Ban Chấp hành Trung ương Đảng cộng sản Việt Nam vào ngày 16/12 thảo luận quy chế bầu cử tại Đại hội Đảng XIII trong ngày làm việc thứ 3 của Hội nghị lần thứ 14 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XII.
Truyền thông Nhà nước Việt Nam dẫn thông cáo báo chí của Văn phòng Trung ương Đảng cho biết như vừa nêu nhưng không nói rõ nội dung chi tiết thảo luận thế nào về quy chế vừa nêu.
Với nhiều năm công tác trong ngành luật, Luật sư Đặng Đình Mạnh từ Sài Gòn cho biết hiện nay có 2 hệ thống bầu cử bao gồm hệ thống chính quyền như hội đồng nhân dân các cấp vào quốc hội và hệ thống bầu cử trong đảng. Ông nói thêm:
“Mặc dù đây là việc làm của cơ quan đảng nhưng theo đúng các quy định, cơ quan đảng lại là một trong những cơ quan quan trọng nhất, lãnh đạo toàn bộ các mặt của đời sống, đất nước.
Nên tôi nghĩ là quy định liên quan đến cơ quan đảng cũng cần công khai và công bố cho công chúng biết vì nó gắn liền với số phận người dân, mỗi quyết định của đảng đều đưa đến kết quả thuận lợi hoặc không thuận lợi đối với người dân.”
Trao đổi với RFA vào tối cùng ngày, Nhà báo độc lập Ngô Nhật Đăng nêu lên thực trạng về quy chế bầu cử ở Việt Nam như sau:
“Hiện nay trên cơ sở để so sánh với quy chế bầu cử ở Việt Nam thì hầu như người dân không có thông tin gì về quy trình bầu cử, chi tiết thế nào. Vì thế ta đã thấy không có dân chủ vì người dân không được biết thì mọi chuyện về dân chủ hay không hầu như vô nghĩa.”
Bên cạnh việc cho rằng quy chế bầu cử ‘phi dân chủ’, nhà báo Ngô Nhật Đăng còn cho rằng quy trình bầu cử ở Việt Nam không công bằng vì không có sự cạnh tranh, không có những đối lập từ bên ngoài.
Xác nhận thực tế vừa nêu, Nhạc sĩ Lê Thiệu từ Sài Gòn cho hay:
“Việt Nam mình nào giờ chỉ có đảng cử dân bầu, từ nửa thế kỷ rồi. Đảng cứ cử người của đảng, đưa ra 4 người rồi lấy 3 bỏ 1 chẳng hạn thì dân có bầu cũng chỉ là người của đảng thôi. Đây chỉ là hình thức của đảng đưa ra để mị dân chứ thật sự là ở Việt Nam không có bầu cử mà chỉ là cơ cấu chức vụ cho những người trong đảng.”
Blogger Nguyễn Ngọc Già lập luận theo quan điểm cá nhân của ông về vấn đề này như sau:
“Tôi cũng có xem sơ qua thì họ cũng đầy đủ, tức họ cũng căn cứ vào điều lệ đảng, họ cũng ra những quy chế có số, có ngày bằng văn bản, họ cũng ra các mẫu mã tự đề cử, tự ứng cử…
Tuy nhiên, họ tránh chữ ‘tranh cử’, vì nội bộ họ thu xếp với nhau thì làm gì có tranh cử. Mà đã không có tranh cử có nghĩa là phi dân chủ rồi.”
Vì vậy, theo blogger Nguyễn Ngọc Già, do quy chế bầu cử phi dân chủ đã dẫn tới tình hình là người dân vô cùng thờ ơ, không quan tâm vì có tâm lý chung được nói là ai lên ở Việt Nam thì cũng vậy.
Thật vậy, một người dân tại Đồng Nai không muốn nêu tên vì lý do an ninh xác nhận:
“Bầu cử ở Việt Nam chị chẳng biết, ví dụ 5 người thì viết tên 5 người đó vô thăm rồi bốc trúng thằng nào thì là thằng đó. Thật ra thì kết quả có sẵn vậy rồi. Cộng sản thì nói gì nữa.”
Điều lệ Đảng cộng sản Việt Nam có quy định mỗi kỳ Đại hội đại biểu toàn quốc của Đảng đều phải xây dựng quy chế làm việc, quy chế bầu cử.
