần như 24/24, ăn uống quán sá, ngủ ngay trên sạp. Giải trí cũng hầu như ngoài trời. Nhà chỉ là nơi để đồ đạc và tắm rửa. Ngay cả con nít và người già cũng chẳng ở trong nhà, họ ra ngồi ngoài hẻm cả ngày đề hóng gió và tán phét.
Giá đất kim cương nên hầu hết nhà nhỏ vô cùng. Nhỏ nhưng có võ, chỉ cần ngồi xệp xuống bất cứ cái góc nào cũng ra tiền, nên người dân không thể bỏ nó đi được. Địa thế và bạn hàng, hai yếu tố trời cho trong kinh doanh, ở đây giàu sẵn, xài hoài không hết. Đi chỗ khác thì sống bằng gì? Học đại học, mòn mông năm năm trời, ra đi làm một tháng lương chưa bằng một ngày doanh số của một sạp rau nhỏ.
Người ở đây, gọi là chen chúc.
Thế rồi đại dịch.
Không thể ra đường để ăn, để ngủ hay chạy nhảy, ngồi chơi nữa. Tự dưng tất cả mọi người đều phải rút vào trong nhà, sinh hoạt 24/24. Cái nhà hồi trước thấy bình thường, giờ hít thở cũng chật. Ngủ thì phải nằm sát cạnh nhau trên sàn.
Những khu dân cư này tận dụng mọi không gian để lấn chiếm, từ lầu một trở đi, tay nhà có thể thò tay qua cửa nhà bên kia. Nên quanh năm suốt tháng, ánh nắng hầu như không bao giờ chiếu xuống nổi dưới hẻm. Trong nhà ngay giữa trưa cũng phải bật đèn.
Thậm chí có những khu trong Cô Bắc, Cô Giang, nước lau nhà, giặt giũ nhiều lúc cũng đổ trực tiếp ra đường, dưới chân luôn ướt nhớp.
Điều kiện thông thoáng, và vệ sinh các khu này rất kém, trong khi mật độ dân cư cực cao.
Tương tự, ngay ở trung tâm thành phố, các khu trọ cho người lao động nghèo như bán vé số, bán hàng rong, khu công nhân, khu lao động tự do lấn chiếm những mảnh đất tạm thời bỏ hoang, dựng nhà tạm bằng tôn và ván gỗ dán … cũng cùng một hoàn cảnh
Do vậy khi bùng dịch, đó chính là những nơi dễ lây lan nhất và một khi đã lây thì lây theo hộ gia đình, lây theo từng hẻm một.
Vậy thì bóc, tách F0 mang đi đâu?
Cho đến hôm nay, chủ trương của Chính phủ và Bộ Y tế cho TP. HCM vẫn là kiên quyết xét nghiệm đại trà để phát hiện F0, nhằm phát hiện nguồn lây, cô lập họ khỏi địa bàn.
Nhưng với thực tế các ổ dịch cục bộ như kể trên, với thực thế toàn bộ TP. HCM đã là vùng dịch cực lớn, trong đó những điểm “xanh” chỉ lác đác như vài chấm nhỏ, tức nguồn lây đã lan rộng khắp nơi, vậy truy tìm nguồn lây còn có ý nghĩa thực tiễn gì?
Và rồi phát hiện được, thì “tách, bóc F0” mang đi chỗ nào?
Thực tế sinh hoạt ở nhà như vậy, liệu đảm bảo họ không tái nhiễm?
TP đã phải tận dụng hết mọi công trình xây dựng có thể được để làm nơi tiếp nhận người bệnh, làm bệnh viện dã chiến.
Hôm 23/8, Thứ trưởng Bộ y tế Nguyễn Trường Sơn gợi ý quận 4 dùng khu cảng bỏ trống trên đường Nguyễn Tất Thành làm khu tiếp nhận F0.
Giá trị của việc cách ly F0 là tập trung chăm sóc y tế cho họ, từ đó giảm số tử vong. Cũng là cắt nguồn lây.
Nhưng thực tế nhân lực y tế có còn để đủ sức chăm lo cho cứ mỗi ngày mở mắt ra là hơn 10.000 bệnh nhân mới hay không?
