Quản lý nhà nước ôm đồm và chồng chéo nhưng không hiệu quả

Ngày 13/10, RFA Tiếng Việt đăng bài bình luận “Nghìn mắt nghìn tay” của blogger Nguyễn Nhơn.

Tác giả cho biết, cuối tháng 8/2024, Thành ủy Hà Nội ban hành một chỉ thị rất cảm động lòng người. Nội dung là tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng đối với bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm trong tình hình mới.

“Tình hình mới” ở đây được giải thích là, tuy trong nhiều năm qua, các cấp đã tập trung lãnh đạo, và tổ chức thực hiện bằng nhiều giải pháp cấp bách, nhưng vấn đề này vẫn còn nhiều hạn chế. Cho nên, hệ quả là phải tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng.

Nhưng, tác giả đánh giá, theo quy định của pháp luật, Chính phủ từ lâu đã có hẳn một bộ máy quản lý an toàn thực phẩm, vô cùng dày đặc, theo cả chiều dọc lẫn chiều ngang, từ Trung ương đến tận cấp huyện/ thị.

Nếu bộ máy quá tải, hoặc gặp khó khăn trong công việc, thì trách nhiệm giải quyết cao nhất chính là Chính phủ. Chính phủ có thể thành lập thêm đơn vị, thêm người, thêm tiền, thêm quyền để bộ máy này hoạt động hiệu quả hơn.

Nếu họ tắc trách, vi phạm, tham ô… đã có luật pháp xử lý.

Tác giả nêu vấn đề: Vậy, cớ gì phải có thêm một bộ máy thứ 2 đồ sộ không kém là Đảng, để chỉ làm cái việc “lãnh đạo, chỉ đạo, đốc thúc” bộ máy đồ sộ thứ nhất làm việc?

Tác giả cũng nêu một vụ việc khác, đó là, một ông cựu Bí thư của một tỉnh, cách Hà Nội khá nhiều km, ngay ở mảnh đất được mang một cái tên anh hùng trong thời kháng chiến – đất Đồng Khởi Bến Tre, bị phát giác ăn hối lộ một cách ổn định, bền vững, năm sau cao hơn năm trước, khiến dư luận chấn động.

Tác giả nhắc lại, theo báo chí Việt Nam, theo đó, từ năm 2018, khi ông Lê Đức Thọ còn là Tổng giám đốc, Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng Vietinbank, thì Công ty Xuyên Việt Oil đã liên tiếp hối lộ cho ông Thọ rất nhiều tiền và nhiều hiện vật đắt tiền, để được các ưu đãi trong vay vốn, hay phân bổ dự án có vốn Nhà nước.

Tác giả cũng nhắc đến một vụ làm ăn khác, vào năm 2021, khi giấy phép kinh doanh xăng dầu hết hạn, nhưng không đủ điều kiện để được cấp lại, Xuyên Việt Oil thông qua Nguyễn Lộc An – Vụ phó Vụ thị trường trong nước (Bộ Công thương), nhờ cấp trên của An “giúp đỡ”.

Theo cáo trạng, Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải đã giới thiệu cho Xuyên Việt Oil gặp Hoàng Anh Tuấn – Vụ phó Vụ thị trường trong nước, và chỉ đạo Vụ này “giúp đỡ” doanh nghiệp.

Tác giả liệt kê các quan chức tham nhũng khác, trong vụ nâng khống giá que test Covid-19, có cựu Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long; cựu Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học – Công nghệ các ngành kinh tế – kỹ thuật, Bộ Khoa học Công nghệ Trịnh Thanh Hùng; cựu Trợ lý Phó Thủ tướng Nguyễn Văn Trịnh.

Theo tác giả, sinh thời, Tổng Tịch Nguyễn Phú Trọng liên tục khẩn thiết kêu gọi trách nhiệm làm gương của đảng viên, cán bộ lãnh đạo. Nhưng, mặc cho nhiều năm “đốt lò” rừng rực, trong tất cả các vụ tham nhũng quy mô khủng khiếp, đều có sự cấu kết chặt giữa rất nhiều ngành, nhiều cấp bậc, nhiều người.

Trái lại, tác giả nhận xét, thực tế, các cán bộ, đảng viên lãnh đạo, đã không còn có tự trọng, không còn xem hối lộ là phạm tội. Từ rất lâu rồi, họ xem tham nhũng mới chính là đạo lý, là trách nhiệm, là nghĩa vụ với bản thân và gia đình. Nếu bị bắt đi tù, thì cũng chỉ như một chuyến nghỉ dưỡng.

Cuối cùng, tác giả kết luận, nếu cơ quan các cấp tập trung lo rửa sạch mắt mũi chân tay, đừng đam mê tăng cường chỉ đạo, như “nghìn mắt, nghìn tay”, thì chắc không có chuyện sờ đâu là thấy ổ ghẻ đó, như chuyến bay giải cứu, Vạn Thịnh Phát, đăng kiểm, Kit test Covid-19, nhóm tướng lĩnh Cảnh sát biển…, và bế vào tù hàng ngàn tinh hoa của Đảng, trụ cột của đất nước, như đã diễn ra.

 

Xuân Hưng – thoibao.de