Trong nhật báo Stuttgarter Zeitung, số ra ngày Chủ nhật 06/08/2017, có đăng một bài phỏng vấn ngắn Ngoại trưởng Đức Sigmar Gabriel về vụ xung đột với Việt Nam.
Sau đây là bản dịch bài phỏng vấn:
Như thể truyện gián điệp, chiến tranh lạnh và Hollywood: Chỉ vài ngày trước, ngay giữa Berlin, một người Việt Nam xin tỵ nạn có lẽ đã bị bắt cóc và mang đi. Ngoại trưởng Sigmar Gabriel đe doạ Hà Nội về những hậu quả.
Một người Việt Nam xin tỵ nạn đã bị mật vụ nước mình bắt đi và áp tải về Việt Nam. Tưởng chừng như là phim Hollywood hoặc truyện gián điệp, nhưng đó lại là sự thật xảy ra ở Berlin vài ngày trước đây. Ngoại trưởng Sigmar Gabriel (thuộc đảng SPD) kinh ngạc và nhận định vụ việc này là một “gánh nặng to lớn” cho mối quan hệ song phương với Việt Nam.
Hỏi: Kính thưa Bộ trưởng Gabriel, đáng tiếc việc những công dân Đức như ký giả Deniz Yücel hay nhà hoạt động nhân quyền Peter Steudtner bị ném vào nhà giam ở Thổ Nhĩ Kỳ đã không còn là trường hợp riêng lẽ nữa. Vậy vụ việc thương gia Việt Nam đồng thời là người chỉ trích chính quyền bị mật vụ bắt cóc ngay giữa Berlin và áp tải về Hà Nội sẽ còn là trường hợp cá biệt hay không ?
Đáp: Hành vi của mật vụ Việt Nam trên lãnh thổ Đức là không thể chấp nhận được. Tôi muốn nói rất rõ ràng: Trong mọi trường hợp, chúng ta không thể chấp nhận một điều như vậy được, và cũng sẽ không để yên việc này. Vì vậy chúng tôi đã lập tức quyết định tuyên bố một nhân vật hữu trách (tình báo của Đại sứ quán Việt Nam ở Đức) là người không được mong muốn.
Hỏi: Ông có thấy, chính phủ Việt Nam sẵn sàng cho ông Trịnh Xuân Thanh nhanh chóng quay trở lại Berlin hay không?
Đáp: Chúng tôi đã thông báo cho chính quyền Việt Nam một cách rõ ràng về quan điểm và chờ đợi của chúng tôi. Vẫn chưa có hồi đáp chính thức về việc này. Trong mọi trường hợp, chúng tôi dự trù, nếu cần thiết sẽ có những biện pháp tiếp theo.
Hỏi: Những biện pháp nào đang được xem xét để đạt được việc đưa ông Thanh trở lại Đức?
Đáp: Tôi nghĩ rằng, lúc này và ở đây không phải là nơi phù hợp để trình bày chi tiết về điều đó. Nhưng dĩ nhiên hiện nay chúng ta không thể trở lại tình trạng bình thường, làm như là không có chuyện gì xảy ra. Trong những năm vừa qua, chúng ta đã đạt được rất nhiều thành tựu trong quan hệ song phương. Thương mại và đầu tư đã phát triển nhanh chóng, quốc gia này đã ăn mừng những thành quả tăng trưởng to lớn, ở Việt Nam đang có nhiều dự án tốt và quan trọng về mặt chính sách phát triển. Vậy nên càng khó hiểu việc các cơ quan Việt Nam rõ ràng chấp nhận rủi ro đem vụ việc này lên bàn cược. Những gì đã xảy ra ở Berlin hồi cuối tháng 7 vừa qua là một gánh nặng rất lớn cho mối quan hệ Đức-Việt. Những nhà kinh doanh Đức đang hoảng sợ là điều dễ hiểu, cũng bởi vì rõ ràng một số cơ quan hữu trách Việt Nam nào đó thiếu tôn trọng với đối tác Đức và thiếu những nguyên tắc của quyền và pháp luật.
Hiếu Bá Linh – Thoibao.de