Trong chuyến đi Trung Quốc tham dự Diễn đàn Cấp cao Hợp tác Quốc tế Vành đai và Con đường vừa qua, ông Võ Văn Thưởng – Chủ tịch nước do Đảng Cộng sản Việt Nam đưa lên – đã bị ông Tập Cận Bình nhắc nhở, rằng cả hai nước không được quên “ý định ban đầu về tình hữu nghị Việt – Trung.”
Một hãng tin quốc tế cho biết, ông Tập nhắc nhở ông Thưởng về chuyện Việt Nam “nên tuân thủ nguyên tắc tham vấn chung”. Trung Quốc và Việt Nam “nên tận dụng sự gần gũi về mặt địa lý và các ngành công nghiệp bổ sung”.
Hãng tin này cũng cho biết, các quan chức Việt Nam và Trung Quốc đang ráo riết chuẩn bị cho chuyến thăm khả dĩ của ông Tập tới Hà Nội, vào cuối tháng này hoặc đầu tháng sau, đồng thời hoàn tất một tuyên bố chung sẽ được công bố trong chuyến thăm này.
Quan hệ Việt Nam Trung Quốc là quan hệ bất bình đẳng. Việt Nam bao giờ cũng ở cửa dưới, bởi lãnh đạo Đảng Cộng sản Việt Nam không tự lực tự cường được như lãnh đạo đảo quốc Đài Loan. Hơn nữa, Bắc Kinh luôn tự xem họ là đàn anh nếu đứng trên quan hệ giữa 2 đảng, và là thiên triều đứng trên quan hệ giữa 2 nhà nước.
Cho nên, khi ông Võ Văn Thưởng sang Bắc Kinh, thì rõ ràng, ông Thưởng đang ở vị thế của người “cấp dưới” so với ông Tập, chứ không phải là đồng cấp ngang hàng. Ngay cả ông Nguyễn Phú Trọng cũng ở thế dưới khi gặp ông Tập, chứ nói gì đến ông Thưởng.
Trong clip ghi âm lời ông Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Hà Kim Ngọc, trước các cựu quan chức Cộng sản ở Câu lạc bộ Thăng Long, đã cho biết, khi Việt Nam mời Tổng thống Mỹ Joe Biden sang thăm, thì phía Bộ Chính trị cũng đã cử người sang Trung Quốc, thông báo cho ông Tập biết.
Cách hành xử theo kiểu làm gì cũng phải khai báo với đàn anh, khai báo với thiên triều, đã cho thấy, Đảng Cộng sản Việt Nam tự đặt Đảng Cộng sản Trung Quốc trên đầu mình.
Tuy nhiên, có vẻ như ông Tập Cận Bình vẫn không hài lòng, nên ông đã hoãn chuyến thăm Việt Nam, dự kiến vào cuối tháng 10. Cứ như, ông Tập muốn quyết luôn chính sách đối ngoại với Mỹ của Đảng Cộng sản Việt Nam vậy.
Dự án Vành đai và Con đường của ông Tập Cận Bình là một sợi dây trói. Nó trói những quốc gia nghèo, khiến những quốc gia này lệ thuộc vào Trung Quốc, bởi bên trong những gói vay để làm dự án đấy, là những bẫy nợ khó thoát.
Đặc biệt, với đất nước có tỷ lệ tham nhũng cao như Việt Nam, thì rất dễ dính bẫy nợ, rồi sau đó buộc phải giao những dự án lại cho Trung Quốc thuê 99 năm để trừ nợ, như cảng Hambantota ở Sri Lanka.
May cho Việt Nam là người dân đã đồng loạt đứng dậy phản đối Dự luật đặc khu, nên Đảng Cộng sản Việt Nam mới chần chừ, chưa dám nhào đầu vào các dự án Vành đai và Con đường của Tập.
Tuy nhiên, sau chuyến thăm của ông Võ Văn Thưởng, thì phía Trung Quốc lại đưa ra đề nghị để họ làm tuyến đường sắt cao tốc Bắc – Nam. Trung Quốc từng nhảy vào Dự án đường sắt đô thị Cát Linh – Hà Đông, nhưng chất lượng công trình này rất tệ, lại trễ tiến độ đến 12 lần, kéo dài 10 năm và đội vốn hơn 100% so với ban đầu.
Chưa biết phản ứng của lãnh đạo Việt Nam như thế nào trước đề nghị của Tập. Tuy nhiên, theo đánh giá của một số nhà phân tích, thì Việt Nam khó mà từ chối. Bởi lời đề nghị này có áp lực chính trị, chứ không đơn giản chỉ là vấn đề kinh tế.
Mới đây, Bộ Giao thông Vận tải trình kế hoạch dự toán cho suất đầu tư của dự án đường sắt cao tốc Bắc Nam, là từ 38 đến 42 triệu USD/km. Đây là suất đầu tư rất cao nếu so sánh với suất đầu tư của Trung Quốc cho đường sắt cao tốc nội địa của họ, chỉ từ 15 đến 18 triệu USD/km.
Với dự toán như thế mà dự định mời Trung Quốc vào nhận thầu, thì không khác nào, Bộ Giao thông Vận tải dọn cỗ cho bạn vàng xơi. Tất nhiên, bạn vàng ăn cơm thì quan chức nhà ta cũng có “cháo” mà húp. Mà “cháo” của dự án lên đến 60 tỷ USD thì khối tiền, ăn bao đời không hết.
Ý Nhi – Thoibao.de