Việt Nam – một quốc gia đang ở trong thời bình, nhưng các lãnh đạo cấp cao trong “Tứ trụ” có đến đến 3 người là các tướng lĩnh công an và quân đội. Đồng thời, sự thiếu vắng các lãnh đạo kỹ trị được đào tạo bài bản, sẽ ảnh hưởng đáng kể trong việc phát triển kinh tế.
Theo giới phân tích, các tướng lĩnh công an và quân đội ở Việt Nam hiện nay không có nhiều khả năng về kỹ trị, do không được đào tạo để quản trị quốc gia. Điều đó sẽ tạo ra một sự ngăn cách giữa lãnh đạo Việt Nam với các chính khách của quốc gia dân chủ phương Tây.
Dưới thời của cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, lực lượng “thanh kiếm và lá chắn” là chỗ dựa quan trọng của Đảng Cộng sản Việt Nam. Tuy nhiên, việc ông Trọng quan tâm quá lớn tới lực lượng công an, đã khiến cho giới chức tướng lĩnh quân đội không hài lòng.
Việc đòi hỏi phải cân bằng quyền lực giữa công an và quân đội là nhu cầu bức thiết. Thậm chí, các tướng lĩnh quân đội được cho là mong muốn quân đội đóng vai trò trung tâm trong hệ thống chính trị Việt Nam. Việc Tổng Cục trưởng Tổng cục Chính trị Quân đội Nhân dân Việt Nam, Đại tướng Lương Cường, trở thành tân Chủ tịch nước là thắng lợi đáng kể của phe quân đội.
Có ý kiến cho rằng, thừa thắng xốc tới, phe quân đội đang thể hiện xu hướng sẽ nắm giữ các vị trí lãnh đạo trong hệ thống chính quyền cấp địa phương. Đó là các chức danh Bí thư, Chủ tịch các tỉnh và thành phố. Ý kiến này căn cứ vào việc, mới đây Thượng tướng Nguyễn Doãn Anh, một trong 3 tướng lĩnh vừa được phong quân hàm“cú chót” trong cuộc tháo lui của ông Tô Lâm, đã trở thành Tân Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Thanh Hóa.
Đây là lần đầu tiên, một thượng tướng quân đội vừa được phong cấp sau 5 ngày, đã chuyển sang lãnh đạo chính quyền cấp tỉnh. Công luận thắc mắc, Thượng tướng Nguyễn Doãn Anh sẽ hưởng lương của chức vụ Bí thư tỉnh ủy, hay theo cấp bậc Thượng tướng hoặc cả 2?
Việc sử dụng tướng lĩnh quân đội làm lãnh đạo cấp tỉnh như trường hợp tướng Nguyễn Doãn Anh, đã khiến người ta liên tưởng đến vấn đề an ninh mất ổn định. Như dưới thời Đệ nhất Việt Nam Cộng hòa, chính quyền đã bổ nhiệm hàng loạt tướng lĩnh, sĩ quan trong vai trò Tỉnh trưởng, hay Quận trưởng.
Trong bộ máy quản lý nhà nước hiện nay, các lãnh đạo cấp cao của ngành Công an đang nắm giữ các vị trí Bí thư, Chủ tịch các tỉnh và thành phố trên cả nước với số lượng không nhỏ. Đây là một trong những lý do, số lượng ủy viên Trung ương và ủy viên Bộ Chính trị có gốc là công an, luôn luôn áp đảo các ngành khác, cũng như áp đảo cả bên quân đội.
Đến nay, do quá lép vế trước phe công an nên phe quân đội mới bừng tỉnh, và theo suy đoán, tới đây họ sẽ cũng chơi bài tương tự. Quân đội sẽ bắt đầu triển khai chiếm lĩnh mặt trận này, không chỉ ở cấp tỉnh, thành phố, mà còn ở các bộ ngành trung ương. Tới đây, các tướng lĩnh Quân đội sẽ xuất hiện trong bộ máy lãnh đạo nhà nước nhiều hơn.
Nếu đúng như suy đoán, thì điều đó sẽ khiến cho vấn đề “vũ trang hóa” bộ máy chính quyền, ngày càng tệ hại hơn trước đây. Điều đáng nói, các tướng lĩnh quân đội không được đào tạo về kiến thức, cũng như nghiệp vụ quản lý nhà nước sẽ rất khó khăn trong công việc mới của mình.
Hơn thế nữa, với tác phong chỉ huy của giới chức quân đội sẽ khác xa với phong cách lãnh đạo của giới chức dân sự. Từ đó sẽ nảy sinh sự độc đoán, độc tài kiểu “Chỉ bàn làm, không bàn lùi”, như Thủ tướng Phạm Minh Chính khi nói về dự án Đường sắt Cao tốc Bắc Nam.
Việt Nam vốn đã thiếu vắng các khuôn mặt có khả năng kỹ trị trong bộ máy lãnh đạo nhà nước, đến nay lại xuất hiện xu hướng mới, đó là sự lãnh đạo của giới chức tướng lĩnh quân đội.
Đây là điều sẽ khiến cho các nhà đầu tư ngoại quốc nghi ngại và đặt câu hỏi về tính ổn định của chính trị Việt Nam. Đó là điều lợi bất cập hại.
Trà My – Thoibao.de