Không có biện pháp riêng lẻ nào là “viên đạn bạc”
Một clip phát trên mạng xã hội cho thấy cuộc họp trực tuyến giữa Bộ Tư lệnh TP HCM với Bộ quốc phòng, cho biết TP. HCM đã chuẩn bị 30 container lạnh để chứa thi thể, nhưng cũng đã sắp đầy, do vậy phải tính đến việc chôn tập thể.
Việc chôn tập thể trong một thảm họa toàn cầu, tuy rất đau lòng nhưng không phải xa lạ với người dân toàn thế giới. Nhiều nước, trong đó có Mỹ đã phải làm như vậy, cho dù năng lực y tế cũng như tài chính của họ, Việt Nam là không thể so sánh.
Trong hoàn cảnh bi đát này, khi cả nước đã phải dốc gần cạn nguồn nhân lực vào cứu TP. HCM và Bình Dương, có nên tiếp tục xé nhỏ lực lượng y tế quý giá để đi làm những việc không còn phù hợp trong giai đoạn này như xét nghiệm đại trà và “bóc tách”?
Thay vào đó, hãy dồn mọi nhân lực và tài lực vào cứu người và ngăn chặn dịch lây lan.
Để giảm nhẹ số người lành mang trùng, nhiễm bệnh không triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ, hãy tổ chức thật tốt các đường dây tiếp nhận và tư vấn online chính thống để giúp họ tự chữa tại nhà.
Đây là đại nghiệp nhưng hiện tại nhìn vào thực tế sẽ thấy vô cùng rối loạn. Các nhóm thiện nguyện mọc lên như nấm, danh sách bác sĩ và các nhóm cung cấp ôxy miễn phí nhiều vô kể, nhưng cũng rất nhiều người khi lâm sự gọi hết nơi nọ đến nơi kia không được ai giúp đỡ vì trùng lắp, quá tải hoặc chỉ để lấy tiếng. Thậm chí trong nhóm Giúp nhau mùa dịch, vốn được lập ra với mục đích nhân đạo hết sức cao đẹp, thì từ mấy tháng nay không đếm nổi những nhà thuốc, doanh nghiệp, người bán hàng lợi dụng để tư vấn bán hàng không phù hợp hoặc giả mạo, đưa ra những đơn thuốc vô ích nhưng đắt tiền cho người đang cầu cứu.
Để cắt đứt việc giao lưu gây lây lan dịch, lực lượng quân đội và cảnh sát xin hãy tuần tra và mang hàng cứu trợ vào các khu dân cư lao động nghèo nằm sâu thăm thẳm trong những hẻm hóc, các khu trọ tồi tàn, các khu lấn chiếm trên các bãi đất hoang, bãi rác tự phát. Nơi đó thực sự cần sự trấn áp và trấn an cùng một lúc của lực lượng vũ trang.
Để người dân an tâm tuân thủ các khuyến cáo chống dịch, hãy tổ chức tốt chuỗi cung ứng thực phẩm hàng hóa.
Chỉ khi bệnh viện và khu tiếp nhận bệnh nhân vợi hẳn, lực lượng y tế đủ sức tiếp nhận, lúc đó việc cách ly F0 mới có giá trị thực chất.
Đặc biệt, mỗi phát ngôn của chính quyền TP. HCM phải đảm bảo uy tín, đừng cứ việc “chính quyền cứ phủ nhận tin đồn nào thì tin đồn đó thành sự thực” trở thành một truyền thống bền vững.
Ba ngày cuối tuần vừa qua chứng kiến một làn sóng người dân TP. HCM đổ xô chạy loạn để mua thực phẩm thuốc men về tích trữ là một cơ hội mới cho COVID lây lan. Hậu quả của việc này sẽ được nhìn thấy trong chỉ vài ngày nữa.
Những lỗ hổng chết người kể trên nếu không được chính quyền TP. HCM dũng cảm thừa nhận và cắt bỏ, hậu quả sẽ không thể nào lường được.
Bài phân tích của Nguyễn Dân Ngôn
Nguồn: https://www.rfa.org/vietnamese/news/blog/patients-have-no-bed-where-would-f0-go-08232021133213.html
___________________
Tham khảo:
https://baomoi.com/thu-tuong-co-the-den-tan-nha-xet-nghiem-trong-thoi-gian-phong-toa/c/39940921.epi
https://tienphong.vn/tphcm-benh-vien-qua-tai-ap-luc-de-nang-post1363028.tpo