Hãng Thông tấn Đức DPA vừa đưa một bản tin vào trưa Thứ tư ngày 02/08/2017 với tựa đề: “Vụ bắt cóc: Nước Đức trục xuất những nhà ngoại giao Việt Nam“.
Bản tin của DPA đã dẫn lời ông Martin Schäfer, phát ngôn viên Bộ Ngoại Đức, cho biết vào Thứ tư ở Berlin:
“Chính phủ CHLB Đức đã yêu cầu đại diện của tình báo Việt Nam tại Đại sứ quán Việt Nam ở Berlin phải rời khỏi nước Đức trong vòng 48 tiếng đồng hồ. Nguyên do là vì một cựu quan chức Việt Nam bị bắt cóc từ Berlin đưa về Việt Nam“.
Ngoài ra còn có một bản tin chi tiết của Hãng Thông tấn Đức DPA, được đăng trên nhật báo Die Welt (bản điện tử):
Sau đây là bài dịch toàn bộ bản tin chi tiết của DPA:
Vụ bắt cóc: Nước Đức trục xuất nhà ngoại giao Việt Nam”
Theo tin của Bộ Ngoại giao Đức thì một cựu quan chức Việt Nam đã bị mật vụ Việt Nam bắt cóc ở giữa thủ đô Berlin và bị áp tải về Việt Nam.
Vì thế hôm nay Chính phủ CHLB Đức đã yêu cầu đại diện của tình báo Việt Nam tại Đại sứ quán Việt Nam ở Berlin phải rời khỏi nước Đức trong vòng 48 tiếng đồng hồ.
“Chúng tôi chắc chắn rằng, cơ quan này của nhà nước Việt Nam trong những ngày gần đây đã có thực hiện những hành động ở nước Đức mà ngôn ngữ của luật hình sự gọi là bắt cóc và cưỡng bức bắt người“, ông Martin Schäfer, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Đức ở Berlin nói. Hôm qua Thứ ba Chính phủ CHLB Đức đã triệu tập ông Đại sứ Việt Nam và dự trù sẽ có những biện pháp khác nữa.
Thủ tục xin tỵ nạn vẫn còn tiếp tục
Cảnh sát và Công tố viện Berlin điều tra về vụ việc ông Trịnh Xuân Thanh 51 tuổi -một nhà doanh nghiệp và là cựu quan chức đảng cộng sản Việt Nam- và một người khác bị cưỡng bức đẩy vào một chiếc xe ô tô vào ngày 23/07/2017 tại công viên Tiergarten. Phát ngôn viên cảnh sát Winfrid Wenzel nói: “Đây là một trường hợp tình nghi“. Hôm trước tờ TAZ đã tường thuật vụ việc này.
Theo thông tin của công an Việt Nam, cựu cán bộ đảng này đã bị bắt giam ở quê hương vào chiều Thứ hai. Theo thông tin này thì ông đã ra đầu thú trước nhà chức trách. Ông Thanh bị cáo buộc trách nhiệm làm thất thoát 125 triệu Euro trong thời gian giữ chức giám đốc công ty dầu khí Petro Việt Nam.
Ông Thanh đã đặt đơn xin tỵ nạn ở nước Đức. Thủ tục vẫn còn tiến hành tiếp tục. Một yêu cầu dẫn độ của Việt Nam cũng chưa được quyết định, ông Schäfer nói.
Cách đây 1 năm ông Thanh bị tước bỏ tư cách Đại biểu Quốc hội. Sau đó ông bị khai trừ ra khỏi đảng cộng sản Việt Nam. Hiện nay đảng đang phát động một chiến dịch chống tham nhũng.
Hiếu Bá Linh – Thoibao.de