Tổng bí thư kiêm Chủ tịch Nguyễn Phú Trọng ở đâu suốt 2 tháng dịch Cúm Vũ Hán bùng phát?

Sau gần 2 tháng kể từ ngày Việt Nam phát hiện ca nhiễm bệnh do Cúm Vũ hán, Tổng bí thư kiêm Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng vẫn “mất tăm”, chưa có bất kì phát biểu hay chỉ đạo nào về đại dịch này. Dư luận đặt ra nhiều câu hỏi về sự “bặt vô âm tín” này vì trên lý thuyết, người giữ vai trò chủ tịch nước được cho là cần có phát ngôn, hành động kịp thời để “an dân” về những vấn đề liên quan đến đối ngoại, cũng như sức khỏe của người dân và các mối quan ngại khác về chủ quyền quốc gia, thiên tai, dịch bệnh.

Lần gần nhất ông Nguyễn Phú Trọng xuất hiện trên truyền thông là vào sáng 27/2, khi ông tiếp đại sứ các nước: Vương quốc Campuchia, Thụy Sĩ, Cộng hòa Bolivariana Venezuela, Cộng hòa Hy Lạp, Cộng hòa Paraguay, Đại Công quốc, Cộng hòa Paraguay, Vương quốc Hashemite Jordan đến trình Quốc thư.
Điều 86 Hiến pháp Việt Nam quy định “Chủ tịch nước là người đứng đầu Nhà nước, thay mặt nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam về đối nội và đối ngoại.”
Ông Nguyễn Lân Thắng, nhà hoạt động chính trị xã hội ở Hà Nội nói rằng không chỉ có ông, mà rất nhiều người dân trong nước đang thắc mắc liệu người đứng đầu đất nước đang ở đâu trong thời điểm cả nước phải chống chọi với dịch bệnh như thế này:
Tôi có thấy thông tin là ông Nguyễn Phú Trọng đã rất lâu rồi không thấy xuất hiện trên truyền thông cũng như các hoạt động của nhà nước, đây là việc mà tôi cũng rất là thắc mắc. Với cương vị vừa là Tổng bí thư đảng Cộng Sản, vừa là Chủ tịch nước thì đáng lý ra khi có các tình hình nguy cấp của đất nước như vấn đề dịch bệnh này thì những người đứng đầu Đảng phải có tiếng nói và có các hoạt động. Cho đến bây giờ thì chúng ta chỉ thấy có Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng như là các thành viên ở trong Chính phủ đang gồng mình, vật lộn để chống chọi với cơn dịch bệnh. Đó là điều mà rất nhiều người cũng đang thắc mắc.”
Tất nhiên là người đứng đầu Đảng và Nhà nước cũng có thể ốm đau, cũng có thể có những vấn đề cá nhân. Nhưng một đất nước thì không thể thiếu vắng người lãnh đạo và phải có cơ chế để thay thế.” Ông Nguyễn Lân Thắng bày tỏ.

Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Vương quốc Campuchia tại Việt Nam trình quốc thư lên Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng hôm 27/2/2020

Theo Tiến sỹ Hà Hoàng Hợp thì việc ông Trọng không xuất hiện cũng không quan trọng vì “chống dịch” là nhiệm vụ của bên Hành pháp, mà Thủ tướng là người đứng đầu:
Các văn bản quy phạm pháp luật, Hiến pháp Việt Nam thì quy định không quy định những điều đấy. Những việc đó là của Hành pháp, tức là ông Thủ tướng là người đứng đầu Hành pháp chứ không phải Chủ tịch nước.
Chủ tịch nước là nguyên thủ thì thực hiện ở mức độ hình thức và lễ tân, chứ không không phải là người đứng đầu hệ thống Hành pháp quốc gia Việt Nam, cho nên không quan trọng lắm.
Cái việc ông ấy đi ra thăm người ốm, hay đi ra thăm các nơi có thiên tai ở đồng bằng sông Cửu Long thì cũng rất tốt nhưng đó không phải là nhiệm vụ của ông ấy.
Thế còn với vai trò là Tổng bí thư cao nhất trong hệ thống chính trị Việt Nam, hệ thống một đảng, tất nhiên về mặt tình cảm thì viện lý do sức khỏe mà chưa làm được hết tất cả các việc thì người ta phải thắc mắc, và người ta cũng buồn thay
.”
Theo Hiến pháp, Chủ tịch nước có 6 nhiệm vụ và quyền hạn chính. Trong đó nhiệm vụ thứ năm ghi cụ thể ‘… công bố, bãi bỏ tình trạng khẩn cấp trong cả nước hoặc ở từng địa phương. ‘

