Ngày 26/1/2021, trong kỳ họp Tổng kết nhiệm kỳ khóa XII và nhìn lại 35 năm đổi mới, ông Nguyễn Phú Trọng lúc đó đang ngồi hai ghế, đã cao hứng khẳng định: “Đất nước ta chưa bao giờ có được tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”. Đáng nói là, trong lần “chém gió” này, cụ Tổng cũng nói rằng, “tham nhũng, tiêu cực, suy thoái trong Đảng từng bước được kiềm chế”.
Không biết, tiềm lực đất nước lớn đến đâu mà không dám thẳng thắn kiện Trung Quốc ra tòa án quốc tế, như Philippines đã làm. Không biết, tiềm lực và uy tín lớn đến đâu mà không dám cứng rắn đối đầu với Trung Quốc, như Đài Loan nhỏ bé đã làm.
Không biết, khi thốt lên những câu tự sướng như thế, thì ông Trọng có nhớ đến việc ông bị Brazil từ chối tiếp, trong chuyến thăm Cuba và Brazil vào tháng 4/2012. Lý do bên Brazil từ chối tiếp, được họ đưa ra là, “không thu xếp được thời gian”.
Được biết, trước đó, phía Brazil đã lên lịch đón tiếp ông Nguyễn Phú Trọng. Tuy nhiên, họ đã hủy chuyến thăm của ông, sau khi ông chém gió ở Cuba về “Chủ nghĩa Xã hội”. Không biết, ông Trọng có thấy rằng, thế giới không xem Đảng Cộng sản Việt Nam ra gì hay không?
Có nhận xét nói rằng, không cần nghe những gì ông Tổng nói, mà hãy xem giá trị của tấm hộ chiếu Việt Nam, thì biết, vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế như thế nào. Hiện nay, ngoài các nước trong khối Asean miễn visa cho công dân Việt Nam, thì những nước khác cũng miễn visa cho công dân Việt Nam, đều là nước rất nghèo.
Mới đây, Việt Nam đã đề nghị Nhật Bản xem xét miễn visa cho công dân Việt Nam, nhưng xem ra là khó. Bởi uy tín của Việt Nam không đủ để Nhật miễn visa.
“Uy tín của Việt Nam” trên trường quốc tế còn thể hiện ở thái độ của Chính phủ Đức đối với chính quyền Việt Nam. Họ xem Đảng Cộng sản Việt Nam chẳng khác nào băng đảng tội phạm, sau khi ông Nguyễn Phú Trọng cho Tô Lâm sang tận Berlin bắt cóc Trịnh Xuân Thanh.
Còn câu nói “tham nhũng, tiêu cực, suy thoái trong Đảng từng bước được kiềm chế” của ông Tổng, giờ đây, hiện thực đã chứng minh qua các vụ đại án như Việt Á, chuyến bay giải cứu, AIC… Ngoài ra, các quan lớn như Nguyễn Đức Chung – cựu Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội, hay Tất Thành Cang – cựu Phó Bí thư Thường trực thành phố Hồ Chí Minh – là những ví dụ rõ nét nhất. Ông Trọng càng chống thì tham nhũng tiêu cực càng bùng.
Có vẻ như, Tổng Trọng không mở mắt khi ông mở lời “chém gió”.
Hôm 14/10, tại buổi tiếp xúc cử tri các quận Đống Đa, Ba Đình, Hai Bà Trưng, trước kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, ông Trọng lại tiếp tục chém rằng: “Cơ chế của Việt Nam tôi cho là ưu việt nhất trong thời đại bây giờ”.
Có vẻ như, câu nói của ông Tổng không phải là câu nói của người tỉnh táo. Bởi chỉ cần mở mắt ra để soi cái thể chế của Đảng, thì ông đã không thể nói những lời như vậy.
Thời nhà Tần ở bên Trung Quốc, có quan thái giám tên là Triệu Cao khuynh đảo triều chính, xem vua và quần thần chẳng ra gì. Ỷ mình có quyền lực tuyệt đối, Triệu Cao chỉ con hươu bảo rằng đó là con ngựa, thì cả vua và bá quan văn võ đều phải gật đầu nói đó là “ngựa”. Có lẽ, cách nói của ông Tổng ngày nay cũng tương tự cách nói của Triệu Cao ngày xưa chăng?
Bởi ở vị thế vô đối của ông thì ai dám nói ông sai? Hệ thống báo chí không dám nói đã đành, mà thường dân, nếu dám nói ông sai, thì sẽ bị Tô Lâm xua quân đến nhà và mời “kẻ chống trời” lên đồn để xử lý.
Lời nói của ông Trọng trước dân cho thấy, chính ông đang duy ý chí. Ông nói thế thì nó phải thế. Cho nên, việc ông chống tham nhũng cũng là cách chống của người duy ý chí. Ông chống theo cách của ông và chẳng nghe ai khuyên cả.
Ai nói thể chế này sinh ra tham nhũng, muốn chống tham nhũng thì cải cách thể chế chính trị, thì ông cho nếm mùi lao tù ngay. Có thể nói, ông Trọng hay nói những câu “không tỉnh táo”, nhưng mà là cái không tỉnh táo của một ông vua. Ông chỉ hươu nói ngựa thì dân cũng phải nghe.
Ý Nhi – Thoibao.de