Húc nhau trên cao tốc Cam Lộ – La Sơn: Vì sao Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng phải chịu trách nhiệm?
Vụ tai nạn trên cao tốc Cam Lộ – La Sơn ngày 18/2 khiến 3 người tử vong và 3 người khác bị thương, đã cho thấy sự thiếu an toàn của nhiều tuyến đường được gọi là “cao tốc” tại Việt Nam.
Theo giới chuyên gia, vụ việc vừa kể đã từng được cảnh báo nhiều lần, trong các thiết kế đối với đường cao tốc ở Việt Nam, đặc biệt là ở khu vực miền Trung.
Theo đó, cao tốc Cam Lộ – La Sơn (Thừa Thiên – Huế) đã được đưa vào hoạt động từ cuối năm 2022, tuy nhiên, vị trí nơi xảy ra tai nạn là một đoạn đường không có dải phân cách bê tông, và chỉ có một làn xe cho mỗi chiều.
Nếu căn cứ vào quy định Tiêu chuẩn Việt Nam – TCVN số 5729:2012, ban hành ngày 30/5/2012, về tiêu chuẩn “thiết kế đường ô tô cao tốc, thì rõ ràng, tuyến đường này hoàn toàn không đáp ứng được Tiêu chuẩn Việt Nam, chứ chưa nói đến Tiêu chuẩn Quốc tế.
Trên mạng xã hội, một số người đánh giá rằng, tài xế đã quá vội vàng và chủ quan khi cho xe vượt lên phía trước. Nhưng số đông bày tỏ quan ngại về cung cách thiết kế đường cao tốc như hiện tại, và cho rằng:
“Cao tốc mà làm thắt nút kiểu như thế, thì thà chưa có còn tốt hơn, vì đang vượt xe ở tốc độ cao, bất ngờ đường hẹp lại đột ngột, thì rất dễ xảy ra tai nạn.”
Báo Tuổi Trẻ ngày 15/2/2023 đưa tin, Thủ tướng Phạm Minh Chính sau chuyến kiểm tra các dự án giao thông đầu năm, đã yêu cầu dừng đầu tư cao tốc 2 làn xe, do sự lãng phí nguồn lực và thời gian nâng cấp, mở rộng.
Theo Thủ tướng Chính: “quy hoạch đường cao tốc phải có tầm nhìn dài hạn, tổng thể (tiêu chuẩn hoàn thiện tối thiểu 4 làn xe, đủ làn dừng khẩn cấp, vận tốc thiết kế 80 – 100km/h”.
Theo VnExpress, vào tháng 7/2023, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã giao nhiệm vụ cho Bộ Giao thông Vận tải nghiên cứu, mở rộng cao tốc Cam Lộ – La Sơn lên 4 làn xe, với chiều rộng 23m. Tuy nhiên, tới nay, trong tổng số 98,3 km chiều dài của tuyến cao tốc này, mới chỉ có khoảng 10 km có 4 làn đường.
Thời điểm năm 2020, sau khi nhận được kiến nghị của cử tri tỉnh Quảng Trị về việc mở rộng cao tốc Cam Lộ – La Sơn, Bộ Giao thông Vận tải đã nêu rõ trong văn bản trả lời:
“Bộ Giao thông Vận tải xin ghi nhận ý kiến của cử tri, đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Trị, và sẽ căn cứ nguồn vốn được Quốc hội, Chính phủ phân bổ trong giai đoạn 2021 – 2025, quy định của pháp luật về đầu tư công, để báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét quyết định việc đầu tư hoàn chỉnh đoạn đường bộ cao tốc Cam Lộ – La Sơn, với quy mô 4 làn xe theo đúng quy hoạch đã được phê duyệt.”
Nghiêm trọng hơn, nhà báo Linh Hoàng, cựu phóng viên báo Tuổi Trẻ, đã tiết lộ trên trang Facebook cá nhân rằng, Bộ Công an đã cảnh báo, đề nghị hạ cấp khai thác cái gọi là “cao tốc”, mà thực chất chỉ là đường cấp 3. Theo đó, tháng 10/2023, Bộ Công an từng có công văn cảnh báo:
“Cao tốc Cam Lộ – La Sơn chỉ có 2 làn xe, bề rộng đường 23m, không có dải phân cách giữa, không có làn dừng khẩn cấp, cứ 10km bố trí 1 đoạn vượt xe có quy mô 4 làn; đoạn đường này tương đương đường cấp III đồng bằng.”
Đồng thời, Bộ Công an còn đề nghị Bộ Giao thông Vận tải hạ cấp khai thác đoạn Cam Lộ – La Sơn, đảm bảo đúng quy định. Với lý do thực tế hiện nay, tuyến Cam Lộ – La Sơn và tuyến La Sơn – Túy Loan có kết cấu hạ tầng và hệ thống tổ chức giao thông giống nhau, nhưng công bố khai thác khác nhau. Điều đó không phù hợp và gây khó khăn cho việc bố trí lực lượng trong công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông.
Vẫn theo công văn của Bộ Công an, “Phương án tổ chức giao thông tạm thời trên tuyến này đã hết hạn từ ngày 30/6/2023, đến nay (tháng 10/2023) chưa có phương án mới thay thế, nên hệ thống báo hiệu giao thông không còn hiệu lực để phục vụ khai thác hoạt động giao thông và xử lý vi phạm, giải quyết tai nạn giao thông”.
Những điều kể trên đã cho thấy, đơn vị và các cá nhân phải chịu trách nhiệm chính chắc chắn là Bộ Giao thông Vận tải và Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng.
Được biết, Bộ trưởng Thắng là một chính khách trẻ, sinh năm 1973, từng giữ chức Tổng Giám đốc và Chủ tịch Hội đồng Quản trị VietinBank.
Xin nhắc lại, trước Hội nghị Trung ương 8 khóa 13 (tháng 10/2023), báo Tiếng Dân cho hay:
“Tin hành lang cho biết, cựu Bí thư Bến Tre Lê Đức Thọ đã nhiều lần phân bua rằng, ông ta bị “đánh hội đồng”, và làm sao ông ta giàu bằng Lê Minh Hưng – cựu Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, đương kim Chánh Văn phòng Trung ương Đảng.
Lê Đức Thọ cũng nói rằng, ông ta không giàu bằng người tiền nhiệm, ông Nguyễn Văn Thắng, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Ngân hàng VietinBank giai đoạn 2014 – 2018, và hiện nay, ông Nguyễn Văn Thắng là Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải.”
Công luận thấy rằng, những điều vừa kể cho thấy, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thắng là người phải chịu trách nhiệm cao nhất, về việc vô trách nhiệm và buông lỏng quản lý.
Nhưng khả năng cao, Bộ trưởng Thắng vẫn thoát tội theo đúng quy trình./.
Trà My – Thoibao.de