Hệ quả của việc Donald Trump rút khỏi Hiệp định bảo vệ khí hậu

Điều đặc biệt của Hiệp định Paris về việc bảo vệ khí hậu là lần đầu tiên, tất cả các nước phải đóng góp phần mình để kìm hãm tình trạng trái đất ấm lên: Nước nhỏ cũng như nước lớn, nước nghèo cũng như nước giàu.

Giờ đây, Tổng thống Mỹ Donald Trum đã tuyên bố rút khỏi Hiệp định này. Đây là một tin xấu đối với nhiều người trên toàn thế giới, đặc biệt đối với cư dân trên những hòn đảo sẽ bị chìm xuống biển, khi nhiệt độ tiếp tục tăng lên. Ngược lại, số lượng những người được hưởng lợi trước mắt không nhiều. Hệ quả của quyết định nảy sẽ ra sao?

Nước Mỹ sẽ tiếp tục phải tham dự các hội nghị về khí hậu trong 4 năm nữa. Chưa rõ họ sẽ tham gia với thái độ như thế nào. Theo quy định, Hiệp định Paris về bảo vệ khí hậu phải có hiệu lực trong vòng 3 năm, trước khi một quốc gia có thể rút khỏi hiệp định này. Hiệp định Paris bắt đầu có hiệu lực ngày 4/11/2016. Ngoài ra, thời hạn để được phép rút khỏi hiệp định là một năm nữa. Có nghĩa là sớm nhất thì cũng phải tới ngày 4/11/2020, Mỹ mới có thể chính thức rút khỏi hiệp định, một ngày sau cuộc bầu cử tổng thống Mỹ lần tới.

Chính phủ Đức có thể làm gì?

Về mặt lý thuyết, nước Đức có thể đưa ra những mục tiêu bảo vệ môi trường tham vọng hơn nữa. Ví dụ như thúc đẩy nhanh hơn nữa việc ngừng sản xuất điện bằng than. Nhưng hiện nay, họ không có đủ đa số để đưa ra quyết định này. Đảng Xanh và các tổ chức bảo vệ môi trường cho rằng nước Đức sẽ không đạt được mục tiêu giảm 40% lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính vào năm 2020. Họ chỉ trích Thủ tướng Angela Merkel nói nhiều về bảo vệ khí hậu trên trường quốc tế, nhưng ở trong nước lại làm quá ít cho mục tiêu này.

Trên bình diện quốc tế, Đức cũng khó làm gì thêm. Sẽ là không thực tế khi muốn thuyết phục Trump thay đổi lại quyết định. Sau khi gặp khó khăn trong việc sửa đổi bảo hiểm y tế và xây dựng bức tường biên giới với Mexico, Tổng thống Mỹ Trump giờ đây muốn thực hiện lời hứa khi tranh cử của mình là rút khỏ Hiệp định Paris, cho dù nhiều nhà doanh nghiệp Mỹ phản đối. Bộ trưởng Môi trường Đức Barbara Hendricks cho rằng sẽ là sai nếu bắt chước phong cách đối đầu của Trump. Nước Đức phải ủng hộ một dạng ngoại giao khác. Ông Anton Hofreiter, Chủ tịch Nhóm nghị sĩ Quốc hội của Đảng Xanh nhận xét: „Chúng ta phải làm quen với việc một tổng thống khó lường đang nắm quyền ở Mỹ, một người không thể là đối tác của chúng ta trên bất cứ lĩnh vực chính sách nào“. Ông đề nghị nên thiết lập quan hệ đối tác về khí hậu với những bang tiến bộ của Mỹ.

Những gì đã được làm thông qua Hiệp định Paris?

Hầu như tất cả các nước đã soạn thảo Kế hoạch bảo vệ khí hậu cho Hiệp định Paris, trong đó có những nước lần đầu tiên mới có kế hoạch này. Nước Đức và những nước công nghiệp khác đã giúp đỡ các nước nghèo trong việc này và hỗ trợ họ cả về mặt tài chính. Hầu như tất cả các nước đều có mục tiêu phát triển năng lượng tái tạo được. Ông Niklas Höhne, người sáng lập Viện Newclimate nhận xét: Riêng điều đó đã dẫn tới hiệu quả giảm thiểu lớn nhiều tỉ tấn khí thải gây hiệu ứng nhà kính.

Điều đó tác động ra sao tới việc bảo vệ khí hậu?

Vẫn chưa rõ, liệu khí thải gây hiệu ứng nhà kính của Mỹ sẽ tiếp tục giảm hay lại tăng lên. Riêng vì lợi ích kinh tế, nhiều bang của Mỹ sẽ tiếp tục đặt cược vào khí đốt rẻ và thân thiện với khí hậu cũng như năng lượng tái tạo được. Nhiều doanh nghiệp vẫn duy trì đường lối thân thiện với môi trường. Ông Jakob Wachsmuth của Viện Fraunhofer về nghiên cứu hệ thống và đổi mới nhận xét: Việc đảo ngược những quy định quốc gia về khí hậu ở Mỹ đã có ảnh hưởng hơn nhiều so với việc rút khỏi Hiệp định Paris. Ví dụ như giờ đây, các cơ quan chức năng liên bang khi đưa ra quyết định của mình không cần phải nghĩ tới tác động đối với khí hậu nữa.

Số tiền mà Mỹ cam kết đóng góp giờ ra sao?

Dưới thời Tổng thống Barack Obama, Mỹ đã tuyên bố sẽ đóng 3 tỉ USD vào Quỹ khí hậu xanh. Một tỉ USD đã được chuyển. Việc Trump giờ đây ngừng trả tiền là một sự thụt lùi. Số tiền từ quỹ này nhằm giúp đỡ cho những nước nghèo đi theo con đường tăng trưởng thân thiện với khí hậu và thích ứng với hậu quả của việc biến đổi khí hậu.

Những ai được lợi từ việc Mỹ rút khỏi Hiệp định này?

Về ngắn hạn, các doanh nghiệp than, khí đốt và dầu của Mỹ cũng như những nhân viên của họ được hưởng lợi. Tuy nhiên, lợi ích của họ lại gây thiệt hại cho những doanh nghiệp kiếm tiền với năng lượng tái tạo. Các chuyên gia vẫn tranh cãi xem rốt cuộc thì việc ra khỏi Hiệp định Paris là tích cực hay tiêu cực. Ông Wachsmuth cho rằng việc quốc gia thải khí gây hiệu ứng nhà kính nhiều thứ nhì thế giới rút khỏi Hiệp định này có thể khích lệ một số nước đi theo. Mặt khác, các bên ký hiệp định lại bớt đi một người chuyên kìm hãm.

Hậu quả của việc này đối với khí hậu ra sao?

Ông Deon Terblanche, Giám đốc trung tâm nghiên cứu khí quyền thuộc Tổ chức khí tượng thế giới (WMO) nhận xét: Trong trường hợp tồi tệ nhất, việc Mỹ rút khỏi Hiệp định Paris có thể làm cho Trái đất ấm lên thêm 0,3 độ C vào cuối thế kỷ. Nhưng vẫn chưa rõ là việc thải khí gây hiệu ứng nhà kính của Mỹ sẽ phát triển ra sao. Ông Johannes Cullmann của WMO cho biết, hiện nay, Trái đất đã ấm lên khoảng một độ. Nhằm ngăn cản sự ấm lên nguy hiểm, phải giới hạn nó rõ ràng dưới 2 độ. Bây giờ sẽ rất khó đạt được mục tiêu này, dù có Mỹ hay không có Mỹ.

 

Văn Long – Thoibao.de (Theo báo chí Đức)