TẢN MẠN, DÔNG DÀI VỀ BUỔI "HỘI TỤ THƠ VIỆT TẠI ĐỨC" (Hùng Lý – Berlin)

Tôi nghe bàn tán lao xao cả tháng nay về cái buổi “Hội tụ thơ” này rồi. Vẫn định không đi nên chẳng quan tâm. Sáng chủ nhật (25.06.2017), đúng ngày tổ chức, thấy trời hây hẩy nắng, hứng tình thế nào, tôi bỗng muốn đến xem coi.

Vì không có giấy mời, cũng chẳng biết địa điểm tổ chức, tôi đành gọi cho Lương Cường TBT nguoiviet.de. Cứ đinh ninh lão trong BTC. Ai dè sau khi cung cấp địa chỉ, lão cũng “hồ than thở” là có được mời tham dự đâu. Nghe cũng lạ. Đường đường là TBT một tờ báo lớn của cộng đồng mà bị thất sủng thê thảm vậy sao? Tôi thì chả nói làm gì. Người ta mời vài lần, tôi đi đâu được đôi lần. Lại còn nói toẹt ra là không thích thơ, không hiểu gì về thơ. Vậy người ta chẳng thèm mời nữa cũng là phải, chẳng oan ức gì.

Tôi đến trước giờ khai mạc một chút. Người đến cũng chưa đông. Hội trường buổi đọc thơ cũng vừa phải. Đủ ngồi chừng trăm người. Đủ ấm áp trong một chiều chủ nhật có nắng, có gió, có người đọc thơ, có người nghe thơ, lại thêm người hát, kẻ múa, đàn ca sáo thổi. Phông cũng vừa độ. Đủ nội dung, không quá loè loẹt. Chỉ có người là có vẻ vui hơn ngày thường. Không khí hội mà. Quần áo cũng đa sắc màu hơn. Rất nhiều chị mặc áo dài bên cạnh các anh mặc sơ mi trắng. Đi lại tất tả, cười nói rổn rảng. Làm cái không gian không đông đúc lắm mà đầy tiếng người.

Theo thói quen chỗ hội hè, tôi đảo mắt tìm người quen. Không khó khăn gì khi nhận những câu chào, lời hỏi, ánh mắt, khuôn mặt của những người quen thân. Chỉ có điều hầu hết họ không nằm trong số khách thơ mà tôi thường gặp trong các diễn đàn thơ cộng đồng. Hoặc có cũng từ nơi khác đến. Những nhà thơ, lều thơ, những người yêu thơ ở Berlin như vơi vợi, tan tác ở đẩu đâu chứ không tụ về đây, về cái nơi hội tụ thơ Việt ở Đức này. Chỉ sơ qua cũng điểm danh được hàng chục người làm thơ “vua biết mặt, chúa biết tên” đã không có mặt: từ lão tướng thi sỹ Chu Văn Keng đến nguyên chủ nhiệm CLB thơ Berlin – nhà thơ Thế Sáng, từ nữ sỹ thơ tình với những câu thơ uyển chuyển, duyên dáng như bước đi của mấy kiều nữ chân dài Kiều Thị An Giang đến nhà thơ nữ rất nghiêm cẩn trong các thể thơ Đường Lê Thị Hoài Phương; từ nhà giáo, nữ sỹ Thanh Nguyên với những vần thơ chân thực, đau đáu với đời, đến nhà thơ, nhà báo Huy Thắng với những bài thơ tha thiết với biển đảo, với đồng đội xưa. Chưa kể đương kim chủ nhiệm CLB thơ Berlin là bậc trưởng lão Lê Xuân Đính và chủ biên tập thơ Việt ở Đức đình đám là nhà thơ Thế Dũng cũng không thấy mặt.

QUẢNG CÁO

Sau màn trình diễn  áo dài rất duyên dáng, đầy nhiệt huyết nhưng chưa đủ độ nhuyễn của các chị, các em tuổi sồn sồn, ngấp nghé năm, sáu, bảy mươi thuộc CLB Tình bạn, trưởng BTC, nhà thơ Sa Huỳnh tươi cười bước lên sân khấu. Thay vì bài diễn văn dài trịnh trọng anh chỉ nói xuề xòa một đôi điều, chủ yếu là lời cảm ơn của BTC đến những tập thể và cá nhân đã giúp cho việc tổ chức sự kiện Hội tụ 2 này tại Berlin. Tuy ngắn gọn nhưng anh vẫn nói ra được điều mình tâm huyết đấy là tạo ra một sân chơi tao nhã cho những người Việt yêu thơ và làm thơ tiếng Việt tại nước Đức. Anh cũng nói rằng, những cuộc gặp bạn thơ như thế này cũng chỉ quy tụ được lớp người Việt thế hệ thế nhất. Và vì thế đây cũng là dịp hiếm hoi để giao lưu giữa những người yêu thơ, làm thơ nhằm đoàn kết cộng đồng, hoà hợp dân tộc.