Từ khi dịch cúm Vũ Hán khởi phát đến nay, TT Donald Trump rất nhiều lần phát biểu trước công chúng, Reuters ngày 18-3 đưa tin Tổng thống Mỹ Donald Trump đưa ra kế hoạch chi mỗi công dân Mỹ 1.000 USD để giúp họ đối phó tác động của dịch Cúm Vũ Hán

Đây không phải là lần đầu tiên ông Nguyễn Phú Trọng “mất tích” trong lúc đất nước “gặp chuyện”. Hồi năm 2019, ông Trọng cũng giữ im lặng trong suốt hơn 3 tháng trời mặc kệ Trung Quốc cho tàu thăm dò Hải Dương 8 quần thảo khắp Bãi Tư Chính của Việt Nam.

Tiến sỹ Hà Hoàng Hợp đánh giá rằng sở dĩ ông Trọng lâu nay không thể xuất hiện trước công chúng quá nhiều là do sức khoẻ yếu:
Ông ấy đang ốm mà. Ông ấy đang hồi phục chậm nên đã xin phép làm việc ít đi. Lần trước cái vụ Tư Chính thì ông ấy có nói trong Hội nghị Trung ương thôi chứ không có nói ở ngoài. Còn bây giờ chuyện dịch bệnh thì chỉ có Thủ tướng nói thôi chứ Chủ tịch Quốc hội cũng chưa thấy nói gì. Chắc là họ phân công nhau.
Còn việc thực hiện các nhóm nhiệm vụ của Chủ tịch nước rõ ràng đến đây là chưa được tốt. Bởi vì Chủ chủ tịch nước hiện nay ông ấy đã bỏ bớt một số việc.
Bây giờ ông ấy hồi phục chưa tốt cho nên ông ấy đã giao bớt một số việc cho Phó Chủ tịch nước theo hình thức nội bộ, thì bà Phó Chủ tịch nước cũng đã mấy lần bổ nhiệm các Đại sứ bậc 1 bậc 2, rồi duyệt các danh sách bổ nhiệm các Đại sứ mới.
Ông ấy hoàn toàn giao quyền cho Phó Chủ tịch nước ký một số công bố, một số luật, pháp lệnh, quyết định của nhà nước.

Ông Nguyễn Lân Thắng cũng cho rằng do sức khoẻ ông Trọng đang yếu, không thể xuất hiện trước công chúng nhiều, nhưng ông ấy vẫn muốn giữ vai trò quyết định nhân sự cho Đại hội đảng 13 sẽ diễn ra vào đầu năm 2021, nên vẫn cố giữ hai ghế Tổng bí thư và Chủ tịch nước.

Tôi phán đoán là do cái tình hình sức khỏe của ông Nguyễn Phú Trọng đang rất là tệ. Bởi vì chúng ta biết những thông tin rằng là ông ấy bị đột quỵ, bị những vấn đề về sức khỏe, rất là run rẩy khi mà xuất hiện trên truyền thông từ lâu rồi.
Vậy nhưng có lẽ là ông Trọng vẫn đang cố gắng níu kéo để có một vị trí quyền lực, cũng như là có một vai trò quyết định trong Đại Hội sắp tới, cho nên ông ấy tìm cách tránh truyền thông và tránh công luận
.” Ông Nguyễn Lân Thắng nói.
Có tin đồn rằng ông Nguyễn Phú Trọng bị đột quỵ bắt đầu từ hôm 14/4/2019, trong lúc đang thăm tỉnh Kiên Giang.
Người phát ngôn của Việt Nam, Lê Thị Thu Hằng sau đó trả lời báo chí rằng do: “Cường độ làm việc cao đã ảnh hưởng tới sức khỏe của Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng. Tổng bí thư, Chủ tịch nước sẽ sớm trở lại làm việc bình thường
Đến ngày 14/5/2019 mới thấy ông Trọng tái xuất hiện trở lại trên truyền thông nhà nước khi ông đang chủ trì buổi họp các ủy viên Bộ Chính trị.

