Link Video: https://youtu.be/7b_56WuAzug
Cuối 2021, đúng vào dịp 30 năm Liên Xô giải tán, chính quyền Việt Nam tổ chức một hội thảo quan trọng về chính trị cho tương lai nước này.
Có tên là hội nghị bàn về đề án “Chiến lược xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045“, các lãnh đạo Việt Nam nói đến nhu cầu “dân chủ“, “pháp luật” và chất lượng của bộ máy công quyền.
Hội nghị tụ họp nhiều lãnh đạo cao cấp nhất của chính quyền, gồm Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc (khai mạc, chủ trì), Thủ tướng Phạm Minh Chính, cùng một số Ủy viên Bộ Chính trị và 100 chuyên gia, nhà khoa học được giới thiệu là “hàng đầu” trong trong lĩnh vực nhà nước pháp luật ở Việt Nam.
Các giá trị phổ quát và đặc thù
Lần đầu tiên trong nhiều tháng, lãnh đạo Việt Nam đề cập trực tiếp đến các giá trị phổ quát của nhân loại như dân chủ, nhân quyền, tuy vẫn nhắc tới sự lãnh đạo của Đảng CS VN.
Nội dung của hội nghị, theo trang VOV hôm 11/12/2021 về đề án này nhấn mạnh đến ba yếu tố quan trọng trong xây dựng Nhà nước pháp quyền:
Thứ nhất là vấn đề dân chủ, được coi là linh hồn, sinh khí của nhà nước pháp quyền;
Thứ hai là vấn đề pháp luật, cụ thể là câu chuyện thể chế phát triển;
Thứ ba là chất lượng công chức trong bộ máy pháp quyền, gồm cả năng lực, đạo đức, phẩm chất, uy tín.
Đáng chú ý hơn cả, Chủ tịch Phúc nói rằng Việt Nam đang dịch chuyển từ mô hình “chuyên chính vô sản” (khái niệm Leninist kiểu cũ-BBC), sang Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa.
Theo ông, việc áp dụng tiêu chuẩn nhà nước pháp quyền của thế giới vào thực tiễn Việt Nam, “vừa mang đầy đủ những giá trị phổ quát, chuẩn mực của một nhà nước pháp quyền, vừa mang những nét đặc thù chính trị, kinh tế, văn hóa của Việt Nam“.
Thủ tướng Phạm Minh Chính gần đây cũng nói trực tiếp về nhân quyền.
Theo các báo Việt Nam trích thuật hôm 06/12/2021, ông Chính nói “nhân quyền lớn nhất ở Việt Nam là lo cho 100 triệu dân ấm no và hạnh phúc, dân chủ, cuộc sống bình yên…”
Cùng lúc, giới chỉ trích thường cho rằng nhà nước Việt Nam gần như không thay đổi vì thiếu ý chí chính trị, vì phản ứng bảo thủ trước các biến đổi mang tính thế hệ về con người, nhân sinh quan trên thế giới và ở nước này, và vì thế, né tránh “các giá trị phổ quát” như nhân quyền.
Mới đây nhất, viết trên trang Asia Sentinel về vụ xử nữ nhà báo Phạm Đoan Trang dự kiến vào ngày 14/12/2021 ở Việt Nam, cây bút Mỹ David Brown cho rằng bộ máy Việt Nam theo mô hình Leninist không muốn “nhượng bộ một ly” trước các đòi hỏi của những nhà vận động nhân quyền.
Việc một số nhà hoạt động như bà Đoan Trang được giải thưởng quốc tế về nhân quyền không được báo chí Việt Nam đăng tải rộng rãi.
Hiện chưa rõ việc phải cân nhắc giữa các giá trị phổ quát, và đặc thù của một quốc gia sẽ diễn ra ở Việt Nam những ngày tháng tới ra sao.
