Link Video: https://youtu.be/3F2nNf_jVaY
Trong chuyến công du Việt Nam, Phó Tổng thống Hoa Kỳ Kamala Harris ngỏ ý muốn nâng tầm quan hệ hai nước lên mức đối tác chiến lược, nhưng dường như giới lãnh đạo Hà Nội chưa mạnh dạn “gật đầu”. Các chuyên gia trong và ngoài nước nêu nhận định với VOA rằng sự “dè dặt” và “thận trọng” của lãnh đạo Việt Nam cũng dễ nhận biết do Hà Nội muốn giữ thăng bằng trong quan hệ giữa Bắc Kinh và Washington.
Khi gặp gỡ các nhà lãnh đạo Việt Nam hôm 25/8, Phó Tổng thống Harris đề xuất nâng tầm quan hệ với Việt Nam từ quan hệ Đối tác Toàn diện lên thành quan hệ Đối tác Chiến lược, một chỉ định ngoại giao phản ánh mối quan hệ ngày càng sâu sắc giữa hai nước, theo hãng tin AP.
Tuy nhiên, khi tiếp nữ phó tổng thống Mỹ, Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính nói: “Việt Nam mong muốn tiếp tục phát triển quan hệ Đối tác Toàn diện ngày càng thực chất, hiệu quả, ổn định lâu dài, vì hòa bình, hợp tác và phát triển trong khu vực và trên thế giới.”
Tại cuộc hội kiến với Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc hôm 25/8, bà Harris kêu gọi Việt Nam cùng Mỹ thách thức các hành vi “bắt nạt” của Trung Quốc ở Biển Đông.
Cũng chính tại cuộc hội kiến với ông Phúc, giới báo chí bị hộ tống ra khỏi cuộc họp trước khi các quan chức Việt Nam bình luận về đề xuất nâng cấp ngoại giao của bà Harris, theo trang Bloomberg.
Giới chuyên gia nêu nhận định với VOA rằng Việt Nam cũng muốn nâng cấp quan hệ ngoại giao với Hoa Kỳ lên mức Đối tác Chiến lược, nhưng còn lo ngại vì động thái này sẽ khiến Bắc Kinh tức giận.
Ông Gregory Poling, Giám đốc chương trình Sáng kiến Minh bạch Hàng hải châu Á thuộc Viện nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (CSIS) ở thủ đô Washington, nhận định với VOA qua email hôm 25/8:
“Các nhà lãnh đạo Việt Nam, vẫn như mọi khi, luôn cố gắng cân bằng một cách thận trọng giữa việc làm sâu sắc hơn quan hệ với Hoa Kỳ và duy trì sự ổn định với Trung Quốc.”
“Bắc Kinh cực kỳ lo lắng về mối quan hệ hợp tác an ninh Việt – Mỹ ngày càng phát triển và đang gây áp lực đáng kể lên Hà Nội, điều này có thể thấy trong tuần này khi Đại sứ Trung Quốc yêu cầu một cuộc gặp vào phút cuối với Thủ tướng Chính phủ Việt Nam,” chuyên gia Poling viết.
Vài giờ trước khi Phó Tổng thống Harris đáp chuyên cơ từ Singapore tới Hà Nội hôm 24/8, Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính và Đại sứ Trung Quốc tại Việt Nam Hùng Ba (Xiong Bo) đã tổ chức cuộc gặp không báo trước, trong đó ông Chính nói Việt Nam không chọn bên trong chính sách đối ngoại, theo Reuters.
“Tất cả những điều này giúp giải thích lý do tại sao Việt Nam do dự việc công khai mối quan hệ “Đối tác Chiến lược” mặc dù mối quan hệ này thực tế đã là như vậy,” ông Poling nhận định.
Từ thành phố Hồ Chí Minh, Tiến sĩ Hoàng Việt, một nhà nghiên cứu Biển Đông, nói với VOA:
“Các học giả và giới ngoại giao Việt Nam đều muốn nâng mối quan hệ này lên tầm đối tác chiến lược…nhưng gặp phải vấn đề Trung Quốc. Trung Quốc luôn lo ngại rằng Mỹ sẽ lôi kéo các quốc gia, trong đó có Việt Nam, để chống lại Trung Quốc. Và có lẽ Việt Nam không nhảy vào trò chơi nước lớn đó.”
“Cuộc gặp giữa ông Hùng Ba và Thủ tướng Việt Nam cũng nhằm nhắc nhở rằng Việt Nam không nên vượt quá trong quan hệ với Mỹ. Và đương nhiên phía Việt Nam cũng hiểu vấn đề đó.”
“Chính lúc này, quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc đang gay gắt, nếu Việt Nam phát triển mối quan hệ với Mỹ sẽ khiến Trung Quốc nghi ngờ và băn khoăn. Đó là lý do vì sao Việt Nam thận trọng và chưa muốn thúc đẩy quan hệ Việt – Mỹ lên tầm Đối tác Chiến lược,” Tiến sĩ Hoàng Việt Nam lý giải.
Trong một cuộc phỏng vấn dành cho VOA, nhà nghiên cứu Nguyễn Thế Phương thuộc Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Tp. Hồ Chí Minh, cho rằng chuyến thăm Việt Nam của Phó Tổng thống Harris có thể giúp Washington củng cố việc “thăm dò” khả năng nâng cấp mối quan hệ lên tầm chiếc lược với Hà Nội trong tương lai.
Trả lời phỏng vấn trang VietnamNet hôm 24/8, ông Phạm Quang Vinh, nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam, cựu Đại sứ Việt Nam tại Mỹ, nói: “Nếu chúng ta nhìn vào mọi khía cạnh song phương, rồi quan hệ ở tầm khu vực và toàn cầu có thể thấy mọi vấn đề đã trải dài ở cả chính trị, ngoại giao, kinh tế, khoa học công nghệ, an ninh quốc phòng….Quan hệ Việt – Mỹ đã ở tầm chiến lược và nói rộng ra, mối quan hệ này mang cả tính toàn diện và tính chiến lược.”
Dù không rõ giới lãnh đạo Hà Nội phản hồi như thế nào trước lời đề xuất của phía Mỹ, nhưng hôm 26/8, bà Harris vẫn kiên trì nỗ lực kêu gọi các đối tác trong khu vực chống lại hành vi đe dọa và bắt nạt của Trung Quốc. Bà Harris phát biểu tại cuộc họp báo trước khi kết thúc chuyến thăm Việt Nam vào chiều ngày 26/8:
“Chúng tôi sẽ tiếp tục làm việc với Việt Nam để đẩy lùi các mối đe dọa đối với tự do hàng hải và trật tự quốc tế dựa trên luật lệ.”
“Hoa Kỳ dự định tăng cường sự tham gia và quan hệ đối tác của chúng ta với các đối tác và đồng minh của chúng ta và hơn nữa và củng cố lợi ích của chúng ta theo cách hợp tác, cùng nhau đáp ứng những thách thức của thời điểm hiện tại và thách thức của ngày mai.”
An Hải