Thấy gì qua việc Thủ tướng Merkel và tân Nội các tuyên thệ nhậm chức!

Ngày 14/3/2018, gần nửa năm sau cuộc bầu cử Quốc hội CHLB Đức ngày 24/9/2017, Thủ tướng Angela Merkel và tân Nội các đã tuyên thệ nhậm chức, chấm dứt quá trình thành lập chính phủ lâu chưa từng có ở CHLB Đức.

Trước đó, trong cuộc bỏ phiếu kín ở Quốc hội, bà Merkel đã nhận được 364 phiếu thuận trong tổng số 692 phiếu được bỏ của 709 đại biểu, trong đó có 4 phiếu không hợp lệ. Bên cạnh 364 phiếu thuận có 315 phiếu chống và 9 phiếu trắng. Như vậy đã có 35 nghị sĩ trong tổng số 399 nghị sĩ của CDU/CSU và SPD đã không bỏ phiếu ủng hộ bà.

Trong khi bỏ phiếu, nghị sĩ Petr Bystron thuộc đảng AfD (Sự lựa chọn khác vì nước Đức), một đảng cực hữu đã chụp ảnh lá phiếu của mình vừa đưa lên Twitter, trong đó thấy gạch ở phần „Không“, đồng thời có chua thêm „Không phải thủ tướng của tôi“. Vì hành động này, Chủ tịch Quốc hội Wolfgang Schäuble đã tuyên bố phạt 1000 Euro, vì như vậy Bystron đã vi phạm luật bỏ phiếu kín.

Trực tiếp theo dõi quá trình tuyên thệ nhậm chức của Thủ tướng Angela Merkel và sau đó là toàn bộ Nội các của bà tại trụ sở Quốc hội (Reichtag), chúng tôi nhận thấy có một số điểm đáng chú ý như sau:

Trong khi bà Merkel tuyên thệ nhậm chức, có một số bộ trưởng được đề cử lại ngồi ở khu vực dành cho khách, vì họ không phải là nghị sĩ Quốc hội. Điều này có lẽ khác với ở Việt Nam, vì những người được „nhắm“ làm bộ trưởng sẽ được „cơ cấu“ để trở thành đại biểu Quốc hội. Trong các bộ ở Đức, bộ nào mà bộ trưởng không phải nghị sĩ Quốc hội thường sẽ có một quốc vụ khanh là nghị sĩ Quốc hội (Parlamentarischer Staatssekretär) để làm nhiệm vụ cầu nối giữa cơ quan hành pháp và tư pháp.

Chỗ ngồi trong Quốc hội được xếp theo khuynh hướng chính trị của các đảng, các đảng có khuynh hướng thiên tả (cấp tiến) được xếp ngồi bên trái và các đảng theo khuynh hướng thiên hữu (bảo thủ) được xếp ngồi bên phải, vì vậy, nhìn từ góc độ của Chủ tịch Quốc hội, các đảng được xếp lần lượt từ trái sang phải như sau: Đảng Cánh tả, đảng SPD, đảng Xanh, đảng CDU/CSU, đảng FDP và ngoài cùng cánh hữu là đảng AfD.

Quy ước sắp xếp chỗ ngồi này hình thành từ cuộc Cách mạng Dân chủ Tư sản Pháp năm 1789, sau khi xóa bỏ chế độ quân chủ, thành lập quốc hội, các đảng cấp tiến ngồi bên trái (tả) hội trường, các đảng bảo thủ ngồi ở bên phải (hữu) hội trường, từ đó hình thành khái niệm các đảng cánh tả và cánh hữu.

Khi tuyên thệ, bà Angela Merkel phải đọc toàn bộ những câu ghi trong Hiến pháp về nghĩa vụ của một thủ tướng Đức. Trong khi đó, đối với các bộ trưởng, Chủ tịch Quốc hội Wolfgang Schäuble đọc những câu quy định về nghĩa vụ của một bộ trưởng, các bộ trưởng lần lượt đến trước mặt Chủ tịch Quốc hội, tuyên thệ rằng „Tôi thề“ trước Hiến pháp và tùy từng người có thể viện dẫn thêm sự giúp đỡ của Chúa trời, không bắt buộc.

Một điều dễ nhận thấy trong một Quốc hội đa đảng là sau khi Thủ tướng Merkel tuyên thệ nhậm chức, các nghị sĩ cũng vỗ tay chúc mừng, nhưng chỉ có tất cả nghị sĩ các đảng CDU/CSU và SPD là vỗ tay chúc mừng, còn nghị sĩ các đảng đối lập thì hầu như không. Rõ ràng, việc của các đảng đối lập là „bới lông tìm vết“, tìm mọi cớ để có thể chỉ trích chính phủ và các đảng cầm quyền, chứ không phải ủng hộ các đối thủ chính trị của mình, mặc dù trong quan hệ cá nhân, họ có thể quen thân, thậm chí là bạn của nhau.

Dù sao, việc Chính phủ mới ở Đức được thành lập đã làm dư luận ở Đức và châu Âu thở phào nhẹ nhõm.

 

Các bộ trưởng lần lượt lên tuyên thệ nhậm chức

Từ trái sang phải: Bộ trưởng Môi trường Svenja Schulze, Bộ trưởng Gia đình Franziska Giffey, Bộ trưởng Tài chính Olaf Scholz, Nguyên Chủ tịch Quốc hội Norbert Lammert, Nguyên Bộ trưởng Giáo dục Johanna Wanka và Bộ trưởng Nông nghiệp Julia Klöckner, những người chưa hoặc không còn là nghị sĩ Quốc hội Đức.

 

Nhiều người đến chúc mừng và muốn chụp ảnh lưu niệm cùng Nữ Bộ trưởng Nông nghiệp Liên bang xinh đẹp Julia Klöckner.

Nhiều nghị sĩ xếp hàng để đến chúc mừng Bộ trưởng Nội vụ Seehofer

Sự quan tâm của các nhà báo

Nhà báo Trung Khoa của Thoibao.de tại trụ sở Quốc hội.

>> Bạn bấm vào đây để xem thêm các hình ảnh

Văn Long – Thoibao.de

—-