Lưu luyến Liên Xô nhưng thực tế xã hội đã khác
Bài học Liên Xô tuy thế vẫn rất quan trọng cho ban lãnh đạo Việt Nam.
Về cá nhân họ, các lãnh đạo Việt Nam vẫn bày tỏ sự kính trọng với Lenin và chủ thuyết của ông.
Chủ tịch Nguyễn Xuân Phúc khi sang thăm Nga gần đây đã tới Lăng Lenin ở Moscow đặt vòng hoa trong trời mưa tuyết.
Nhưng về thực tiễn kinh tế, các tuyến giao thương chủ chốt của Việt Nam là với khu vực châu Á, EU, Hoa Kỳ, chứ không còn nhiều với Nga.
Giữa năm 2021, các văn kiện của Đảng CS VN đánh giá sự kiện Liên Xô tan rã tháng 12/1991 là do hệ thống cứng nhắc, xa dân:
“Đối với các mô hình chủ nghĩa xã hội hiện thực ở Liên Xô, Đông Âu và Trung Âu, việc chọn mục tiêu chủ nghĩa xã hội là đúng đắn nhưng con đường thực hiện lại sai lầm; do buông lỏng vai trò lãnh đạo của Đảng cộng sản; lơi là cảnh giác cách mạng; quan liêu, xa rời nhân dân; bảo thủ, thiếu phát triển sáng tạo nhận thức lý luận trong điều kiện thực tế đã thay đổi… mà dẫn tới đổ bể, cho dù đã có những thành tựu to lớn chưa từng có trong lịch sử loài người,” theo một nhà lý luận của ĐCSVN được báo Lao Động (05/2021) trích thuật.
Cách nhìn “định mệnh” này về CHXH không giải thích được vì sao các nước Đông Âu nay đều sung túc và tự do hơn xưa sau khi bỏ mô hình Liên Xô.
Công tác lý luận của Đảng Cộng sản Việt Nam thường bị một phần dư luận cho là việc làm “vô nghĩa“, “xa rời thực tiễn“, thậm chí “lẩm cẩm“, “hoài cổ“.
Nhưng trên thực tế, rất nhiều vướng mắc của kinh tế, xã hội và nhất là giáo dục tại VN bị cho là do “lỗi hệ thống” – tức cơ chế quyền lực cũ, và tư duy sai gây cản trở.
Mặt khác, ham muốn vừa hưởng lợi từ quan hệ tư bản, vừa duy trì quyền lực cộng sản có thể đưa VN vào chỗ nhận lãnh các nhược điểm của cả hai thể chế.
Đại dịch Covid cũng làm thay đổi nhận thức của nhiều người Việt Nam.
Trên mạng xã hội có một đánh giá rằng hàng chục nghìn người chết trong dịch không hề do bị “bọn phản động“, “tổ chức khủng bố” nào tấn công, mà một phần vì các chính sách sai của bộ máy.
Và dù không được bàn luận công khai, một bộ phận trí thức Việt Nam vẫn ưu tư về con đường cho đất nước, về mô hình thể chế, mong muốn các thay đổi phù hợp cho quốc gia.
Thực tế Việt Nam giữa hai hướng ý thức hệ
Bài ‘65% dân Mỹ thích chủ nghĩa tư bản, còn người Việt Nam thì sao?’ đăng hôm 15/05/2020 đã nhận được trên 300 bình luận gửi về trang Facebook của BBC News Tiếng Việt.
Các ý kiến thể hiện nhiều cách nhìn khác nhau về chủ đề này mà một số đông không tin rằng mô hình ở Việt Nam thực sự là ‘XHCN’, mà là ‘tư bản đỏ’, đem lại đặc quyền cho một tầng lớp.
Việc con em quan chức du học ở các nước G7 được một số bạn cho là bằng chứng về hiện tượng ‘ý thức hệ tư bản đỏ’ này.
