Chỉ trong vòng vẻn vẹn có 35 ngày, 2 nhân vật “hạt giống” được Tổng Trọng dày công nâng đỡ và dìu dắt, để kế nhiệm ông sau khi ông rút lui, đã đã bị đánh gục.
Việc Võ Văn Thưởng và sau đó là Vương Đình Huệ bị buộc phải làm đơn từ chức, cho thấy uy quyền của Tổng Trọng đã suy giảm nghiêm trọng.
Một nguồn thạo tin từ Hà Nội, mới đây đã cho thoibao.de biết, ông Vương Đình Huệ đã bị cấm xuất cảnh, và ngày 27/4 đã bắt đầu bàn giao tất cả hồ sơ, giấy tờ liên quan đến các hoạt động của Quốc Hội.
Đồng thời, kể từ ngày 1/5 trở đi, ông Huệ buộc phải thực hiện các yêu cầu cụ thể như sau:
“Không được tham dự trả lời phỏng vấn báo chí trong nước và quốc tế; cấm tham gia các hoạt động có tổ chức, gây ảnh hưởng đến Đảng và nhà nước; không được phép đi nước ngoài, trừ trường hợp đi chữa bệnh ở nước ngoài, thì phải báo cáo để bố trí người đi theo giám sát”.
Những yêu cầu này khá đặc biệt và nhạy cảm, chưa từng áp dụng cho các lãnh đạo “Tứ trụ” bị mất chức trước đây, hoặc có áp dụng nhưng bảo mật tốt, không bị lộ ra công luận. Dấu hiệu bất thường này đã cho thấy, có thể, ông Huệ đã phạm vào một trọng tội nào đó, và sẽ bị xử lý nghiêm khắc hơn.
Trên mạng xã hội, nhiều ý kiến cho rằng, khả năng cao, ông Trọng sẽ chủ động đệ đơn xin về hưu, vì lý do sức khỏe. Tuy nhiên, có nhiều ý kiến khác lại cho rằng, rất có thể, ông Trọng sẽ bị ép về hưu theo đề nghị của Bộ Công an.
Theo thông lệ, Hội nghị lần thứ 9 Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khóa 13, dự kiến sẽ khai mạc vào trung tuần tháng 5/2024. Đây là một Hội nghị thường niên 2 kỳ trong một năm, theo quy định.
Trên một số diễn đàn chính trị, đã có thông tin từ các nguồn thạo tin cho hay, Bộ trưởng Tô Lâm đang vận động các lãnh đạo chủ chốt trong Đảng, thống nhất để có thể ra một Nghị quyết của tập thể Bộ Chính trị, về việc “xem xét trách nhiệm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong công tác cán bộ, với tư cách người đứng đầu.”
Trong bối cảnh chính trường Việt Nam hết sức rối ren như hiện nay, ông Tô Lâm không cần dấu diếm, đã và đang nỗ lực, gấp rút bằng mọi giá, quyết tâm “soán ngôi, đoạt vị”, ép Tổng Trọng phải rút lui khỏi chính trường, và nhường quyền lãnh đạo tối cao cho ông.
Khi phát động cuộc chiến “đốt lò”, với mục đích làm trong sạch Đảng, nhưng kết quả cho thấy, Tổng Trọng càng đánh thì tham nhũng càng tăng, và nội bộ Đảng be bét chưa từng thấy. Các quan chức lãnh đạo cấp cao lại là những kẻ phạm tội lớn nhất, như 2 nhân vật thân tín của ông Tổng là Võ Văn Thưởng và Vương Đình Huệ.
Theo giới quan sát, lý do buộc Tổng Trọng phải chủ động rời chức vụ, liên quan đến “trách nhiệm chính trị”, trong tư cách là người đứng đầu Đảng Cộng sản Việt Nam, như những lãnh đạo đã từ chức, là Nguyễn Xuân Phúc, Phạm Bình Minh, Võ Văn Thưởng và Vương Đình Huệ.
Với sức mạnh vô đối của ông Tô Lâm hiện nay, theo giới quan sát, tất cả các lãnh đạo trong Bộ Chính trị, cũng như ở mọi cấp, mọi ngành, đều đang run sợ, lo lắng. Bởi không ai biết, khi nào sẽ tới phiên họ bị Bộ Công an gọi tên, như các nhân vật lãnh đạo đã bị khởi tố và bắt giam gần đây.
Theo giới quan sát, việc ông Thưởng và ông Huệ bất ngờ “ngã ngựa” đã cho thấy, tất cả các lãnh đạo cấp cao của Đảng không ai thực sự trong sạch. Và việc hồi tố để lật lại hồ sơ “nhúng chàm” trong quá khứ, thì động đến ai chết người ấy, kể cả Tổng Trọng.
Bộ Công an hạ bệ liên tiếp 2 nhân vật “Tứ trụ”, là Võ Văn Thưởng và Vương Đình Huệ, vốn là những nhân vật thân cận của ông Trọng, mà Tổng Trọng phải bất lực khoang tay đứng nhìn. Điều đó cho thấy, phe của Tổng Trọng cũng như phe Nghệ Tĩnh, đã không còn đủ uy lực và sức mạnh để đối phó với Bộ Công an.
Có ý kiến cho rằng, Tổng Trọng – người đứng đầu Đảng, đồng thời là Bí thư Quân ủy Trung ương, là nhân vật bất khả xâm phạm, và Tô Lâm sẽ không dám đụng tới. Tuy nhiên, khi Điều lệ Đảng còn không được chính người đứng đầu Đảng tôn trọng, thì ông Tô Lâm có gì phải ngại? Thực tế, Tổng Trọng đã ngồi lên Điều lệ Đảng để giữ ghế Tổng Bí thư đến 3 nhiệm kỳ, thì chức Bí thư Quân ủy Trung ương cũng chẳng còn có ý gì. Nghĩa là, quyền lực luôn thuộc về kẻ mạnh.
Giới quan sát quốc tế mới đây đã đánh giá, quyền lực tối thượng trên chính trường Việt Nam đã và đang rơi vào bộ máy an ninh – cảnh sát của ông Tô Lâm, người đứng đầu Bộ Công an. Vì thế, việc ông Trọng phải ra đi là điều hoàn toàn có thể.
Chúng ta hãy chờ xem./.
Trà My – Thoibao.de