Cách đưa tin khác biệt giữa báo chí quốc tế và Việt Nam, trong chuyến thăm của ông Putin

Ngày 20/6, BBC Tiếng Việt bình luận “Ông Putin tới Việt Nam: Quốc tế nói gì khác với báo chí Việt Nam?”

Theo đó, việc Tổng thống Nga Vladimir Putin đến Việt Nam được báo giới không chỉ trong nước mà cả quốc tế quan tâm. Cách tiếp cận và đưa tin về sự việc cũng có sự khác biệt.

BBC cho biết, viết về chuyến thăm của ông Putin, nhiều tờ báo trong nước tập trung vào mối quan hệ truyền thống lâu dài giữa Việt Nam và Nga, cũng như những hợp tác kinh tế, quốc phòng giữa hai nước.

Cụ thể:

Ngày 19/6, báo Nhân dân đăng tải bài viết của chính ông Putin, với nhan đề “Nga và Việt Nam: Tình hữu nghị được thử thách qua thời gian”.

Trong bài viết, ông Putin đã cảm ơn “lập trường cân bằng” của Việt Nam về cuộc chiến ở Ukraine.

Ngày 20/6, báo Tiền Phong có bài phản ánh lại nội dung của nhiều tờ báo quốc tế, về chuyến thăm Việt Nam của ông Putin. Tuy nhiên, bài viết đã lược bỏ đi các phần đánh giá tiêu cực, chỉ trích dẫn các đánh giá tích cực.

BBC nhận xét, nếu chỉ đọc báo Tiền Phong, người đọc có thể nghĩ rằng, “báo chí quốc tế” đánh giá rất cao quan hệ Việt Nam – Nga, cũng như chuyến thăm của ông Putin. Trên thực tế, các đánh giá của báo chí nước ngoài nói chung rất đa chiều, bao gồm cả tích cực, tiêu cực lẫn những đánh giá rất gay gắt.

BBC dẫn nhận định của Giáo sư Alexander L Vuving, từ Hoa Kỳ, cho rằng:

“Sự biểu lộ của người dân Việt Nam đối với Tổng thống Putin sẽ là thứ mà chính quyền kiểm soát rất ngặt nghèo. Thành ra, người nào mà thích Nga và hoan hô Putin thì sẽ được thoải mái.”

“Thế nhưng những người không thích Putin mà thậm chí là muốn phản đối thì sẽ không có đất để thể hiện được cái chuyện đó.”

BBC cho rằng, nếu nhìn sang báo chí quốc tế, thì người đọc có thể thấy được nhiều khía cạnh khác.

BBC dẫn bài viết ngày 19/6, trên báo Al Jazeera, bà Lê Thu Hường – Phó Giám đốc Chương trình châu Á, Tổ chức Khủng hoảng Quốc tế, nói rằng, quan hệ giữa Việt Nam và Nga “sâu đậm” hơn, chứ không chỉ là đối tác an ninh quốc phòng.

“Họ từng ở cùng một phía của lịch sử, họ chia sẻ cùng một lý tưởng chống lại chủ nghĩa tư bản và đế quốc phương Tây. Di sản của lý tưởng chung này vẫn đang tồn tại” – bà nói.

BBC đề cập đến sự phản đối gay gắt của Mỹ, được nhắc tới trong một bài viết ngày 20/6, trên tờ Financial Times.

Tuy nhiên, bài viết này cũng cho rằng, đường lối ngoại giao “cây tre” của Việt Nam đã thành công, khi liên tục đón tiếp Mỹ, Trung Quốc, và giờ là Nga.

Bài viết này dẫn lời ông Lê Hồng Hiệp, nhà nghiên cứu thuộc một Viện Nghiên cứu ở Singapore, nói rằng, chuyến thăm này sẽ “có lợi cho ông Putin hơn là cho Việt Nam”, khi thể hiện rằng, vẫn còn quốc gia đang chào đón ông.

BBC cũng nhắc đến bài viết ngày 17/6, trên Reuters, đề cập đến tuyên bố gay gắt của người phát ngôn Đại sứ quán Mỹ tại Hà Nội, đồng thời dẫn nhận định của Giáo sư Carl Thayer, rằng:

“Chuyến thăm của ông Putin tới Bắc Hàn và Việt Nam nhằm thể hiện rằng các nỗ lực cô lập Nga từ phương Tây đã không thành công, rằng Nga vẫn có đối tác ở châu Á.”

BBC cho hay, bài viết ngày 20/6, trên trang Fulcrum của Viện nghiên cứu ISEAS cho rằng:

“Truyền thông Nga khả năng cao là sẽ quảng cáo chuyến thăm lần này, là một chiến thắng ngoại giao trước Mỹ, nhằm đánh tiếng rằng, Việt Nam chưa hoàn toàn chuyển sang phe Mỹ.”

Ngoài ra, bài viết đánh giá rằng, Tổng Trọng có thể coi việc đón tiếp ông Putin là một thành tựu của đường lối ngoại giao “cây tre”.

Bài viết cũng dẫn quan điểm của Giáo sư Vuving, cho rằng:

“Vấn đề buôn bán vũ khí thì tôi nghĩ là sẽ không có trong công bố chính thức của chuyến thăm, nhưng chắc chắn sẽ được nói trong bí mật, vì Việt Nam rất cần vũ khí của của Nga để mà bảo vệ chủ quyền ở Biển Đông.”

Một bài báo khác được BBC đề cập, đăng ngày 20/6 trên Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng, dẫn lời Giáo sư Chris Miller, tại Trường Luật và Ngoại giao Fletcher thuộc Đại học Tufts (Mỹ), cho rằng, Nga đã đưa nhiều vũ khí, vốn được dự tính để xuất khẩu, tới chiến trường ở Ukraine.

Theo bài viết này, đang có một dấu hỏi về khả năng cung cấp vũ khí của Nga, sau khi ngành công nghiệp nước này phải tìm kiếm “hỗ trợ từ Trung Quốc, Triều Tiên và Iran để duy trì cỗ máy chiến tranh của mình tại Ukraine”.

 

Quang Minh – thoibao.de