Xin điểm ra những bình luận nổi bật, đầu tiên là về sự so sánh hai chủ thuyết và điều mà một số bạn cho là thực tế ở Việt Nam hiện nay:
Van Nghiem: “Cho hỏi khác biệt giữa CNTB và CNXH là làm bao nhiêu hưởng bấy nhiêu với chia đều của cải. Hay đa nguyên với độc tài vậy. CNXH kiểu Tây Phương còn tốt chán so với định hướng XHCN ở Việt Nam.”
Hiếu Râu: “Hỏi câu này ở VN thì…nói thích thì sợ, nói không thích thì dối lòng…cứ nhìn vào đàn con cháu các cụ đang học tập ở đâu…”
Quang Minh Nguyen: “Việt Nam từ sau cải cách 1986 đã theo CNTB, còn cái CNXH chỉ là cái bình phong để đảng CS duy trì quyền lực. Nhưng đó là CNTB “nửa vời”, “quái thai”, khi mà những ngành then chốt như điện, nước, dầu khí… vẫn nằm trong tay nhà nước, bởi vậy nhờ các tập đoàn nhà nước mà dân VN gánh nợ công đầm đìa, giá xăng, điện thì trên trời … CNTB phải đi đôi với đa đảng và tam quyền phân lập mới phát huy hết tiềm năng, chứ còn như VN, thì chỉ có lũ TB đỏ mới giàu trong thể chế độc đảng.”
Tran Xuannhan: “CNTB là anh nông dân nuôi bò sữa chăm lo cho bò để bò tạo nhiều sữa từ đó thu lợi. CNCS là anh nông dân nuôi bò hợp tác xã để cày ruộng bò béo hày gầy mặc kệ. Miễn sao không chết là được.”
Мистецтв Бойових Людина: “Việt Nam thì trừ ra 4 triệu dân thì còn lại là muốn theo tư bản.”
Hồ Kim Mao: “VN còn mỗi ông TBT Trọng là cộng sản thôi, còn lại là tư bản mặc áo đỏ. Nếu một ông cán bộ CS chính hiệu thì lấy đâu nhà đất, tiền lập công ty, HTX, lấy đâu tiền cho con cháu du học bên trời Tây.”
Diệp Thảo Nguyên: “Kinh tế thị trường theo định hướng XHCN. Một thể chế quái thai. Xuống hố chậm hơn nhưng bị giày vò lâu hơn. Nhiều mảnh đời sống như địa ngục trần gian.”
Bảo Nam: “Tư bản hay CNXH cũng như nhau. Cứ minh bạch là dân tin hết. Còn ở vn minh bạch thì cộng sản vào tù hết. Quan chức gọi là hở ra là tham nhũng. Corona vừa rồi là ví dụ. Mệnh lệnh từ tổng bí thư cũng thế. Chuyện hộ nghèo ở vn mới buồn cười. Đúng lá nhà nước của quan do quan và vì quan.”
Karma Samten: “Thể chế kinh tế tư bản, chính trị xhcn đa đảng sẽ đem đến thịnh vượng, nhân quyền, ít tham nhũng và ổn định xã hội hơn khi đất nước có khủng hoảng.”
Hoàng Trung – Thoibao.de (Tổng hợp)
>>> Hoa Kỳ áp đặt trừng phạt nhân quyền lên Trung Quốc, Myanmar và Triều Tiên
>>> Giáo Sư Trọng: ‘miếng ăn là miếng tồi tàn’ và tiếp tục hô hào ‘đạo đức cách mạng’
>>> Sau vụ cháy xe Lux, Vingroup khởi công dự án sản xuất pin cho ô tô điện tại Vũng Áng
Chuyển vốn đầu tư ra nước ngoài, lòng tự hào bị đánh cắp?
Cách cài vượt tường lửa miễn phí:
Điện thoại di động (mobile phone) = https://bit.ly/2QCRpE7
Trình duyệt (browser) = https://bit.ly/3hKTidT