Ngày 25/10, BBC Tiếng Việt bình luận, “Lý do ông Trần Cẩm Tú được Bộ Chính trị chọn làm Thường trực Ban Bí thư”.
BBC cho biết, vị trí Thường trực Ban Bí thư nhiệm kỳ 2021 – 2026, đến nay đã 4 lần thay đổi về nhân sự.
Theo BBC, ngày 25/10, Tổng Bí thư Tô Lâm đã trao quyết định của Bộ Chính trị, phân công ông Trần Cẩm Tú – Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương, giữ chức Thường trực Ban Bí thư. Như vậy, ông Tú là người thứ 4, sau ông Võ Văn Thưởng, bà Trương Thị Mai và ông Lương Cường, giữ chức vụ này trong khoá 13.
BBC cũng cho biết, Thường trực Ban Bí thư là một chức vụ quan trọng, chỉ xếp sau “Tứ trụ”, nên tiêu chuẩn đề ra cho chức danh này cũng có những điểm tương tự các chức danh trong “Tứ trụ”.
Vẫn theo BBC, Bộ Chính trị hiện tại là khóa đầu tiên mà ông Trần Cẩm Tú tham gia, nên ông chưa thỏa mãn tiêu chí “tham gia Bộ Chính trị trọn một nhiệm kỳ trở lên”.
Tuy nhiên, Quy định 214 cũng nêu rằng Bộ Chính trị có quyền quyết “trường hợp đặc biệt” cho chức vụ này.
BBC dẫn phát biểu khi giao nhiệm vụ cho ông Tú của Tổng Bí thư Tô Lâm, nhấn mạnh rằng, Bộ Chính trị đã thống nhất rất cao, đồng ý việc phân công ông Trần Cẩm Tú đảm nhiệm chức danh Thường trực Ban Bí thư.
BBC nhận xét, dù ông Tú còn thiếu một số tiêu chuẩn theo Quy định 214, nhưng ông vẫn được phân công. Đây là do Bộ Chính trị đã áp dụng thuật ngữ vạn năng “trường hợp đặc biệt”.
Có thể ông Tú kiêm nhiệm cả 2 chức – Thường trực Ban Bí thư và Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương – có thể kéo dài từ đây tới cuối nhiệm kỳ. Nhưng cũng có thể, ông sẽ được miễn nhiệm chức chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương. Nếu vậy, Ban Chấp hành Trung ương phải triệu tập một hội nghị, để chọn người thay thế, vì đây là chức danh do Trung ương Đảng bầu, không phải do Bộ Chính trị chỉ định.
BBC lưu ý, để nắm chức danh Thường trực Ban Bí thư, thì phải thuộc Ban Bí thư. Ông Tú lại là một trong 3 ủy viên Bộ Chính trị được phân công tham gia Ban Bí thư từ đầu khóa, nên việc chọn ông cho vị trí này, sẽ không gây quá nhiều xáo trộn.
BBC dẫn phân tích của Giáo sư Carl Thayer, từ Đại học New South Wales, Úc, cho rằng, tuy Bộ Chính trị có nhiều ủy viên đi lên từ Bộ Công an, nhưng không có bằng chứng gì cho thấy, những người này một lòng đoàn kết, bắt tay nhau dưới sự chỉ đạo của ông Tô Lâm.
Ông Thayer lưu ý, Bộ Chính trị gồm các đại diện từ một số nhóm, gồm: Hưng Yên, Nghệ An – Hà Tĩnh, miền Nam, quân đội và công an.
BBC đánh giá, nếu dựa trên các nhóm mà Giáo sư Thayer gợi ý, có thể thấy, việc ông Trần Cẩm Tú được phân công làm Thường trực Ban Bí thư, là để tạo sự cân bằng giữa các nhóm, khi mỗi nhóm đều có đại diện của mình ở 5 vị trí chủ chốt của Đảng và Nhà nước.
BBC dẫn tin từ báo chí nhà nước, cho rằng, Bộ Chính trị “hoàn toàn tin tưởng ông Trần Cẩm Tú, một lãnh đạo cấp cao, đã được đào tạo cơ bản, trưởng thành từ cơ sở, có chuyên môn sâu và nhiều kinh nghiệm công tác, đã kinh qua nhiều chức vụ lãnh đạo quan trọng của Đảng ở Trung ương và địa phương”.
Cuối cùng, BBC nhắc lại, theo đánh giá của Bộ Chính trị, với cương vị Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương, ông Tú đã “cùng tập thể Ủy ban Kiểm tra Trung ương thực hiện tốt nhiệm vụ kiểm tra, giám sát, tham mưu cho Bộ Chính trị, Ban Bí thư xem xét, kết luận và xử lý nghiêm minh, kịp thời nhiều vụ việc mới, khó khăn, phức tạp, nghiêm trọng, góp phần quan trọng vào thành công của công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị, công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong thời gian qua”.
Thu Phương – thoibao.de