Vấn đề Biển Đông là lợi ích cốt lõi của Trung Quốc, nên Trung Quốc dứt khoát phải lôi kéo bằng được Việt Nam trở thành thành viên của “cộng đồng chung vận mệnh” với Trung Quốc. Bởi Việt Nam là quốc gia có đường bờ biển dài ở Biển Đông và đóng vai trò cửa ngõ ra biển đối với Trung Quốc.
Việc Thủ tướng Campuchia Hun Manet tới thăm Việt Nam trước một ngày so với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình là việc không bình thường. Ông Hun Manet thăm Việt Nam trong 2 ngày 11 và 12/12; còn ông Tập thăm Việt Nam ngày 12 và 13/12.
Giới quan sát nhận định rằng: “Khả năng cao sẽ cuộc đàm phán tay ba giữa Tập Cận Bình, Hun Manet với giới chức lãnh đạo Hà Nội.”
Trước đó, truyền thông quốc tế ngày 8/12 đưa tin, “Tàu chiến Trung Quốc có mặt tại căn cứ hải quân Ream của Campuchia để “huấn luyện’”, kèm theo nhận định, “Cho đến nay, không có tàu chiến nước ngoài nào được biết là đã được phép tiếp cận căn cứ hải quân Ream.”
Ở khu vực Đông Nam Á hiện nay, Việt Nam vẫn chưa trở thành thành viên của “cộng đồng chung vận mệnh” với Trung Quốc, trong khi đó, các quốc gia như Myanmar, Thái lan, Indonexia, Lào và Campuchia, đã “đồng thuận” từ lâu.
Được biết, từ năm 2019, Trung Quốc đã có những phát biểu và hành động tỏ rõ chủ trương, Bắc Kinh muốn gắn kết mang tính định mệnh, coi hướng đi của các quốc gia Đông Nam Á và Trung Quốc gắn chặt với nhau.
Mới đây, BBC dẫn ý kiến các chuyên gia, khẳng định rằng, Trung Quốc đã muốn Việt Nam tham gia “cộng đồng chung vận mệnh” trong chuyến thăm của Chủ tịch Tập Cận Bình từ năm 2017. Cho nên, không phải là điều khó hiểu, nếu trong chuyến thăm Hà Nội lần này, Chủ tịch Trung Quốc sẽ đặt lại vấn đề “cộng đồng chung vận mệnh” với lãnh đạo Việt Nam, trong bối cảnh quan hệ Việt – Trung vẫn phát triển ổn định, bất chấp các bất đồng trên Biển Đông.
Với những căng thẳng ở Biển Đông, Việt Nam có thể trở thành mối đe dọa làm tan vỡ hy vọng của Trung Quốc, trong việc duy trì vị thế chiến lược, để cạnh tranh với Hoa Kỳ trên trường quốc tế. Điều này buộc Trung Quốc phải hết sức quan tâm và “giải quyết” triệt để vấn đề “cộng đồng chung vận mệnh” với Việt Nam.
Đó là lý do, tại sao việc Việt Nam có gia nhập “cộng đồng chung vận mệnh” trong chuyến thăm lần này của Chủ tịch Tập Cận Bình hay không, chính là vấn đề mấu chốt. Việt Nam buộc phải chấp nhận đưa khái niệm “cộng đồng ching vận mệnh” vào trong Tuyên bố chung Việt Nam – Trung Quốc, sẽ được coi là sự thừa nhận chính thức của Hà Nội, đối với nền tảng “trật tự mới” của Bắc Kinh.
Giới phân tích khẳng định, chắc chắn, cuối cùng Hà Nội “cũng phải nhắm mắt đưa chân”, gia nhập “cộng đồng chung vận mệnh” với Trung Quốc cùng 5 quốc gia Asean.
Như vậy, có thể thấy, Trung Quốc rất nỗ lực và quyết tâm, lôi kéo bằng được Việt Nam, buộc Hà Nội phải trở lại vòng kiểm tỏa của Trung Quốc. Khi mà trước đó, Việt Nam có các biểu hiện nghiêng về phương Tây và Hoa Kỳ, đồng nghĩa với việc rời xa Bắc Kinh.