Từ Berlin, Ông Bùi Thanh Hiếu, tức Blogger Người Buôn Gió, người thường xuyên quan tâm đến ông Nguyễn Phú Trọng và có nhiều bình luận về tình hình nội chính Việt nam cho rằng: “Ông Trọng chính là thước đo cơn dịch Vũ Hán

Ông Bùi Thanh Hiếu viết trên Facebook của mình rằng:
Từ khi có dịch cúm Vũ Hán xuất hiện, ông Nguyễn Phú Trọng biệt tích ngay từ ấy. Ở cương vị quyền lực nhất, ông Trọng có đủ thông tin về căn bệnh này. Ví dụ như nó tác động đến người quá 70 tuổi, nó tiếp xúc qua đường giao tiếp giữa người với người.
Có thể vì thế, ông Trọng biến mất. Chắc hẳn giờ ông đang ở một nơi canh phòng cẩn mật, được sát trùng. Ông tiếp nhận các bản tấu đã được sát trùng, diệt khuẩn của quần thần. Cũng như có thể ông ra lệnh qua loa từ phòng ông phát sang phòng bên cạnh.
Đảng lãnh đạo toàn diện, nhưng cơn đại dịch này đảng hay nói đúng hơn là ông Trọng trong cơn dịch này, không thấy bóng dáng đâu. Lý do ông chưa biết cơn dịch sẽ tác động như thế nào, không đoán được diễn biến của nó. Ông ngồi ẩn một chỗ và mặc kệ cho đám Phúc, Đam giơ mặt ra chống dịch. Chừng nào thấy ngon ăn, thấy tiến triển chắc chắn dịch cúm bị ngăn chặn, chừng ấy ông Trọng sẽ xuất hiện trong vai trò tổng kết thắng lợi chống dịch dưới sự lãnh đạo của đảng, tức ông.
Nói như thế, có thể hiểu, chừng nào ông Trọng chưa xuất hiện, chừng đó kết quả chống dịch cúm Vũ Hán chưa thể khẳng định đã có kết quả. Ông càng biết mất bao nhiêu lâu, thì mối lo về tác hại của cơn dịch này càng lớn bấy nhiêu
.”

Chỉ còn chưa đầy 10 tháng nữa theo dự định, đại hội đảng lần thứ 13 sẽ diễn ra, con số 13 thật là con số không may mắn. Còn rất nhiều việc mà đảng CSVN phải làm, đó là vấn đề nhân sự, vấn đề đường lối, kiểm điểm, đánh giá, tổng kết.

Người Buôn Gió tiếp tục bình luận thêm:
Không phải con số thống kê của chính phủ hay của bộ ngành nào làm yên dân bằng sự xuất hiện của ông Trọng cả. Những con số có thể là láo toét, khai ảo để lừa dân chúng yên tâm không hoảng loạn mà ảnh hưởng đến chế độ. Hình ảnh ông tổng bí thư, chủ tịch nước xuất hiện nơi này, nơi kia thăm hỏi và chỉ đạo , nhắc nhở mới là minh chứng thực tế nhất cho kết quả phòng chống dịch cúm Vũ Hán tại Việt Nam.
Kể từ hội nghị trung ương 11 khoá 12 hồi đầu tháng 10 năm 2019 đến nay đã được hơn 5 tháng, theo thông lệ 6 tháng sẽ có kỳ họp trung ương kế tiếp. Năm 2020 là năm cuối của khoá 12, quý 1 đầu năm đã triển khai đảng bộ cơ sở. Nếu chúng ta biết hội nghị trung ương 10 và 11 cách nhau chỉ 4 tháng, thì việc đến giờ chưa thấy động tĩnh gì của hội nghị trung ương 12, chúng ta sẽ thấy cơn dịch ở Việt Nam vẫn đang là mối lo cực lớn. Nếu nó không có gì nguy hiểm, nó được kiểm soát tốt như chính phủ tuyên truyền, thì không có lý gì trung ương 12 khoá 12 không được dự tính ngày họp.
Ông Nguyễn Quang Thuấn, phó chủ tịch hội đồng lý luận trung ương, thành viên ban soạn thảo văn kiện. Một nhân tố đắc lực để soạn thảo đường lối, văn kiện cho đại hội 13 bị dính cúm Vũ Hán sau khi du ngoạn nước ngoài về. Cháy nhà ra mặt chuột, hành trình của ông Thuấn làm người ta thấy sự xa hoa, trác táng như đế vương của một tay chân thân tín ông Trọng
.”

Phải chăng ông Trọng lợi dụng cơn dịch, trốn mất và cho hoãn hội nghị trung ương để rồi lấy cớ hoãn luôn cả đại hội đảng 13?
Người dân sẽ nghĩ gì khi không thấy ông Trọng cũng như không thấy các hoạt động của trung ương đảng. Người ta sẽ nghĩ đơn giản thôi, “các bố” trung ương đảng còn sợ chết vì dịch, không dám làm việc, thì nói việc dịch bệnh được kiểm soát tốt, tin sao được
.”
Blogger Người Buôn Gió kết luận.

Hoàng Trung từ Hà nội – Thoibao.de (Tổng hợp)