“Đồng sàng dị mộng” vẫn luôn là hội chứng kinh niên trong quan hệ Việt – Trung

Ngày 20/10, blog Hoàng Trường trên VOA Tiếng Việt bình luận: “Hội chứng kinh niên quan hệ Việt – Trung: Đồng sàng dị mộng”.

Tác giả cho biết, tuy sự phụ thuộc lẫn nhau về kinh tế ngày càng tăng, nhưng thiếu hụt lòng tin là một yếu tố quyết định, cản trở sự phát triển của quan hệ song phương. “Đồng sàng dị mộng” vẫn là “hội chứng kinh niên” trong mối quan hệ Việt – Trung.

Tác giả lưu ý, các tuyên bố về căng thẳng ở Biển Đông, tại Hội nghị cấp cao Đông Á (EAS), từ ngày 8 đến ngày 11/10, tại Lào, cũng như chuyến thăm Hà Nội của Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường, từ ngày 12 đến 14/10, là bối cảnh của bức tranh thay đổi nhanh chóng quan hệ giữa Trung – Việt.

Điều khác biệt rõ nhất giữa Việt Nam và Philippines, tại các cuộc họp vừa nêu, là thái độ và cách hành xử.

Tác giả nhận xét, Philippines dẫn đầu trong việc chỉ trích các hành động bất hợp pháp và nguy hiểm của Bắc Kinh tại Biển Đông, kêu gọi các nước cần có kết luận ngay lập tức về Bộ quy tắc ứng xử COC, để giải quyết các xung đột trên biển trong khu vực.

Tổng thống Marcos của Philippines đã chủ động nêu vấn đề Biển Đông, trong hầu hết các phiên thảo luận, nói rằng “hơn một nửa” các thành viên của khối đã đề nghị giúp đỡ Philippines.

Trong khi, tác giả mỉa mai, Thủ tướng Phạm Minh Chính vẫn lặp lại “bài ca đi cùng năm tháng” , vẫn là “nỗ lực thúc đẩy đối thoại, hợp tác và xây dựng lòng tin…, gia tăng điểm đồng, giảm thiểu bất đồng, tôn trọng khác biệt, hướng đến tương lai…”.

Tác giả dẫn đánh giá của Tiến sĩ Ian Storey, Viện Nghiên cứu Đông Nam Á tại Singapore, về chính sách quyết liệt của Philippines, cho rằng, Philippines đạt được cả 2 mục tiêu: tạo sự ủng hộ quốc tế đối với việc bảo vệ quyền chủ quyền, và khiến người dân Philippines nhận thức được sự hung hăng của Bắc Kinh, trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Manila.

Trái lại, tác giả dẫn ý kiến của nhà phân tích Derek Grossman, thuộc Viện nghiên cứu Rand của Mỹ, cho rằng, kể từ năm 2020 đến nay, Việt Nam chọn cách tiếp cận theo hướng ngược lại so với Philippines. Hà Nội đã đạt được các thỏa thuận ngầm với Bắc Kinh, là không công khai hóa các xung đột, giải quyết các bất đồng và căng thẳng giữa 2 nước trong hậu trường.

Tác giả đánh giá, đây thực chất là một thỏa hiệp nguy hiểm.

Tác giả dẫn nhận định của Giáo sư Vuving, từ Mỹ, cho rằng, từ hàng chục năm nay, ASEAN và Trung Quốc đã thương thảo Bộ Quy tắc Ứng xử ở Biển Đông COC, nhưng đã không đạt được thỏa thuận nào đáng kể. Lý do: Trung Quốc tham vọng quá nhiều, và gần như vi phạm mọi nguyên tắc cơ bản của Luật Biển Quốc tế. Trong khi, một số nước ASEAN, đặc biệt là Việt Nam và Philippines, muốn rằng, COC phải đi đúng tinh thần của Luật Quốc tế, nhất là phải tuân thủ UNCLOS – 1982.

Tác giả cũng lưu ý, Trung Quốc rõ ràng vừa là đối tượng, vừa là đối tác của Việt Nam. Với Tuyên bố chung ngày 14/10 tại Hà Nội, Bắc Kinh tiếp tục biến Việt Nam thành quân bài trên “Con đường tơ lụa mới”. Mặc dầu vẫn còn ý kiến khác nhau trên thượng tầng lãnh đạo, nhưng Việt Nam dường như vẫn “tình nguyện”, để Trung Quốc xây dựng đường sắt Bắc – Nam.

Theo tác giả, sau nhiều năm cân nhắc, vấn đề hợp tác đường sắt đã được nhấn mạnh trong Tuyên bố chung ngày 20/8, nhân chuyến công du Trung Quốc của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm. Bức tranh chung được đánh dấu bởi tham vọng phát triển đường sắt của Việt Nam, muốn tận dụng nguồn vốn dồi dào bên phía Trung Quốc.

Tác giả nhận định, dù cùng hệ tư tưởng chính trị, Việt Nam và Trung Quốc vẫn luôn bị ám ảnh bởi sự ngờ vực và mâu thuẫn, trong các tương tác song phương. Chiến lược hợp tác của Việt Nam với Trung Quốc bao gồm “vừa hợp tác vừa đấu tranh”.

 

Xuân Hưng – thoibao.de