RFA ghi nhận nhiều ý kiến cho rằng cốt lõi vấn đề bầu cử ở Việt Nam hiện nay là do quy trình bầu cử không đảm bảo dân chủ, dẫn đến nhiều hệ lụy như người dân mất lòng tin, đảng bị đánh giá độc tài, và quan trọng hơn đây cũng chính là nguyên nhân dẫn đến tình trạng ‘chạy chọt’ chức vụ.
Do đó, theo quan điểm của một người dân, nhạc sĩ Lê Thiệu đưa ra đề nghị:
“Nếu bây giờ muốn thay đổi cách bầu cử của Việt Nam thì dân cử dân bầu, tức nhân dân thấy người có tâm, có tầm, có tài thì người ta đề cử rồi dân tự bỏ phiếu, tự bầu. Đó mới là tự do, dân chủ.”
Theo nhà báo Ngô Nhật Đăng, để thay đổi quy chế bầu cử tại đất nước hình chữ S là một vấn đề rất lớn. Ông lập luận:
“Cốt lõi của dân chủ tức là người dân được chọn người lãnh đạo cho mình. Đây là vấn đề cơ bản mà không có một cách nào khác và cách duy nhất để chọn là phổ thông đầu phiếu và bầu cử.
Vì vậy khi nói tới dân chủ thì đầu tiên phải có quy trình bầu cử rõ ràng, thật sự dân chủ, thật sự công bằng và minh bạch.”
Trong khi đó, blogger Nguyễn Ngọc Già lại cho rằng:
“Chuyện thay đổi quy chế bầu cử chỉ mang tính chất là cái ngọn, vì cái gốc là độc đảng thì có thay đổi quy chế thế nào cũng không thoát khỏi tình trạng phi dân chủ. Nếu ai còn nghĩ rằng có thể thay đổi quy chế bầu cử thì có thể dân chủ hơn thì điều đó phản khoa học.”
Tổng Bí thư Đảng cộng sản kiêm Chủ tịch nước Việt Nam Nguyễn Phú Trọng khi phát biểu khai mạc Hội nghị Trung ương 14 cũng cho hay Bộ Chính trị đã chỉ đạo Ban Tổ chức Trung ương chủ trì, phối hợp với các ban và cơ quan của Trung ương Đảng nghiên cứu, rà soát lại quy chế làm việc, quy chế bầu cử tại các kỳ đại hội trước, tức từ Đại hội VII đến Đại hội XII của Đảng.
Theo đó, dự thảo quy chế bầu cử tại đại hội lần này sẽ được Bộ Chính trị xây dựng và trình Trung ương 14 xem xét, cho ý kiến để tiếp tục hoàn chỉnh, trình Đại hội XIII xem xét và quyết định.
Bàn về nhân sự lãnh đạo Đảng sau kỳ đại hội sắp tới, Blogger Bùi Thanh Hiếu có bài bình luận với tựa đề “Chưa quyết định được tứ trụ – Thành công của Trương Tấn Sang?” với nội dung như sau:
“Ngày làm việc thứ tư của hội nghị trung ương 14 khoá 12 của đảng CSVN có mục quan trọng.
Đã bỏ phiếu biểu quyết phương án giới thiệu rồi, nhưng vẫn phải xem xét, bổ sung đợi hội nghị 15 sẽ xem xét tiếp. Mặc dù ông Trọng nói: “Hội nghị của chúng ta đã thành công rất tốt đẹp; hầu hết các nội dung công việc quan trọng chuẩn bị Đại hội XIII của Đảng cơ bản đã được hoàn thành theo đúng mục tiêu, yêu cầu và kế hoạch đề ra”.
Tuy nhiên ai cũng hiểu rằng, mặc dù phần lớn cơ bản đã được thống nhất, nhưng một số cái quan trọng nhất lại không được thống nhất. Đó là cơ cấu trong bộ chính trị, chính vậy phải để lại đến hội nghị sau.
Dự kiến đại hội đảng tiến hành vào tháng 1 năm 2021, như vậy thời gian chỉ còn có 30 ngày nữa là đại hội đảng khai mạc, đến giờ vẫn chưa chốt xong nhân sự và phải đẻ ra thêm một trung ương nữa để bàn.