Trung Nam Hải buộc phải để Tập Cận Bình “xuất tướng”, để thể hiện sự thân thiết hơn trong mối quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc, nhưng theo kiểu chính sách ngoại giao nước lớn – “cây gậy và củ cà rốt”.
Việc Thủ tướng Campuchia Hun Manet tới thăm Việt Nam, có 1 ngày trùng với lịch trình của Tập Cận Bình thăm, đó là ngày 12/12, làm dấy lên những đồn đoán cho rằng, rất có thể, sẽ có một cuộc gặp ba bên Việt Nam, Trung Quốc và Campuchia.
Sự có mặt của Thủ tướng Hun Manet tại cuộc họp tay 3 (nếu có), là thông điệp cứng rắn của Tập Cận Bình và Ban lãnh đạo Bắc Kinh chính thức đưa ra với Hà Nội. Theo đó, nếu Việt Nam tiếp tục liên minh với phương Tây và Hoa Kỳ để bao vây Trung Quốc, thì Trung quốc sẽ sử dụng con bài Campuchia, lập tức bao vây Việt Nam.
Hơn nữa, các động thái gần đây của Campuchia càng khẳng định nhận định trên hoàn toàn có cơ sở. Ví dụ như việc Campuchia đang triển khai kế hoạch xây dựng kênh đào Phù Nam Techo, nối từ sông Mekong ra vịnh Thái Lan. Điều này sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng tới đồng bằng sông Cửu Long, huỷ hoại môi trường sinh thái và nhiều hệ luỵ khác ở đây.
Ngoài ra, Campuchia còn cho phép Trung Quốc sử dụng quân cảng Ream, mà thực chất là một căn cứ quân sự của Trung Quốc đặt ở nước ngoài. Căn cứ này có thể uy hiếp trực tiếp khu vực Tây Nam của Việt Nam.
Với Bắc Kinh, nếu Hà Nội có biểu hiện liên kết với nước khác, nhằm thoát ra khỏi vòng kiềm toả của Trung Quốc cũng như đi ngược lại những tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc, thì họ sẽ lập tức sử dụng vũ lực quân sự đối với Việt Nam ngay và luôn.
Trong quá khứ, vào cuối năm 1978, Trung Quốc kích động Kh’me Đỏ tấn công biên giới Tây Nam Việt Nam. Sau đó, Đặng Tiểu Bình đã phát động tấn công trên toàn tuyến biên giới Bắc Việt Nam vào tháng 2/1979, ngay sau khi Việt Nam ký kết hiệp định liên kết với Liên Xô, để chống lại Trung Quốc.
Do đó, khi thấy Việt Nam trở nên thân với phương Tây và Hoa Kỳ hơn, thì Trung Quốc sử dụng con bài Campuchia để kiềm chế, cảnh báo, đồng thời nhắc Việt Nam chớ dại mà rời xa Trung Quốc.
Đổi lại, khả năng cao, Trung Quốc sẽ đưa ra các kế hoạch tài trợ, cho Việt Nam vay vốn để xây dựng cơ sở hạ tầng, trong khuôn khổ Sáng kiến Vành đai Con đường. Đây là kế sách nhất tiễn hạ song điêu, vừa là miếng mồi nhử, vừa buộc thêm cho Việt Nam một món nợ mới, tương tự như Đường sắt Cát Linh Hà Đông.
Hơn nữa, Việt Nam và Trung Quốc có chung ý thức hệ Cộng sản, cùng có mô hình chính trị và kinh tế. Việt Nam được coi là một bản copy của Trung Quốc.
Vì vậy, việc Bắc kinh sẽ quyết tâm lôi kéo bằng được Hà Nội gia nhập “cộng đồng chung vận mệnh”, với Trung Quốc là điều dễ hiểu và khó có thể đảo ngược được./.
Trà My – Thoibao.de