Ngày 21/10, BBC Tiếng Việt bình luận “Tân Chủ tịch nước Lương Cường tuyên thệ nhậm chức: Có gì đáng chú ý?”
Theo đó, chiều 21/10, Thường trực Ban Bí thư Lương Cường đã được bầu làm Chủ tịch nước, tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa 15.
Nghị quyết bầu ông Lương Cường làm Chủ tịch nước được Quốc hội thông qua, với 440/440 đại biểu tham gia biểu quyết tán thành.
BBC cho biết, thực ra, ghế Chủ tịch nước của ông Lương Cường đã được Đảng quyết định từ trước.
Việc bầu Chủ tịch nước tại Quốc hội, chỉ là thủ tục tái khẳng định ý chí của Đảng, trong việc sắp xếp nhân sự chủ chốt.
Theo BBC, nhiệm kỳ 2021 – 2026 đã chứng kiến 4 lần tuyên thệ Chủ tịch nước, của các ông: Nguyễn Xuân Phúc, Võ Văn Thưởng, Tô Lâm và Lương Cường. Trong đó, ông Tô Lâm có nhiệm kỳ Chủ tịch nước ngắn nhất lịch sử, chỉ vỏn vẹn 5 tháng.
Đây được coi là một nhiệm kỳ đầy sóng gió, với các diễn biến trời long đất lở trong đội ngũ lãnh đạo Đảng và nhà nước.
BBC dẫn bài phát biểu sau khi nhậm chức của ông Lương Cường, theo đó, ông bày tỏ lời “cảm ơn đến Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm, các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước, đã tin cậy, giới thiệu tôi đảm nhiệm trọng trách cao cả này”.
Tân Chủ tịch nước Lương Cường cũng nói đến việc giữ gìn và tăng cường sự đoàn kết, thống nhất cao trong Đảng, và nhấn mạnh việc xây dựng nhà nước pháp quyền Xã hội Chủ nghĩa trong sạch vững mạnh, thực sự của nhân dân, do nhân dân, và vì nhân dân.
BBC cho rằng, việc ông Lương Cường làm Chủ tịch nước, có thể thấy là, ông được Trung ương xét “trường hợp đặc biệt”.
Bởi xét theo Quy định 214-QĐ/TW của Bộ Chính trị, về khung tiêu chuẩn các chức danh, để làm Chủ tịch nước, cá nhân cần tham gia Bộ Chính trị trọn một nhiệm kỳ trở lên, và “đã tham gia và hoàn thành tốt nhiệm vụ ở chức bí thư tỉnh uỷ/ thành uỷ, hoặc trưởng ban, bộ, ngành Trung ương”. Trong khi, Bộ Chính trị khóa 13 là nhiệm kỳ đầu tiên ông Lương Cường tham gia, nên ông chưa đạt yêu cầu “trọn một nhiệm kỳ Bộ Chính trị trở lên”, và ông cũng chưa từng làm lãnh đạo tỉnh hay bộ trưởng.
Đáng chú ý, BBC nhắc đến chuyến thăm Bắc Kinh khá lặng lẽ của ông Lương Cường, trước khi được bầu làm Chủ tịch nước. Tại đây, ông đã hội kiến với Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, và hội đàm với Bí thư Ban Bí thư, Chánh Văn phòng Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc Thái Kỳ.
Việc ông Lương Cường, lúc bấy giờ là Thường trực Ban Bí thư, có cuộc hội kiến với ông Tập Cận Bình, cho thấy, có một sự trọng thị từ phía Trung Quốc.
Vẫn theo BBC, tân Chủ tịch nước Lương Cường sinh năm 1957, hiện đã quá 65 tuổi, nếu ông không được vào Tứ Trụ để có suất đặc biệt tại Đại hội 14, thì ông sẽ phải về hưu. Giờ đây, với việc được bầu làm Chủ tịch nước, ông có cơ hội tiếp tục sự nghiệp chính trị ở nhiệm kỳ kế tiếp (2026 – 2031).
BBC cũng cho biết tóm tắt về tiểu sử của tân Chủ tịch nước Lương Cường. Theo đó:
Tân Chủ tịch nước Lương Cường sinh năm 1957, quê ở thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ.
Ông là Uỷ viên Bộ Chính trị khóa 13; Bí thư Trung ương Đảng khóa 12; Uỷ viên Trung ương Đảng khóa 11, 12 và 13; Đại biểu Quốc hội khóa 15.
Ông từng có thời gian học bồi dưỡng cán bộ cấp cao tại Trung Quốc (12/2011 và vào 11/2013). Ông có trình độ chuyên môn là cử nhân xây dựng Đảng và chính quyền nhà nước.
Xét quá trình công tác của ông Lương Cường, có thể thấy, con đường binh nghiệp của ông chủ yếu tập trung vào công tác chính trị, công tác Đảng. Tại Việt Nam, Đảng Cộng sản lãnh đạo toàn diện, nên vai trò của cán bộ sĩ quan chính trị trong quân đội luôn đặc biệt quan trọng.
Ý Nhi – thoibao.de