Con đường ăn cướp của quan: Trấn lột dân giao BOT, BOT lại quả đậm cho “lãnh đạo”!

Ngày 20/3, báo Vnexpress cho biết, Bộ Giao thông Vận tải đề xuất Chính phủ bố trí 10.650 tỷ đồng, hỗ trợ 8 dự án BOT gặp khó khăn. Tiền ngân sách là tiền thuế của dân. Như vậy, Bộ Giao thông Vận tải làm chính sách theo kiểu “ăn cướp”, lấy tiền dân trao cho các nhà đầu tư BOT.

Doanh nghiệp tư nhân, làm ăn lãi lỗ tự chịu, tại sao lại có chuyện nhà nước bắt dân phải bù lỗ? Vậy thì, khi các doanh nghiệp BOT làm ăn có lời, họ có chia tiền lời đó cho dân không, mà khi họ thua lỗ thì nhà nước lại bắt dân phải bù lỗ cho họ?

Đây là cách làm chính sách cướp tiền dân một cách trắng trợn. Tại sao, Bộ Giao thông Vận tải lại dám trắng trợn đến như vậy? Điều này cho thấy, Đảng Cộng sản đang ngày một loạn hơn. Giờ đây, họ không cần giữ hình ảnh trước dân nữa, mà mạnh ai nấy vơ vét. Họ đã không còn e ngại về sự phản ứng của người dân, vì sao lại như thế?

Tháng trước, Luật sư Đặng Đình Mạnh cho biết, Facebooker Phương Ngô – người từng nhiệt tình đấu tranh chống BOT bẩn đã bị chính quyền Cộng sản “phong sát”, và hiện nay, cô bị buộc phải ẩn danh hoàn toàn trên mạng xã hội. Xem như, những tiếng nói cuối cùng phản đối BOT bẩn cũng không thể cất lên được. Xem như, ý đồ diệt sạch tiếng nói phản đối của người dân đã thành công, và đó là một trong những lý do khiến Bộ Giao thông Vận tải không cần e dè gì nữa, mà trắng trợn làm chính sách cướp tiền dân giao cho BOT.

Với những dự án BOT bẩn, trước đây, họ trực tiếp lùa dân để trấn lột, nhưng đã bị phản đối quyết liệt. Nay, họ đã nghĩ ra cách cao tay hơn, đó là, thông qua chính sách nhà nước để tước lấy tiền thuế của dân, rồi giao cho BOT.

Với một Quốc hội của dân, dù một chính sách sai trái có trình lên Chính phủ, nhưng với vai trò giám sát, Quốc hội có thể ngăn cản.

Tuy nhiên, Quốc hội Việt Nam có đến hơn 95% là đảng viên Đảng Cộng sản, trong đó, không ít người đang hưởng lợi từ BOT. Trong vai trò “đại biểu” của dân, nhưng họ không hề đại diện cho nguyện vọng của dân. Vì vậy, người dân không có cách nào để ngăn cản được những chính sách trấn lột dân như thế này.

Thật ra, những doanh nghiệp đầu tư BOT hầu hết là doanh nghiệp sân sau của quan chức. Vì vậy, hoàn toàn dễ hiểu khi quan chức làm ra chính sách cướp tiền của dân, để trao tay các chủ BOT, rồi từ đó, nhận “hoa hồng”, “lại quả” từ các chủ BOT. Mọi chính sách để cướp tiền của dân, trong mọi lĩnh vực, đều cùng một mục đích như thế.

Ở các nước khác, quốc lộ là những con đường mà nhà nước phải xây dựng, và người dân được sử dụng miễn phí. Chỉ có đường cao tốc, với mục đích phục vụ cho nhu cầu đi lại nhanh chóng hơn, thì mới đầu tư theo hình thức BOT có thu phí.

Tuy nhiên, ở Việt Nam, nhà nước tự xưng là “của dân, do dân, và vì dân” lại bán cả đường quốc lộ cho những doanh nghiệp sân sau, chặn dân để thu phí cầu đường BOT. Đấy là một hình thức trấn lột dân. Đã vậy, vì lòng tham không đáy, nhóm lợi ích giao thông còn làm chính sách móc tiền thuế của dân, để rót vào túi của các chủ BOT, với mục đích nhận lại tiền ăn chia.

Thật chưa có chế độ nào lại dám cướp trên đầu dân táo tợn như chế độ này.

Mỗi khi quan chức thực hiện chính sách ăn cướp, mà người dân không phản ứng, thì sau đó, họ sẽ làm những chính sách táo tợn hơn, cướp nhiều hơn. Bởi hầu hết, quan chức Cộng sản đều là những kẻ có “lòng tham không đáy”.

Trên thượng tầng thì chỉ lo đấu đá quyết liệt, chẳng màng gì tới trách nhiệm với dân với nước. Họ ngồi trên những chiếc ghế quyền lực chỉ để vơ vét, chứ không phải để thi thố tài năng và phục vụ đất nước. Cứ cướp, cứ trấn lột dân, nhưng ngoài miệng lại lên giọng nói đạo lý, rồi tự xem là người “có đạo lý”, “có trách nhiệm”. Ai bị khui thì người đó phải gánh lấy tai tiếng, ai chưa bị khui thì đều là “cán bộ gương mẫu”, là “lãnh đạo có năng lực”.

Đất nước toàn là người vĩ đại lãnh đạo, người kiệt xuất lãnh đạo vv… nhưng dân thì khốn khổ, đất nước ngập trong đói nghèo.

 

Trần Chương – Thoibao.de