Ván cờ Nguyễn Phú Trọng sắp đặt, Tô Lâm hì hục gỡ!

Sau khi Ban Bí thư đổi chủ, một số người cũng đã rời đi. Trong đó, ông Nguyễn Hòa Bình đã sang Chính phủ làm Phó Thủ tướng Thường trực. Mới đây, ông Lương Cường – Đại tướng Quân đội, người được Nguyễn Phú Trọng đưa về Ban Bí thư, cũng đã rời Ban Bí thư để sang ghế Chủ tịch nước.

Ngược lại, ông Nguyễn Duy Ngọc và ông Trần Lưu Quang được Tô Lâm mang về Ban Bí thư. Trong đó, ông Ngọc đã được kết nạp vào Ban Bí thư, còn ông Quang thì đang đợi ông Tô Lâm sắp xếp.

Như vậy, rõ ràng, khi Ban Bí thư đổi chủ, có 2 dòng chảy nhân sự trái ngược nhau diễn ra. Người của ông Trọng lần lượt ra đi, còn người của ông Tô Lâm thì lũ lượt chuyển về. Tuy nhiên, vẫn còn đó những người của ông Trọng “nằm lì”, bám trụ tại Ban Bí thư. Đây chính là những nhân tố khiến ông Tô Lâm “đau đầu”, trong vấn đề sắp xếp nhân sự cho “căn nhà” của ông.

Đáng ngại nhất là ông Trần Cẩm Tú và ông Phan Đình Trạc.

Ông Tú vừa mới ngồi vào ghế Thường trực Ban Bí thư do ông Lương Cường để lại. Và rất có thể, ông Tú sẽ kiêm nhiệm 2 chức trong Ban Bí thư, như bà Trương Thị Mai trước đây. Đây lại là cơ hội lớn để ông Trần Cẩm Tú củng cố quyền lực.

Đáng lẽ, khi ông Tú nhận chức Thường trực Ban Bí thư, thì ông phải trả lại chức Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương. Tuy nhiên, ông Tú chưa nhả và có khả năng ôm cả 2 ghế. Nếu ông Tú có thể ôm 2 ghế, thì rất có thể, hoặc ông đủ mạnh để ra giá với ông Tô Lâm; hoặc quân của Tô Lâm quá mỏng, không đủ nhân sự để thay thế những chỗ bị bỏ trống.

Nhưng dù vì lý do gì, thì vẫn có một điều rõ ràng, đó là, ông Tô Lâm chưa đủ mạnh để dọn đi những di sản mà ông Trọng để lại. Nếu ông không cẩn thận, thì ngay trong “sân nhà” của ông, cũng có đầy “quân địch” đồn trú.

Phan Đình Trạc và Trần Cẩm Tú là 2 nhân vật tiềm ẩn nguy hiểm cho ông Tô Lâm. Cho đến nay, lực lượng Hưng Yên của ông vẫn chưa thể động đến 2 nhân vật này.

Về số lượng uỷ viên Bộ Chính trị, thì Nghệ An – Hà Tĩnh và Hưng Yên bằng nhau. Nhưng số lượng uỷ viên Trung ương Đảng, thì Hưng Yên “lép vế”. Vì thế, đến Đại hội 14, rất có thể, số ủy viên Bộ Chính trị của Nghệ An và Hà Tĩnh lại tăng lên, đè áp lực lên nhóm Hưng Yên.

Không phải ông Tô Lâm không muốn gỡ ván cờ do ông Trọng để lại. Có lẽ, ông vẫn đang hì hục gỡ, nhưng vẫn chưa thành công. Đặc biệt là việc làm cách nào để hạ Phan Đình Trạc và Trần Cẩm Tú – 2 nhân vật đầu đàn của nhóm Nghệ – Tĩnh.

Thật ra, ông Tô Lâm đã cho bắt ông Nguyễn Văn Yên – cấp phó của ông Phan Đình Trạc để khai thác, và cũng đã tấn công vào Công ty Cây xanh Công Minh – sân sau của ông Trần Cẩm Tú. Vậy mà, 2 nhân vật này vẫn trụ vững tại Ban Bí thư, thậm chí, ông Trần Cẩm Tú còn ngã giá được với ông Tô Lâm, để nhảy vào ghế Thường trực Ban Bí thư đầy quyền lực.

Nhân sự do ông Nguyễn Phú Trọng để lại thì khó bị “đuổi đi”, trong khi, nhân sự để thay thế trong tay ông Tô Lâm cũng chưa đủ. Nói chung, tuy nhóm Hưng Yên đang mạnh nhất, nhưng lực lượng vẫn còn quá mỏng, chưa đủ để thiết lập nên sức mạnh vô đối. Thậm chí, bài toán Hưng Yên hóa Ban Bí thư vẫn không hề dễ dàng, chứ nói đến việc Hưng Yên hóa “Tứ trụ”, hay Hưng Yên hóa quân đội.

Ông Tô Lâm đang vạch ra lộ trình, để đưa ông Nguyễn Duy Ngọc vào Bộ Chính trị, đồng thời trở thành cấp phó cho ông trong Ban Bí thư. Tuy nhiên, mục tiêu này vẫn còn xa. Ban Bí thư vẫn là đất diễn cho những con cờ mà ông Trọng để lại trong nhiều năm nữa.

 

Hoàng Phúc – Thoibao.de