Chung vận mệnh với Trung Quốc: Vì sao Trọng biết mặt thật của Tập, nhưng vẫn phải “nhắm mắt đưa chân”?

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình thăm Việt Nam ngày 12/12, với sứ mệnh cao cả. Đó là lôi kéo và bắt buộc Hà Nội phải trở lại vòng cương tỏa của Trung Quốc. Việc lịch trình của chuyến thăm đã bị thay đi đổi lại, kèm theo hàng loạt các hoạt động ngoại giao “con thoi” của giới chức đối ngoại hàng đầu Trung Nam Hải, đã cho thấy điều đó.

Kể cả, gần đến phút chót, Đại sứ Trung Quốc tại Hà Nội – Hùng Ba – đã ngửa con bài tẩy “Hợp tác kết nối Đường sắt giữa hai nước”. Theo đó, Việt Nam – Trung Quốc muốn kết nối đường sắt qua tuyến Hà Khẩu (Vân Nam, Trung Quốc) đến Lào Cai, Hà Nội và kết thúc ở cảng Hải Phòng của Việt Nam.

Đây là hệ thống đường sắt khổ rộng, tiêu chuẩn quốc tế 1.435mm, đường ray đôi và được điện khí hóa. Dự kiến, dự án này sẽ được khởi công trước năm 2030.

Ngoài ra, Đại sứ Hùng Ba còn cho biết, Bắc Kinh “sẵn sàng viện trợ không hoàn lại, giúp Việt Nam nâng cấp và cải tạo tuyến đường sắt từ Quảng Tây qua Đồng Đăng đến Hà Nội”.

Dường như, ban lãnh đạo Bắc Kinh đã sử dụng tất cả các chiêu trò, cứng có, mềm có, kể cả vừa đấm vừa xoa… Nhưng cho đến khi Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cùng Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng, trong lễ đón chính thức Tập Cận Bình và phu nhân, thì thái độ của Tổng Bí thư Trọng đã thể hiện rõ sự bằng mặt nhưng không bằng lòng.

VTC News online, do truyền thông nhà nước Việt Nam quản lý, mô tả cuộc tiếp đón của Trọng đối với Tập, cũng thấy “Đây là chuyến thăm Việt Nam thứ 3 của ông Tập Cận Bình trên cương vị Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc. Các chuyến thăm trước đó là vào các năm 2015, 2017. Việt Nam là quốc gia thứ 2 ông Tập Cận Bình công du trong năm nay, mà không kết hợp các hoạt động đa phương”.

Đã không có cuộc gặp ba bên, Trung Quốc – Campuchia – Việt Nam, để họ Tập cao giọng dạy dỗ lãnh đạo Hà Nội như đồn đoán?

Theo giới chuyên gia, trong lịch sử hàng ngàn năm của Trung Quốc, không bao giờ có đồng minh, mà chỉ có thuộc quốc và các quốc gia chư hầu. Điều đó ai cũng biết.

Cho nên, với chiêu bài, “Cộng đồng chung vận mệnh”, khi Trung Nam Hải nói rằng, sáng kiến này sẽ đem lại hoà bình, đồng thời sẽ kết nối các quốc gia, không phân biệt chế độ chính trị. Và cam kết, Trung Quốc sẽ không không can thiệp vào công việc nội bộ của các quốc gia khác.

Thì thử hỏi ai còn dám tin, kể cả Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng, một kẻ mang danh “thái thú” của Trung Quốc, cho đến bây giờ cũng phải lắc đầu.

Đến nay, bộ mặt thật của Tập Cận Bình và Ban lãnh đạo Bắc Kinh – những kẻ sói đội lốt cừu – đã từng đánh lừa cả thế giới, với những ngôn từ xảo trá đạo đức giả, đã hiện nguyên hình.

Khái niệm “chung một vận mệnh” đối với phương Đông, như Việt Nam và Trung Quốc, có nghĩa là sống chết có nhau, “có phúc cùng hưởng, có họa cùng chịu”, hay “một con ngựa đau cả tàu bỏ cỏ”.

Trong khi, Trung Quốc không tham gia bất kỳ liên minh nào, không liên kết với bất cứ quốc gia nào, thì thử hỏi, họ có thật lòng với chính sách “cộng đồng chung vận mệnh” này hay không?

Hay nó chỉ là một thứ bánh vẽ lừa đảo thế giới. Dư luận cho rằng, làm gì có chuyện loài hổ báo như Trung Quốc lại muốn chung sống hoà bình với nhân loại.

Trung Quốc muốn xây dựng một “cộng đồng chung vận mệnh”, nhưng họ không hề đề cập tới những vấn đề ràng buộc, những cam kết để bảo vệ các quốc gia “cùng chung vận mệnh” là như thế nào. Hay là, trong “cộng đồng chung vận mệnh”, Bắc Kinh chỉ áp đặt luật chơi của nước lớn, áp đặt các chính sách đơn phương, sẵn sàng lật lọng với các đối tác bất kỳ lúc nào.

Được biết, trước chuyến thăm Việt Nam, ngày 10/12, Chủ tịch Tập Cận Bình có một bài viết quan trọng trên Nhân dân Nhật Báo. Trong bài viết này, ông Tập đã đưa ra khái niệm 4 “kiên trì”, dùng để xử lý trong quan hệ giữa hai nước Việt Nam và Trung Quốc.

Cụ thể: Kiên trì tin cậy lẫn nhau; Kiên trì hài hòa lợi ích; Kiên trì hữu nghị, thân thiết; và Kiên trì đối xử chân thành.

Theo giới phân tích, cái gọi là “4 kiên trì” đó cho thấy, Tập Cận Bình và Ban lãnh đạo Trung Nam Hải đã hiểu ra rằng, mối quan hệ Việt – Trung đang ở trong tình trạng, lãnh đạo 2 nước thiếu tin cậy, không chân thành, không hữu nghị, không hài hoà lợi ích, khiến Hà Nội phải “chào anh, em ngược”.

Chắc chắn, đến lúc này, Ban lãnh đạo Đảng Cộng sản Việt Nam, dưới sự dẫn dắt và lèo lái của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, đã thừa hiểu tim đen và bản chất của giới lãnh đạo Trung Quốc. Họ ý thức được, trước sau gì thì Bắc Kinh cũng sẽ bắt buộc “những đứa con hoang đàng” phải lệ thuộc, để kìm hãm sự phát triển của Việt Nam.

Nhưng, theo giới thạo tin, Trung Quốc đang nắm giữ rất nhiều những bí mật “động trời” có thể khiến chế độ Việt Nam “lật nhào” trong một nốt nhạc, nếu họ bạch hoá.

Vì thế, đó là lý do, dẫu biết, song Ban lãnh đạo Việt Nam có lẽ vẫn phải chấp nhận cùng “chung vận mệnh” với Trung Quốc, để bảo vệ chế độ?

Chúng ta hãy chờ xem!./.

Trà My – Thoibao.de