Chiều Thơ Xuân – Berlin 2018

Chiều 11/03/2018 tại hội trường Cantino ở trung tâm Berlin đã diễn ra „Chiều Thơ Xuân – Berlin 2018“ với sự tham gia của nhiều nhà thơ và những người yêu thích thơ trong cộng đồng người Việt đến từ nhiều vùng, miền ở CHLB Đức, cũng như với sự tham gia biểu diễn và đệm đàn của ban nhạc „Sắc Màu“.

Phát biểu khai mạc „Chiều Thơ Xuân“, nhà thơ Sa Huỳnh, đại diện Ban tổ chức cho biết, đây là một sân chơi cho những người yêu thích thơ trong cộng đồng người Việt tại Đức, không kể họ đến từ đâu và sang Đức trong thời gian nào nhằm khuyến khích đời sống văn hóa và tinh thần của cộng đồng.

Nhà báo Vũ Lương, đại diện Ban tổ chức đã phát biểu, nhắc lại một sự kiện bi hùng cách đây đúng 30 năm, ngày 14/03/1988, quân Trung Quốc đã dùng vũ lực cưỡng chiếm đảo Gạc Ma của Việt Nam, sát hại 64 chiến sĩ thuộc Quân đội Nhân dân Việt Nam. Nhân dịp này, toàn thể những người tham dự „Chiều Thơ Xuân“ đã dành một phút mặc niệm để tưởng nhớ 64 chiến sĩ đã hy sinh trên đảo Gạc Ma trong tiếng nhạc ai oán của bài Hồn tử sĩ.

Sau phần mở đầu, MC Tường Vi đã lần lượt giới thiệu các nhà thơ không chuyên lên trình bày các sáng tác của mình tham dự Hội Thơ, xen giữa là những bài hát cũng do các nghệ sĩ không chuyên trong cộng đồng trình diễn.

Tình yêu thơ ca trong cộng đồng thật là lớn, khi nhiều anh, chị đã vượt qua những quãng đường dài hàng trăm cây số để đến với Hội Thơ, từ những địa danh như Rostock ở phía bắc cho tới những thành phố, thị trấn như Leipzig, Chemnitz, Cottbus, Plauen, Sondershausen, thậm chí đến từ Bonn, cách Berlin tới 600 km. Đặc biệt, hội trường rất xúc động khi chứng kiến chị Đoàn Hải Bến, bất chấp sức khỏe giảm sút đã đi từ thị trấn Hof, cách Berlin hơn 300 km lên tham dự và phải chống nạng lên sân khấu để hát bài „Xuân diệu kỳ“, một bài thơ của chị đã được phổ nhạc và ngâm bài thơ „Mình ơi“ nhắn gửi với người bạn đời.

Tổng cộng có gần 30 nhà thơ không chuyên đã đăng ký tham gia giới thiệu những sáng tác mới của mình, với nhiều chủ đề được đề cập tới như tình yêu lứa đôi, tình yêu quê hương, đất nước, những kỷ niệm về mẹ, kỷ niệm về làng xóm của những người con xa quê. Có những bài đã gợi lại nỗi đau Da cam còn đè nặng lên thế hệ được sinh ra mấy chục năm sau khi chiến tranh kết thúc, có những bài bày tỏ tình cảm của mình đối với Trường Sa và Hoàng Sa, vùng biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc, có những bài bày tỏ tâm tư về thực trạng xã hội hiện nay ở Việt Nam, có những bài nói lên tâm trạng của một người phụ nữ trong một hoàn cảnh éo le nơi đất khách quê người.

Với thành công của „Chiều Thơ Xuân – Berlin“, các nhà thơ không chuyên và những người yêu thơ trong cộng đồng người Việt ở Đức có thể hy vọng và trông chờ vào thành công của „Hội tụ Thơ Việt ở Đức“ lần thứ ba, dự kiến sẽ được tổ chức ở Cottbus vào tháng 6/2018.

Ban tổ chức ra mắt và nói về mục đích, ý nghĩa của Hội thơ

Những người tham dự mặc niệm những chiến sĩ đã hy sinh ở Gạc Ma cách đây 30 năm

Các nữ thi sĩ chụp ảnh lưu niệm nhân dịp 8/3

Ca sĩ Ngọc Minh đã gây xúc động với bài hát “Khóc mẹ đêm mưa”

Văn Long – Thoibao.de

>>>Mời các bạn bấm vào đây để xem thêm ảnh