Là tổng bí thư, kiêm trưởng tiểu ban nhân sự, rõ ràng ông Trọng đã không có uy tín, không làm tròn trách nhiệm sắp xếp nhân sự chủ chốt nhiệm kỳ sau, cho nên phải kéo dài thêm kỳ họp trung ương nữa.
Hãy thử nhìn vào 2 phương án sau.
Phương án 1: Tổng bí thư Ngô Xuân Lịch, Thủ tướng Trương Hòa Bìn , Chủ tịch nước Tô Lâm, Chủ tịch Quốc hội Trương Thị Mai
Phương án 2: Tổng bí thư Trần Quốc Vượng, Thủ tướng Trương Hòa Bình , Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Quốc hội Trương Thị Mai.
Ở vị trí tổng bí thư thì ông Lịch hay ông Vượng đều như nhau, cả hai đều có những đức tính tương đồng về chuyên môn đảng, ông Lịch là chủ nhiệm chính trị, ông Vượng là thường trực ban bí thư. Cả hai ông đều không dính dáng đến tai tiếng về tham nhũng.
Ở vị trí chủ tịch quốc hội, theo cơ cấu có nữ trong tứ trụ, người miền Nam, bà Trương Thị Mai chiếm vị trí số 1, bà Mai cũng không tai tiếng gì, dể nghe, dễ bảo, thích hợp với việc ngồi đó làm.
Như vậy việc gay gắt nhất là ở vị trí chủ tịch nước giữa ông Phúc và ông Tô Lâm. Nhưng ông Phúc đã quá tuổi, ông Tô Lâm có tiền lệ khoá trước bộ trưởng Trần Đại Quang làm chủ tịch nước. Cho nên cơ của ông Tô Lâm sẽ lớn hơn.
Ở vị trí thủ tướng, hiện giờ theo tiền lệ thì đúng ông Trương Hoà Bình đương là phó thủ tướng thường trực.
Các phó thủ tướng khác am hiểu về kinh tế, có chân trong uỷ viên BCT như Hoàng Trung Hải, Nguyễn Văn Bình đã bị ông Trương Hoà Bình loại bỏ.
Đến đây mới thấy tài năng sắp đặt người của Trương Tấn Sang thực sự đẳng cấp.
Ở khoá 12, Trương Tấn Sang đã lùi một bước, chủ động xin về không tranh ở lại với ông Trọng, để các đối thủ khác nhưng Nguyễn Tấn Dũng cũng buộc phải làm đơn xin rút theo, tạo cho ông Trọng dùng quy chế 244 thành công.
Đổi lại Tư Sang chỉ cần để mỗi Trương Hoà Bình làm phó thủ tướng, được vào Bộ Chính Trị. Đồng thời cài cấy rất nhiều đồng hương Hà Tĩnh vào trung ương.
Phía Nguyễn Tấn Dũng cũng bằng lòng khi thấy những cấp dưới trực tiếp của mình như Đinh La Thăng, Hoàng Trung Hải, Nguyễn Văn Bình, Nguyễn Thiện Nhân được vào Bộ chính trị. Chưa kể Trần Đại Quang, Đinh Thế Huynh là chỗ cũng nể nang nhau.
Ông Nguyễn Xuân Phúc là cấp dưới trực tiếp của Nguyễn Tấn Dũng, ông Phúc phản ông Dũng để giành cái ghế thủ tướng khoá 12, nhưng ông Phúc chỉ phản lúc đầu, đến khi chắc ghế thủ tướng, ông ít nhiều cũng nghĩ tình xưa, không làm gì hại đến sếp cũ của mình.
Tuy nhiên Nguyễn Tấn Dũng không ngờ được những diệu kế mà Trương Tấn Sang đã bày ra, Sang kích động cho Trọng mở cuộc đốt lò, đánh vào lòng tham danh vọng là người đốt lò vĩ đại của Nguyễn Phú Trọng, khoét sâu đố kỵ của Trọng rằng thực lực của Dũng quá lớn mạnh trong BCT. Bày cho Trọng lập ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng, tuyển những kẻ có tham vọng đi lên cao như Phạm Minh Chính, Tô Lâm, Phan Đình Trạc, Trương Hoà Bình…vào trong ban này.
Sau đó tiến hành cuộc thanh trừng những đàn em của Nguyễn Tấn Dũng trong Bộ Chính Trị.