Nội dung chính của buổi “Hội tụ thơ Việt tại Đức” là sự phối hợp xen kẽ giữa thơ và  nhạc. Tức giữa đọc thơ và biểu diễn ca, múa, nhạc. Nói vui như nhà thơ Duy Hảo – MC của buổi Hội tụ 2 – khi nào ngôn từ bất lực, thanh âm sẽ lên tiếng.

Trong chương trình của BTC, phần đọc thơ là sự góp mặt của hơn hai mươi nhà thơ đến từ nhiều vùng miền của nước Đức: như nhà thơ Bùi Nguyệt, Duy Hảo, Phúc Nguyễn … đến từ Chemnitz, nhà thơ Lê Thị Thanh Bình đến từ Dresden, nhà thơ Thu Hà đến từ Cottbus, nhà thơ Sa Huỳnh, Lương Vũ, Tú Oanh, Thu Hằng … đến từ Berlin…. Nội dung và hình thức thơ của những bài thơ đã được đọc cũng không có gì mới. Có mới chăng là thời điểm làm thơ, mà điều đó chắc cũng không nhiều. Đề tài muôn thuở của thơ vẫn là yêu quê hương, yêu con người, về tình yêu lứa đôi, về cuộc sống và thân phận của người Việt xa quê…

Phần âm nhạc sôi nổi hơn bởi sự góp mặt của ban nhạc Sắc Màu với sự đa sắc của các loại âm thanh, các loại nhạc cụ từ dàn trống, kèn Saxophon, đàn Organ, 2 cây Ghita đến Violon, rồi đàn bầu. Ngoài những ca sỹ, còn có sự góp mặt của 2 nhóm trình diễn thời trang. Nhóm của CLB Tình Bạn trình diễn áo dài truyền thống. Nhóm của CLB Đoàn Kết trình diễn áo dài của các dân tộc anh em. Vui và xôm trò đáo để. Át cả sân chơi của mấy nhà thơ.

Các nhà thơ lần này đọc thơ cũng cách tân hẳn.   Người thì tự ngâm, đa phần thì nhờ người khác ngâm thơ mình trên nền nhạc, Ít người đọc mộc như mọi khi. Tiếc là âm thanh không chuẩn, phần nhạc lại át phần lời nên hồn cốt của bài thơ, giống như hương của hoa không được khuếch tán, chạm được đến trái tim người nghe. Thành ra mất tập trung. Người nọ ghé tai người kia chuyện riêng, đến mức MC không dưới vài lần nhắc nhở, thậm chí mang cả văn hoá nghe ra giáo huấn, không khí mới lắng đọng hơn một chút.

Tự nhiên lúc đó tôi nhớ đến những đêm Thơ Sinh Viên thuở xửa xưa. Chẳng có mic, cũng chẳng nhạc nhẽo. Chỉ mỗi ngọn đèn tù mù trong căn phòng lặng phắc. Người này còn có thể nghe hơi thở, thậm chí cả nhịp đập của trái tim người kia nhất là khi những câu thơ của Hoàng Nhuận Cầm, Lâm Huy Nhuận, Từ Ngàn Phố … với giọng đọc mộc, truyền cảm như rót mật vào tai người nghe. Sau khoảng lặng của xúc cảm đến nghẹn thở, đồng loạt bật lên những trào pháo tay. Chỉ thế thôi, chẳng một bông hoa, chẳng phong bì, phong bao mà người đọc lâng lâng sung sướng, còn người nghe dù “điếc” về thơ như tôi, mỗi đêm nghe thơ cũng vài lần trào cảm xúc đến nổi da gà.

Nhiều người, kể cả người lâu năm làm thơ cứ nghĩ làm thơ là dễ. Viết một câu văn không nổi nhưng có thể vẫn đẻ sòn sòn ra thơ. Cứ có vần, có điệu tưởng đó là thơ. Thực ra sản phẩm đó chỉ na ná thơ, là vần, là vè, là gì gì nữa cũng được nhưng dứt khoát không phải là Thơ. Thơ là sản phẩm được chiết suất từ sự tinh tế của trí tuệ, hoà đồng cùng sự dâng trào của cảm xúc. Vì thế thơ mới thanh tao, mới cao quý. Và người làm thơ vì thế mới được đề cao, trọng vọng, sang chảnh đến vậy.

