Xúc động lễ tưởng niệm các liệt sĩ hy sinh ở Trường Sa

Chuyến đi thăm quân và dân Trường Sa của Đoàn công tác số 8 năm 2017 do ông Vũ Hồng Nam, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài làm trưởng đoàn và Đại tá Nguyễn Thế Tốt, Phó Tham mưu trưởng Quân chủng Hải quân làm Phó trưởng đoàn đã diễn ra từ ngày 25/4 tới 4/5/2017.

Hải trình trên con tàu Kiểm ngư KN 491 tới thăm 5 đảo nổi: Song Tử Tây, Sơn Ca, Nam Yết, Sinh Tồn và Trường Sa cũng như 5 đảo chìm Đá Nam, Cô Lin, Đá Đông B, Đá Đông C, Đá Tây A và Nhà  giàn DK 1/11 đã để lại cho 196 thành viên Đoàn công tác, trong đó có 60 kiều bào đến từ 22 quốc gia và vùng lãnh thổ những ký ức không thể nào quên.

Đặc biệt, lễ tưởng niệm trên con tàu KN 491 ngay tại vùng biển Cô Lin, Len Đao, Gạc Ma để tưởng nhớ 64 liệt sĩ đã anh dũng hy sinh trong ngày 14/3/1988 khi bảo vệ đảo Gạc Ma và những chiến sĩ đã hy sinh ở khu vực nhà giàn DK1 đã làm cho những người tham dự vô cùng xúc động.

Tôi đã từng tham dự Lễ tưởng niệm và cầu siêu cho 64 liệt sĩ hy sinh ở Gạc Ma do cộng đồng người Việt tổ chức tại Berlin và Erfurt, Đức. Những buổi lễ đó cũng rất xúc động, nhưng không thể so sánh với lễ tưởng niệm ở vùng biển này, chỉ cách đảo Gạc Ma khoảng 3,5 km, chính nơi các anh đã nằm lại. Tôi mường tượng như anh linh các anh vẫn lẩn quất đâu đó ở vùng biển này để phù hộ cho những người đồng đội của các anh giữ chắc tay súng để bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc, không để mất thêm một hòn đảo nào, dù là đảo nổi hay đảo chìm vào tay những kẻ đã xâm chiếm Gạc Ma cách đây 29 năm và giờ đây đang ráo riết san lấp, mở rộng hòn đảo nhân tạo này, biến nơi đây thành một căn cứ quân sự, uy hiếp các đảo của ta và gây ảnh hưởng tới tự do giao thông hàng hải quốc tế trong khu vực.

Tại lễ tưởng niệm ở Erfurt tháng 3 vừa qua, những người tham dự đã được nghe cựu chiến sĩ hải quân Vũ Văn Thùy ôn lại những kỷ niệm cách đây 29 năm, khi họ chiến đấu để bảo vệ các đảo bên cạnh đảo Gạc Ma. Khi đó Vũ Văn Thùy là lái chính của tàu HQ 505. Anh cho biết, vào lúc bên phải tàu đã bị địch bắn nát, có nguy cơ bị chìm và bánh lái chính bị hỏng, anh và các chiến sĩ khác đã nhận được lệnh của Thuyền trưởng Vũ Huy Lễ thay bánh lái phụ và anh đã cùng đồng đội lái con tàu lao lên đảo Cô Lin, bám trụ ở đây để khẳng định chủ quyền. Sau đó, các anh đã hạ xuồng cứu được 45 chiến sĩ bị địch bắn chìm tàu đang lênh đênh trên biển. Con tàu HQ 505 và ba chiến sĩ đã ở lại trên đảo Cô Lin trong ba tháng trời để khẳng định chủ quyền của Việt Nam.

Giờ đây, khi được thăm đảo Cô Lin và dự Lễ tưởng niệm các liệt sĩ Gạc Ma, tôi đã xúc động hình dung ra con tàu HQ 505 nằm trên hòn đảo chìm này như một pháo đài sống để khẳng định chủ quyền của Việt Nam. Các đảo Sinh Tồn, Cô Lin và Len Đao trong cụm đảo Sinh Tồn cũng đã xây dựng, gia cố, tăng cường khả năng phòng thủ tốt hơn nhiều so với trước đây.

Tại Lễ tưởng niệm trên con tàu KN 491, Đại tá Nguyễn Xuân Thanh đã xúc động phát biểu: „Dẫu biết rằng vinh quang nào mà chẳng có mất mát, hy sinh, hạnh phúc nào mà không phải đổi bằng máu xương, mồ hôi và nước mắt. Sự dâng hiến của các anh đã góp phần làm nên giá trị thiêng liêng của non sông đất nước, tinh hoa gấm vóc của dân tộc. Các anh ra đi thật thanh thản và rất đỗi vinh quang. Song để lại phía sau là nỗi đau tột cùng của gia đình, đồng bào, đồng chí; Để lại nỗi nhớ khôn nguôi của những người mẹ, người cha, người vợ; Hằn trong ký ức thơ ngây của những đứa con đang ngày đêm đau đáu bên cánh cửa đợi trông, mong các anh về“. Không nén nổi xúc động, nhiều kiều bào đã rưng rưng nước mắt.

 

Văn Long – Thoibao.de