Một đằng Tư Sang đích thân cầm đơn đi khiếu nại, một đằng cho tay chân báo chí cổ động truyền thông, mặt khác tâng bốc Trọng, mặt còn lại để Trương Hoà Bình xuống tay giải quyết.
Trải qua nhiều nỗ lực, cuối cùng thì kết quả đã thấy rõ. Các đàn em của Ba Dũng trong Bộ Chính Trị bị loại hết.
Và thật kỳ diệu, chức vụ thủ tướng lại còn mỗi Trương Hoà Bình là có cơ hội. Về độ tuổi quy định là 65 sẽ được giới thiệu tái cử. Trương Hoà Bình sinh tháng 4 năm 1955. Nếu đến tháng 1 năm 2021 thì vẫn chưa sang tuổi 66, tức là 65 tuổi 9 tháng, vẫn được gọi là 65 tuổi. Lại đương chức phó thủ tướng thường trực. Các phó khác đã bị loại rồi, chả lẽ vừa đẩy Huệ đi lại lôi Huệ về ? Trong khi đó dưới trung ương, uỷ viên Hà Tĩnh chiếm rất đông, họ là lực lượng hậu thuẫn ủng hộ Trương Hoà Bình trong hội nghị trung ương.
Vì vị trí tổng bí thư và chủ tịch quốc hội là những người khá hiền lành như bà Mai, ông Lịch, ông Vương, vị trí chủ tịch nước không nhiều thực lực có rơi vào tay Tô Lâm hay Xuân Phúc chăng nữa, thì chỉ cần nắm vị trí thủ tướng đầy quyền lực và màu mỡ thôi.
Trương Tấn Sang thực sự là Thái Thượng Hoàng mà Trương Hoà Bình là con rối để Sang điều khiển, bởi lực lượng Hà Tĩnh quê gốc của Sang chịu ân huệ và ảnh hưởng của Tư Sang rất nhiều.
Người ta có thể thấy được ngay nét hân hoan của những đại gia, nhóm lợi ích sân sau của Trương Tấn Sang khi mà đại hội 13 chưa diễn ra.
Thời đại của Nguyễn Phú Trọng sẽ đi vào dĩ vãng , nói thực thì những gì ông Trọng có được ngày hôm nay từ cái ghế ông ngồi đến uy tín đốt lò đều từ Trương Tấn Sang làm nên cả. Ông Trọng được hưởng những thứ đấy đến giờ cũng đã đủ.
Cái gì của Caesar hãy trả lại cho Caesar.
Cái gì mà Trương Tấn Sang đã dày công sắp đặt, hãy trả lại thành quả cho ông ta.
Trương Hoà Bình làm thủ tướng, ông ta chẳng có tình cảm hay liên hệ gì với Nguyễn Tấn Dũng. Ở người khác họ chỉ mưu mô khi tranh đoạt quyền, khi đoạt được rồi có khi họ chẳng màng tới việc xử những đối thủ trước kia. Nhưng với Tư Sang và Trương Hoà Bình có lẽ sẽ không chỉ tranh quyền lực thôi là đủ. Bởi mối thù của Tư Sang đối với Ba Dũng mới chính là động cơ để Tư Sang nỗ lực đưa đệ tử Trương Hoà Bình lên nắm quyền sinh sát ở nhiệm kỳ 13.
Thời đại của Nguyễn Phú Trọng đã sắp chấm dứt, người ta có thể thấy ngay trước mắt, một thời đại mới mang dấu ấn của Thái Thượng Hoàng Trương Tấn Sang.
Các nhà đầu tư, chờ gì nữa, hãy đến gặp Nguyễn Công Khế, Nguyễn Cao Trí, Đặng Thành Tâm ….ngay từ bây giờ để thiết lập quan hệ.”Blogger Bùi Thanh Hiếu nêu quan điểm.
Lan Anh – Thoibao.de (Tổng hợp)
>>> Chống lại N.P. Trọng – Đinh La Thăng thẳng thừng bác bỏ cáo trạng
>>> Việt Nam: ‘Cân bằng Bắc – Trung – Nam’ có còn quyết định việc chọn Tứ trụ?
>>> Hội nghị Trung Ương 14: Vẫn chờ “trường hợp đặc biệt”?
Cách cài vượt tường lửa miễn phí:
Điện thoại di động (mobile phone) = https://bit.ly/2QCRpE7
Trình duyệt (browser) = https://bit.ly/3hKTidT