Berlin tuyên bố hành động trong trường hợp Việt Nam không đáp ứng đòi hỏi liên quan đến vụ bắt cóc người

Hôm qua thứ Tư 09/08/2017 Hãng Thông tấn Reuters đưa tin, chính phủ Đức tuyên bố có biện pháp nếu Việt Nam không đáp ứng đòi hỏi liên quan đến vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh và đã có các cuộc trao đổi giữa hai nhà nước.

Sau đây là bài dịch bản tin của Hãng Thông tấn Reuters:

Berlin tuyên bố hành động trong trường hợp Việt Nam không đáp ứng đòi hỏi liên quan đến vụ bắt cóc người

BERLIN (Reuters) – Thứ Tư vừa qua, Đức cho biết đang xem xét những bước phản ứng kế tiếp, sau khi Việt Nam không đáp ứng đòi hỏi phải mang trả cựu giám đốc điều hành một hãng dầu, mà nhà chức trách Berlin tin rằng đã bị mật vụ Việt Nam bắt cóc.

Tuần trước, Bộ Ngoại giao Đức đã cáo buộc Việt Nam bắt cóc Trịnh Xuân Thanh, người đang xin tị nạn tại Đức nhưng cũng đang bị truy nã tại nước Đông Nam Á này về tội quản lý tài chính sai lầm đã gây thiệt hại khoảng 150 triệu Mỹ kim.

Luật sư Đức của Thanh nói, Thanh không bao giờ tự nguyện trở về, nên ông tin rằng thân chủ của mình đã bị đẩy vào một chiếc xe, áp tải về Việt Nam bằng vũ lực, trong bối cảnh gợi nhớ đến những vụ mất tích trong Chiến tranh Lạnh tại thủ đô nước Đức thời phân chia.

Ngày thứ Tư một phát ngôn viên Bộ Ngoại giao cho biết, ông rất tiếc Hà Nội đã không trả lời về đòi hỏi trả Thanh trở lại nước Đức. Ông cũng nói với các phóng viên: “Chúng tôi đã hy vọng tìm được một khả năng .. hàn gắn tình trạng sau vụ vi phạm nghiêm trọng pháp luật Đức và quốc tế này. Tiếc thay trường hợp đó đã không xảy ra, vì vậy chúng tôi đang xem xét có thể làm gì để những người đối tác Việt Nam của chúng tôi hiểu thật rõ ràng là chúng tôi không thể chấp nhận“.

Trịnh Xuân Thanh, cựu giám đốc điều hành công ty dầu khí quốc doanh PetroVietnam, đang điện thoại tại một công viên ở Berlin, Đức ngày 20/10/2016. Ảnh của Bùi Thanh Hiếu (Người Buôn Gió) / Reuters chuyển.

Ông nói tiếp “không thế nào vấn đề rất đáng tiếc và nghiêm trọng này có thể được coi là đã khép lại“.

Phát ngôn viên từ chối tiết lộ bất kỳ khả năng giải quyết có thể nào, nhưng nhấn mạnh là Việt Nam đã từng nhận được viện trợ phát triển đáng kể từ Đức. Năm 2015, Đức đã cam kết viện trợ 220 triệu Euro (257,80 triệu Mỹ kim)  cho Việt Nam trong khoảng thời gian hai năm.

Ông cũng cho biết “Mọi phương cách đang sẵn sàng để được bàn thảo.” Theo một phát ngôn viên chính phủ, đã có đã có các cuộc trao đổi giữa hai nhà nước.

Đức là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam trong Liên minh châu Âu, mà các thành viên đang xem xét phê duyệt thỏa thuận thương mại tự do với các nước Đông Nam Á.
Thanh đã từng là giám đốc điều hành công ty dầu khí quốc doanh PetroVietnam và đã thu hút sự chú ý vào năm 2016 khi ông bị phát hiện xử dụng xe Lexus xa xỉ gắn bảng số công. Điều này đã gây náo động tại Việt Nam, nơi mà các quan chức được chờ đợi phải khiêm tốn.

Thanh xuất hiện trên truyền hình quốc gia Việt Nam tuần trước nhưng không rõ ông ta có được tự do khi tuyên bố: “Tôi đã không suy nghĩ chín chắn khi quyết định đi trốn. Trong thời gian ẩn trú tôi đã nhận ra là tôi cần phải trở về đối mặt với sự thật và … thừa nhận lỗi lầm của tôi và xin lỗi.

Trịnh Xuân Thanh, cựu giám đốc điều hành công ty dầu khí quốc doanh PetroVietnam, được nhìn thấy trên một đường phố ở Berlin, Đức, ngày 20/10/2016. Ảnh Bùi Thanh Hiếu (Người Buôn Gió) / Reuters chuyển.   

Bài viết: Madeline Chambers  – Chỉnh sửa: Pritha Sarkar

Người dịch: Ngọc Lâm – Thoibao.de

Link bài viết trên hãng thông tấn Reuters : http://www.reuters.com/article/us-germany-vietnam-idUSKBN1AP1NK