Bộ Công an mới chỉ ra thông báo bắt Nguyễn Duy Hưng – Chủ tịch Tập đoàn Thuận An. Tuy nhiên, nhân vật được nhiều người chờ đợi bị cho vào “lò” nhất lại là Phạm Thái Hà – Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, kiêm Trợ lý Chủ tịch Quốc hội. Nguồn tin riêng cho biết, chiều ngày 12/4, khi tháp tùng ông Vương Đình Huệ đi chầu Thiên Triều về đến sân bay quốc tế Nội Bài, thì ông Hà đã bị lính của Tô Lâm cho mời về trụ sở Cơ quan Điều tra Bộ Công an, để làm việc. Thông tin cho biết, ông Hà bị tạm giam 2 ngày để lấy lời khai.
Vai trò của Phạm Thái Hà là kết nối cho những dự án được khởi động, và điểm đến cuối cùng của dòng tiền đầu tư là phần lại quả rót về tay Hà, sau đó được Hà giao cho sếp. Phạm Thái Hà là mối dây kết nối từ quan chức chính quyền địa phương đến Vương Đình Huệ; đồng thời cũng kết nối từ chính quyền địa phương với Nguyễn Duy Hưng, rồi sau đó thu nhận phần lại quả của dự án, do Nguyễn Duy Hưng phân phối lại.
Được biết, Phạm Thái Hà sinh năm 1976, quê Tiền Hải, tỉnh Thái Bình. Hà có học vị tiến sĩ kinh tế; là kiểm toán viên chuyên về lĩnh vực tài chính, ngân hàng. Hà từng kinh qua các chức vụ: Thư ký Tổng Kiểm toán Nhà nước; Thư ký Bộ trưởng Bộ Tài chính; hàm Vụ trưởng, Thư ký Trưởng ban Kinh tế Trung ương; Trợ lý Phó Thủ tướng Chính phủ; Trợ lý Bí thư Thành ủy Hà Nội; Trợ lý Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ. Tất cả các chức vụ mà Phạm Thái Hà có được trong gần 20 năm qua, đều là chức vụ bên cạnh ông Vương Đình Huệ. Có thể nói, Hà chính là “tay hòm chìa khóa” cho Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ.
Nếu nói Đặng Trung Hoành – Chánh Văn phòng Huyện ủy huyện Mang Thít, tỉnh Vĩnh Long, là “tử huyệt” của Võ Văn Thưởng, thì Phạm Thái Hà cũng có vai trò tương tự và ở mức độ cao hơn, đối với ông Vương Đình Huệ.
Tô Lâm chỉ khai thác được vụ ông Hoành nhận 64 tỷ đồng từ Chủ tịch Tập đoàn Phúc Sơn, để xây nhà thờ tổ cho ông Thưởng, mà đã đủ để hạ bệ Võ Văn Thưởng. Trong khi đó, thông tin ngoài luồng cho biết, ông Phạm Thái Hà đã nhận đến 2.000 tỷ, lớn hơn con số 64 tỷ của Đặng Trung Hoành rất nhiều. Chỉ cần xoáy vào số tiền này, thì đã thừa sức để hạ ông Huệ. Bởi không có cái uy, cái quyền và yêu cầu từ ông Vương Đình Huệ, thì ông Hà không đủ khả năng khiến người ta phải đưa cho ông đến 2000 tỷ đồng. Hãy chờ xem miệng của Phạm Thái Hà cứng, hay “biện pháp nghiệp vụ” của lính Tô Lâm cứng hơn.
Tô Lâm bắt Hậu “Pháo” và Đặng Trung Hoành để lấy bằng chứng trưng ra trước Bộ Chính trị, còn thông báo trước báo chí thì chỉ nói rằng: “Tại cơ quan điều tra, Hậu khai đưa tiền cho nhiều người, trong đó có Đặng Trung Hoành. Hậu chuyển cho Hoành số tiền 64 tỉ. Bước đầu, Hoành khai sử dụng số tiền này vào nhiều mục đích khác nhau”. Công an không đả động gì đến sự liên quan của Hậu “Pháo” và Võ Văn Thưởng.
Trường hợp Nguyễn Duy Hưng và Phạm Thái Hà cũng tương tự, Tô Lâm chỉ cần bằng chứng để đưa ra trước Bộ Chính trị là đủ. Nếu Vương Đình Huệ tự nguyện rút lui, thì Tô Lâm cũng chỉ cho thông báo với báo chí về sai phạm của 2 đệ tử kể trên.
Trò chơi chính trị là thế. Kẻ chủ mưu chỉ bị mất quyền lực, còn tiền của dân mà họ chiếm được qua tham nhũng, thì không thu hồi được.
Hiện tình hình chốn cung đình đang rất căng, Tô Lâm quyết ép Ủy ban Kiểm tra Trung ương phải ra tay với Vương Đình Huệ. Nếu bằng chứng chưa đủ thuyết phục, rất có thể, Tô Lâm sẽ cho bắt thêm người. Xem ra, Vương Đình Huệ đang rơi vào tình cảnh tứ bề thọ địch, mà hướng nào cũng chỉ có một kẻ địch duy nhất – đó là Tô Lâm.
Không biết, Vương Đình Huệ còn trụ được bao lâu? Hãy chờ xem kết quả trong thời gian tới.
Hoàng Anh – Thoibao.de