Sự làm thơ đã khó nhưng sự nghe thơ cũng chẳng dễ dàng chút nào. Tôi nghĩ thơ giống như nhạc cổ điển. Đều là thứ kén người nghe, kén không gian. Không gian ầm ào quá, người nghe xô bồ quá không phải là nơi để thưởng thơ mà là chỗ để  người ta “giết” thơ. Vì thế không gian để đọc thơ cần nơi thanh tịnh, tránh chỗ ồn ào. Và người nghe thơ cũng phải thật có tâm với thơ, phải yêu thơ, hiểu về thơ thì buổi đọc thơ, buổi nghe thơ mới giống như buổi tâm sự, lúc trải lòng với bạn bè, cho tri kỷ. Đạt được điều đó người đọc thơ mới đã, người nghe thơ mới phê.

Còn một điều nữa muốn góp ý với BTC và với cả những người tham dự nữa mà cứ ngài ngại. Lão Lương Cường ngồi tại hội trường đã đập vai tôi bảo: Ông phải viết đấy nhé. Biết là sai sai, là sao sao í mà vẫn ngại nói. Thực ra báo chí cộng đồng cũng có người viết rồi. MC Thanh Bình trong buổi Hội tụ thơ cũng vài lần nhắc rồi mà đâu vẫn hoàn đấy. Đó là vụ tặng hoa.

Chả là BTC có dụng ý chuẩn bị một xô hoa để khán giả lên tặng người đọc thơ, người biểu diễn. Những bông hoa hồng thật đẹp. Dụng ý của BTC cũng đẹp. Chỉ có điều người tặng không đúng lúc nên gây nhiều cảnh dở khóc, dở cười. Nghệ sỹ kèn Saxophon Tuyến Kha đang phiêu bài Hạ Trắng của Trịnh Công Sơn, cũng vài người lên tặng hoa. Tay cầm kèn, tay bấm nốt lấy đâu tay cầm hoa. Nhìn trước nhìn sau chẳng có chỗ nào hơn, người tặng hoa đành nhét hoa vào nách người thổi kèn. Một nam nhà thơ đang say sưa thổn thức đọc thơ mình. Tay này cầm bản thảo, tay kia cầm mic. Người lên tặng hoa đứng chờ mãi không xong, thản nhiên cắm hoa vào túi áo người được tặng. Nữ sỹ mới toanh của cộng đồng – Hiền Mimosa , người đẹp, bút danh cũng đẹp – đang thả hồn với bài thơ “Tôi muốn” mới đọc được nửa chừng thì cả phi đội bóng hồng cầm hoa lao lên sân khấu. Tay mic, tay thơ lại không muốn mất lòng đồng đội nên vừa phải nhận hoa vừa cố đọc hết bài thơ còn đang đọc dở, còn đâu cảm xúc cho thơ. Chưa kể sân khấu buổi đọc thơ bé toen hoẻn. Cả chục người cầm hoa lên sân khấu, túm tụm tặng hoa dù mục đích là để chụp ảnh, thì cũng chẳng nhiếp ảnh gia tài ba nào ghi nổi khoảnh khắc đó.

Hoa là biểu thị của cái đẹp, tặng hoa là biểu thị sự trân quý, ai chẳng muốn, nhưng tặng hoa không đúng lúc cũng gây phản cảm, mất thời gian, làm phiền đến người khác. BTC nên có hoa tặng những người có đóng góp, hoa này để riêng, cuối chương trình mới tặng. Ngoài ra là bán. Cứ mỗi bông hoa bán vơi giá thị trường 2 Euro. Ai có tâm thì mua tặng. Đảm bảo sẽ lập lại trật tự mà không phải đăng đàn giáo huấn, nhắc nhở.

Tôi đến với buổi Hội tụ thơ Việt tại Đức hết phần 1 phải ra về, phần vì bận, phần vì kém hứng thú. Phải công nhận sự thành tâm của BTC, sự thành tâm của những người tham dự đã tạo nên một buổi giao lưu, gặp mặt trong không khí vui vẻ, tưng bừng. Giúp cho việc tăng cường sự thân thiện và đoàn kết cộng đồng đúng như tiêu chí mà nhà thơ Sa Huỳnh trưởng BTC mong muốn. Nhưng gọi đây là buổi Hội tụ thơ Việt tại Đức thì không thể. Vì không khí đó không phải là không khí của thơ, cho thơ. Còn buổi gặp mặt đó cũng chỉ là HỘI chứ không TỤ được những người làm thơ và yêu thơ tại Đức.

Vài lời góp ý tản mạn, dông dài. Có gì không phải mong BTC và bạn đọc lượng thứ.

 

Khán giả

Hùng Lý từ Berlin, Đức.